Khi chính phủ Ấn Độ công bố danh sách các công ty được phép tiến hành các thử nghiệm 5G trong 6 tháng, thông tin đáng chú ý lại chính là các công ty không được lựa chọn.
Hai cái tên Trung Quốc là Huawei và ZTE không bị Ấn Độ cấm nhưng cũng không lọt vào danh sách các công ty viễn thông được phê duyệt, trong đó có Samsung của Hàn Quốc và Nokia của Phần Lan.
Ấn Độ có sự ngờ vực nhất định với sự tham gia của các công ty Trung Quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm hoặc chiến lược như viễn thông. (Nguồn: AFP) |
Trên thực tế, New Delhi vẫn luôn cảnh giác với việc cho phép các công ty Trung Quốc tham gia những lĩnh vực nhạy cảm hoặc chiến lược như lĩnh vực viễn thông. Lý do đằng sau sự ngờ vực đó là lo ngại rằng điều này sẽ tạo cơ hội cho Bắc Kinh âm thầm theo dõi các lợi ích của Ấn Độ.
Sự ngờ vực này càng gia tăng lên sau những căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra vào giữa năm 2020, bắt nguồn từ một cuộc đụng độ gây thương vong cho cả hai bên ở khu vực thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh.
Hay mới đây, một bài đăng trên mạng xã hội của cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu Trung Quốc, trong đó việc Trung Quốc phóng thành công một mô-đun vào không gian được đặt cạnh những giàn hỏa táng ở Ấn Độ, càng làm xấu đi mối quan hệ song phương và khiến cho mối nghi ngờ càng trở nên sâu sắc.
Bài đăng này sau đó đã bị xóa do hứng chịu chỉ trích nặng nề vì thái độ hả hê trước sự bất hạnh của người khác.
Một lăng kính khác
Dù đang được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán, nhưng vấn đề biên giới đã làm thay đổi hoàn toàn động lực của mối quan hệ Ấn-Trung.
Chuyên gia địa chiến lược Brahma Chellaney trên tờ Nikkei Asia mới đây đã nhận định rằng điều đáng quan ngại là Ấn Độ đang chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ hai và cũng bị phân tâm giống như tình trạng cách đây một năm. Khi đó, Trung Quốc đã lợi dụng điều này để lén lút xâm nhập các khu vực biên giới quan trọng ở vùng cao nguyên Ladakh của Ấn Độ.
Theo Giáo sư Brahma Chellaney, lực lượng xâm nhập thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn bám trụ vững chắc, và Bắc Kinh không có ý định rút lại các lực lượng này hoặc chấp nhận thiết lập thêm các vùng đệm giống như tại hai khu vực xung đột khác để chặn đứng các cuộc đụng độ vũ trang.
Giờ đây, với việc Ấn Độ đang phải chiến đấu với đợt bùng phát Covid-19, người ta lo ngại Trung Quốc sẽ có thêm động thái bất ngờ về quân sự. Ông Chellaney cho rằng chính suy nghĩ này gần đây đã thúc đẩy Tư lệnh Lục quân Ấn Độ tới thăm tiền tuyến tại Ladakh để đánh giá hoạt động chuẩn bị chiến đấu.
Giờ đây, với việc Ấn Độ đang phải chiến đấu với đợt bùng phát Covid-19, người ta lo ngại rằng Trung Quốc sẽ có thêm những động thái bất ngờ về quân sự. |
Do thái độ của Ấn Độ đối với Trung Quốc đang trở nên tiêu cực, không có gì ngạc nhiên khi các mối quan hệ kinh tế đã không còn tách biệt với những rắc rối ở biên giới.
Có thể nhận thấy rõ điều này trong quyết định của New Delhi cấm hơn 100 ứng dụng của Trung Quốc.
