📞

Bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam: Thực trạng và thách thức

TS. GVC. NGUYỄN THỊ HỒNG YẾN - TS. MẠC THỊ HOÀI THƯƠNG 08:00 | 10/10/2022
Quyền con người là những giá trị cao quý nhất, kết tinh của văn hóa quyền - thành quả của quá trình đấu tranh của nhân loại qua hàng nghìn năm lịch sử. Do vậy, việc tôn trọng và bảo đảm các quyền con người có tầm quan trọng không chỉ trong việc xây dựng các chuẩn mực pháp lý về nhân quyền, mà còn là chỗ dựa cho cuộc đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm nhân quyền, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương.
Quyền của phụ nữ và trẻ em là một bộ phận cấu thành không thể tách rời trong toàn bộ các quyền con người. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em dưới góc độ quốc tế

Quyền của phụ nữ và trẻ em là một bộ phận cấu thành không thể tách rời trong toàn bộ các quyền con người. Các quyền con người của cả hai nhóm này đều có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm. Bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác.

Ở góc độ quốc tế, luật quốc tế về quyền con người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến quyền phụ nữ và trẻ em đồng thời quy định các thiết chế pháp lý để bảo đảm quyền trẻ em được thực thi trong đời sống. Ngoài các văn kiện chung về bảo đảm quyền con người như Hiến chương Liên hợp quốc 1945; Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người 1948; Công ước về quyền dân sự, chính trị 1966; Công ước về quyền kinh tế, văn hoá và xã hội 1966…, trẻ em đã được ghi nhận những quyền đặc thù, đặc biệt là quyền được chăm sóc, giáo dưỡng và được bảo vệ đặc biệt.

Bên cạnh đó, LHQ cũng thông qua các công ước chuyên biệt nhằm ghi nhận và bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em như: Công ước về quyền trẻ em của LHQ năm 1989; Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và việc kết hôn tự nguyện năm 1962... và điển hình là Công ước Xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Ngoài các văn kiện quốc tế, các quốc gia còn tổ chức nhiều Hội nghị về quyền phụ nữ. Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ II ở Viên (Áo) năm 1993 thông qua Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, trong đó khẳng định: “Quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái là một bộ phận cấu thành, gắn liền và không thể tách rời của các quyền con người phổ biến”…

Quyền phụ nữ và trẻ em theo pháp luật Việt Nam

Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ và trẻ em nói riêng, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em.

Thứ nhất, trong hoạt động lập pháp: Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mang tính đột phá nhằm bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Điều 19 quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”; và tại khoản 1 Điều 20 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm”; khoản 2 Điều 36 quy định “... Nhà nước bảo hộ quyền lợi bà mẹ và trẻ em”;…

Cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Trẻ em năm 2016. Trong đó, Luật Bình đẳng giới xác định mục tiêu là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Luật Trẻ em quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; các chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là về bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Luật cũng quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Bên cạnh đó, một số đạo Luật quan trọng như Bộ Luật Dân sự năm 2015; Bộ Luật Hình sự năm 2015; Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (đang được sửa đổi, bổ sung); Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014,... đều có quy định nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em.

Thứ hai, trong tổ chức thực hiện các quy định pháp luật: Chính phủ chỉ đạo thực hiện lồng ghép các quy định bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em trong văn bản quy phạm pháp luật; trong phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến việc thực hiện các quyền cơ bản của phụ nữ. Ngoài ra, các Bộ, cơ quan ngang bộ đều đóng vai trò nhất định trong công tác bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em.

Thứ ba, trong giám sát thi hành các quy định pháp luật về quyền phụ nữ và trẻ em: Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao việc ban hành văn bản pháp luật và thực hiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em. Chính phủ, hằng năm phải chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Quốc hội cũng thành lập nhiều đoàn trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan ở trung ương và địa phương trong cả nước, qua đó bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền của phụ nữ và trẻ em được thực hiện một cách đầy đủ và kịp thời; quan tâm nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri; tiếp nhận, xem xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, của phụ nữ, trẻ em nói riêng,…

Việt Nam cũng đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm bảo đảm các quyền của phụ nữ và trẻ em như: Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021- 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025…

Mặc dù được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại và gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Thay đổi thái độ và tư tưởng về giới

Với nỗ lực của của cả hệ thống chính trị, cho tới nay, công tác bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng bảo đảm ngày một tốt hơn các quyền của phụ nữ và trẻ em, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội như Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Bộ luật Lao động (2019); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (2015); Luật Ngân sách nhà nước (2015)...

Kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công tốt đẹp với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội (tỷ lệ cao nhất kể từ khóa V tới nay) và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có việc làm với thu nhập cao hơn. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới trong thập kỷ qua, bất chấp những biến động kinh tế - chính trị của khu vực và thế giới.

Về giáo dục, tỷ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân bằng. Về chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng. Hiện nay, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp 87/156 về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới.

Mặc dù được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại và gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Bên cạnh những thành tựu kể trên, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như: trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phải chịu thiệt thòi gần như trên mọi chỉ số phát triển bền vững; khoảng cách số giữa các dân tộc; khoảng cách về giới trên một số chỉ tiêu phát triển bền vững; bạo lực vẫn được áp dụng phổ biến như một phương pháp kỷ luật trẻ em tại Việt Nam. Tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít, tỷ lệ nghèo của đồng bào DTTS còn cao. Do đó, vẫn còn phụ nữ DTTS chưa biết chữ; vấn đề việc làm, dạy nghề cho phụ nữ DTTS để tiếp cận với lao động chất lượng cao còn gặp nhiều khó khăn.

Khoảng cách giới còn khá lớn trong một số lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới. Về mặt chăm sóc sức khỏe, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em, sức khoẻ sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng DTTS còn hạn chế. Bạo lực gia đình còn khá nghiêm trọng. Nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế. Chế tài thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa mạnh.

Để bảo đảm tốt hơn các quyền con người của phụ nữ và trẻ em, bên cạnh hoạt động lập pháp, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường nhận thức về quyền phụ nữ và trẻ em, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm tốt hơn quyền phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là ở các nhóm phụ nữ trẻ em là người DTTS, ở nông thôn và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm.