Các nhà nhập khẩu Mỹ đã gánh thêm hơn 90% chi phí đến từ việc Washington áp mức thuế quan cao trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. (Nguồn: Getty) |
Mới đây, đài Sputnik của Nga cho rằng, theo báo cáo của công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service, hiện tại, hơn một nửa dòng chảy thương mại Mỹ-Trung đang bị áp thuế.
Các nhà nhập khẩu Mỹ đã gánh thêm hơn 90% chi phí đến từ việc Washington áp mức thuế quan cao trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Không đạt mục tiêu cân bằng cán cân thương mại
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ban đầu, ông Trump áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc với lý do cần phải cân bằng thâm hụt thương mại với nước này.
Tuy nhiên, sau đó, Washington đã sử dụng thuế như một đòn bẩy trong nhiều vấn đề kinh tế và chính trị. Vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại, hầu như tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị áp thuế từ 10-25%.
Tất nhiên, Bắc Kinh không thể đáp trả đối xứng với cuộc chiến thuế quan của Mỹ, bởi Mỹ có thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, quốc gia châu Á đã áp thuế trả đũa lên các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ sang Trung Quốc, trước hết là các sản phẩm năng lượng và nông nghiệp.
Theo quan điểm Trung Quốc, việc áp thuế trả đũa sẽ gây khó khăn cho nông dân Mỹ, những người luôn ủng hộ ông Trump, và sẽ cho thấy Washington đang theo đuổi chính sách sai lầm.
Cuối cùng, ông Trump đã đồng ý bãi bỏ hoặc cắt giảm một số thuế quan. Đổi lại, Trung Quốc đã cam kết tăng cường mua nông sản và năng lượng của Mỹ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Moody’s, hơn 60% hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vẫn nằm trong diện bị tăng thuế.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden công khai chỉ trích các chính sách dưới thời chính quyền tiền nhiệm, nhưng chính quyền mới không thay đổi đường lối chung, tức là vẫn theo hướng đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực thuế quan và công nghệ.
Ví dụ, trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thuế quan bình quân mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc là 3,1%, trong khi thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ ở mức 8%. Hiện nay, thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc ở mức trung bình 19,3%, trong khi thuế quan mà Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ là khoảng 20,7%.
Nếu mục đích của cuộc chiến thương mại là để cân bằng thuế quan, kết quả có thể được coi là thành công. Nhưng kết quả này không giúp đạt được mục tiêu ban đầu là cân bằng cán cân thương mại.
Năm 2020, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 310 tỷ USD. Trước khi phát động cuộc chiến thương mại, con số này là 375,2 tỷ USD.
Tin liên quan |
Mỹ muốn gì khi hòa giải thương mại với EU, trì hoãn đàm phán với Trung Quốc? |
Nhà nhập khẩu Mỹ hứng đòn
Theo báo cáo của Moody’s, các nhà nhập khẩu Mỹ chịu phần lớn chi phí do thuế quan. Hiện nay, các nhà nhập khẩu của nước này phải trả thêm khoảng 18,5% giá hàng hóa Trung Quốc chịu thuế quan 20%, trong khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ giảm hơn 1,5% doanh thu trên mỗi sản phẩm.
Điều này là do Mỹ không tìm thấy nguồn cung thay thế khác cho nhiều hàng hóa của Trung Quốc bị áp thuế.
Về phía Trung Quốc, các mặt hàng của Mỹ bị áp thuế chủ yếu là nguyên liệu thô và nông sản. Mỹ không phải là nước độc quyền và Trung Quốc có thể đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình.
Báo cáo của Moody’s kết luận, thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng đối với Trung Quốc đã gây hại cho nền kinh tế Mỹ, trong khi Trung Quốc dễ dàng tìm được giải pháp thay thế.
Chuyên gia Li Kai thuộc Đại học Kinh tế Tài chính Sơn Tây giải thích, chính quyền Mỹ vẫn bám sát đường lối chính sách của ông Trump. Các vấn đề nội bộ của Mỹ có thể thúc đẩy quá trình sửa đổi chính sách kinh tế đối ngoại.
Trong bối cảnh đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra, Mỹ đã thông qua gói kích thích cao kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế. Để làm được điều này, Mỹ lại để cho các máy in tiền tiếp tục hoạt động hết công suất.
Theo các quy luật cơ bản của nền kinh tế, chính sách này có thể dẫn đến lạm phát tăng cao. Cho đến nay, các nhà chức trách Mỹ kiềm chế sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu - tất cả thanh khoản đều được thị trường chứng khoán hấp thụ.
Tuy nhiên, thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu là một yếu tố khác đẩy giá lên cao. Cuối cùng, Washington sẽ cần điều chỉnh các chính sách với Trung Quốc để phù hợp với tình hình thực tế mới.
Chuyên gia Li Kai dự đoán, Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, nhưng có thể giảm thiểu những hàng rào thuế quan hiện có. Nếu nói về các biện pháp nhằm hạn chế sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, giới chính trị Mỹ và các đại diện của ngành công nghiệp có ý kiến khác nhau.
Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc mua hàng hóa công nghệ cao của Mỹ. Ví dụ, trong những năm gần đây, Trung Quốc nhập khẩu chip trị giá hơn 300 tỷ USD mỗi năm. Và năm 2020, trong bối cảnh lo ngại về những hạn chế mới của Mỹ, các công ty Trung Quốc bắt đầu tích trữ chip, do đó, tổng lượng chip Trung Quốc nhập khẩu lên đến 380 tỷ USD.
Đương nhiên, những hạn chế trong việc tiếp cận các linh kiện và công nghệ của Mỹ sẽ tạo ra những vấn đề nhất định cho sự phát triển của ngành công nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, các công ty Mỹ từng làm việc với Trung Quốc cũng sẽ mất một phần thu nhập đáng kể. Ví dụ, chỉ riêng Huawei đã mua linh kiện từ các công ty Mỹ với tổng trị giá hơn 10 tỷ USD mỗi năm.
Đại diện doanh nghiệp cảnh báo, những khoản tiền này có thể được chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mới, để tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm của họ. Vừa thiệt hại về doanh thu, các công ty Mỹ vừa có thể mất lợi thế cạnh tranh.
Thượng viện Mỹ đã thông qua chương trình đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 5 năm để phát triển các công nghệ quan trọng mà Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc. Số tiền này dự kiến được dành cho các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, sản xuất chip, công nghệ sinh học và các nguồn năng lượng mới.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vẫn còn hoài nghi về chương trình này bởi về mặt lịch sử, tất cả các đổi mới ở Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi kinh doanh tư nhân và các nguyên tắc thị trường.
Liệu rằng Mỹ có đang sử dụng giải pháp của Trung Quốc để hỗ trợ các tập đoàn lớn nhất trong nước? Trung Quốc thì đã lên kế hoạch chi 1.400 tỷ USD cho sự phát triển của cơ sở hạ tầng mới đến năm 2025.