Đối với các công ty Trung Quốc, điều này có nghĩa là hiện tại họ không thể tự do mở rộng hoạt động như trước khi xảy ra cuộc đụng độ trên dãy Himalaya, do đó rơi vào thế bất lợi trước các đối thủ từ Mỹ hoặc phương Tây.
Theo ông Pranay Kotasthane, người đứng đầu Chương trình địa chính trị công nghệ cao tại Viện Takshashila ở Bangalore, mọi công ty và khoản đầu tư của Trung Quốc hiện nay đang được nhìn từ “lăng kính chiến lược” chứ không chỉ từ góc nhìn kinh tế thuần túy.
Điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục bị giám sát chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực công nghệ.
Chuỗi cung ứng "không Trung Quốc"
Sự thay đổi thái độ của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt. Washington liên tục thúc giục các đồng minh của mình và các quốc gia khác ngăn chặn Huawei tham gia triển khai công nghệ 5G ở các quốc gia đó.
Kể từ khi gia nhập thị trường Ấn Độ vào năm 1999, Huawei đã mở rộng hoạt động, từ mảng thiết bị viễn thông và phần mềm sang lĩnh vực điện thoại thông minh và loa.
Theo một số ước tính, Huawei đã tham gia sâu vào việc triển khai công nghệ 4G ở Ấn Độ và chiếm khoảng 24% thị phần. Tình trạng phụ thuộc vào thiết bị Trung Quốc diễn ra ngay cả trong các công ty viễn thông thuộc sở hữu của chính phủ Ấn Độ, như công ty Bharat Sanchar Nigam với 53,4% thiết bị 4G là do ZTE và Huawei cung cấp.
Huawei tham gia sâu vào việc triển khai công nghệ 4G ở Ấn Độ và chiếm khoảng 24% thị phần. (Nguồn: Quint) |
Các công ty viễn thông Ấn Độ hiện được yêu cầu tránh sử dụng thiết bị của Trung Quốc. Việc này không dễ dàng vì theo ước tính, chi phí sản xuất có thể tăng từ 15% đến 20% nếu Ấn Độ cấm các nhà cung cấp Trung Quốc.
Ông Pranay Kotasthane cho rằng trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ, Ấn Độ sẽ hoan nghênh các công ty phương Tây hơn là Trung Quốc. Nhưng trong các lĩnh vực truyền thống như cơ sở hạ tầng cứng và máy móc điện, các công ty Trung Quốc với mức giá cạnh tranh trở nên không thể thay thế trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, việc Ấn Độ xoay trục sang Mỹ trong bối cảnh các mối quan ngại an ninh ngày càng tăng liên quan đến tham vọng của Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến Mỹ và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ.
Điều này đã được minh chứng tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ (Quad), gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Nhóm này đã quyết định triển khai một nhóm làm việc về công nghệ mới nổi và công nghệ trọng yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác về các tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ đổi mới sáng tạo của tương lai.
Lãnh đạo các nước Bộ tứ cho rằng sự hợp tác về các công nghệ trọng yếu của tương lai là nhằm “đảm bảo rằng sự đổi mới sáng tạo là phù hợp với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và có khả năng chống đỡ".
Đây được coi là lời chỉ trích đầy ẩn ý nhằm vào Trung Quốc.
Ông Alex Capri, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng yếu tố địa chính trị đã đưa Ấn Độ đi theo con đường phù hợp với Mỹ và các nước Bộ tứ cũng như các đồng minh truyền thống khác của Mỹ.
Ấn Độ ngày càng có nhiều động lực để tiến hành “tách rời” khỏi Trung Quốc, trong lĩnh vực chuỗi cung ứng công nghệ liên quan đến các bộ phận, linh kiện và hàng tiêu dùng thành phẩm cũng như trong hoạt động đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và các “kỳ lân” công nghệ.
Quá trình tách rời đã diễn ra trên các nền tảng kỹ thuật số. Điều này mở ra thêm nhiều cơ hội cho các công ty tại Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu... thông qua các sáng kiến chuỗi cung ứng “không Trung Quốc” cũng như các liên minh công nghệ khác.
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy việc tạo ra chuỗi cung ứng "không Trung Quốc" trong các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm pin, đất hiếm và chất bán dẫn, mang lại cho Ấn Độ cơ hội trở thành lựa chọn thay thế.
Theo một báo cáo của Quỹ Hinrich, Ấn Độ có thể vận động Washington thuyết phục công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất vi mạch theo hợp đồng lớn nhất thế giới và những công ty khác "xây dựng dây chuyền lắp ráp bảng mạch in, thiết bị bán dẫn và xây dựng năng lực thử nghiệm ở Ấn Độ". Báo cáo này lưu ý rằng Mỹ đã thuyết phục được TSMC xây dựng một nhà máy chế tạo chất bán dẫn ở Arizona "hoàn toàn dựa trên những đòi hỏi về địa chính trị và an ninh quốc gia". |
Tìm kiếm sự khác biệt
Trong khi đó, các công ty Mỹ đã và đang mở rộng hoạt động ở Ấn Độ. Ví dụ, Apple đã và đang đa dạng hóa dây chuyền sản xuất điện thoại di động của mình ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ.
Foxconn, công ty sản xuất và lắp ráp các linh kiện quan trọng cho Apple, đang muốn đầu tư 1 tỷ USD. Google có 4,5 tỷ USD cổ phần trong công ty viễn thông Ấn Độ Jio.
Giám đốc điều hành Sundar Pichai của Google cho biết họ có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào Ấn Độ trong 5 đến 7 năm tới, bao gồm cả đầu tư cho công nghệ mới nổi.
Tuy nhiên, khả năng Ấn Độ trở thành một trung tâm công nghệ phụ thuộc vào việc liệu chính phủ có thể giải quyết các vấn đề về cơ chế hay không.
New Delhi đã nỗ lực cải thiện điều kiện kinh doanh, chẳng hạn như đơn giản hóa hệ thống thuế thông qua thuế hàng hóa và dịch vụ hay đưa ra các chương trình khuyến khích sản xuất. Song nước này vẫn còn những hạn chế mang tính hệ thống do sự phối hợp yếu kém giữa các bang và chính phủ liên bang cũng như các thủ tục hành chính rườm rà. Chưa kể cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra những thiệt hại chưa thể đo đếm hết đối với nền kinh tế.
Sản xuất chỉ chiếm 13,6% tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ trong năm 2019, trong khi tỷ lệ này của Trung Quốc là 27,1%. Các công ty đã rời khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng chưa chắc đã tìm đến Ấn Độ, một phần vì những rào cản về cơ chế của nước này.
Để Ấn Độ có thể tận dụng triệt để việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho việc sản xuất công nghệ tại Trung Quốc, nước này cần phải khắc phục các vấn đề mang tính hệ thống.
Các nhà sản xuất công nghệ cũng như các nhà phân tích bảo mật cần phải cân nhắc một yếu tố khác, đó là quy mô của Ấn Độ.
Cuộc chiến về dữ liệu, quyền riêng tư và công nghệ đang diễn ra sẽ quyết định tương lai của thế giới, và Ấn Độ không phải là ngoại lệ.
Tiềm năng của một quốc gia khổng lồ như Ấn Độ sẽ khiến nước này trở nên khác biệt so với các đối thủ khác đang bị cuốn vào cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Học giả Pavithran Rajan - cựu sỹ quan quân đội, doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ cho rằng về nhiều mặt, Ấn Độ đang ở vào vị thế “quốc gia dao động” và sẽ là nước quyết định đường hướng địa chính trị của thế kỷ tới.
Vì lẽ đó, Ấn Độ cần thận trọng bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ nhận thức được tiềm năng của Ấn Độ và sẽ tìm cách tác động tới sự trỗi dậy của Ấn Độ sao cho lợi ích của chính họ vẫn là trên hết.