Hàng chục nghìn người ủng hộ lực lượng đối lập ở Belarus đã cùng tập hợp để tổ chức một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử gần đây ở Minsk. (Nguồn: AP) |
Ông Lukashenko sẵn sàng chia sẻ quyền lực?
Ngày 16/8, hàng chục nghìn người ủng hộ lực lượng đối lập ở Belarus đã cùng tập hợp để tổ chức một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử gần đây ở Minsk, trong bối cảnh Tổng thống Alexander Lukashenko đã bác bỏ những lời kêu gọi từ chức trong một bài phát biểu thể hiện rõ sự thách thức. Hãng thông tấn Belta ngày 17/8 đưa tin, Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố, ông sẵn sàng chia sẻ quyền lực và thay đổi hiển pháp, song ông không sẵn sàng làm điều đó dưới sức ép từ người biểu tình chống Chính phủ.
Đám đông biểu tình diễu hành qua nhiều con phố để tới trung tâm Quảng trường Độc lập. Một phóng viên của hãng tin AFP ước tính, số người tham gia biểu tình phải hơn 100.000 người - đây là cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng thấy kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Những hàng người biểu tình dương cao những biểu tượng chiến thắng, vẫy hoa và bóng bay tại Quảng trưởng Độc lập. Yekaterina Gorbina, 26 tuổi, đứng trong nhóm người biểu tình nói: "Chúng tôi đang thay đổi lịch sử. Máu đã đổ và mọi người sẽ không bao giờ quên điều đó". Những người biểu tình giơ những tấm áp phích in các khẩu hiệu như "Bạn không thể rửa trôi máu" và "Lukashenko phải trả lời về những người bị tra tấn và thiệt mạng".
Ứng cử viên đối lập được nhiều người ủng hộ - Svetlana Tikhanovskaya đã kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình vào cuối tuần sau khi rời khỏi đất nước để sang nước láng giềng Lithuania sau cuộc bầu cử nhiều tranh cãi. Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus cho biết, ông Lukashenko giành được 80,1% số phiếu và ứng cử viên đối lập chính Tikhanovskaya chỉ giành được 10,12%. Tuy nhiên, bà Tikhanovskaya khẳng định, nếu các phiếu bầu được kiểm đúng cách, bà đã giành được sự ủng hộ từ 60% đến 70%.
Bà Tikhanovskaya đã tuyên bố thành lập Hội đồng Phối hợp để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao, yêu cầu các chính phủ nước ngoài "giúp đỡ chúng tôi tổ chức một cuộc đối thoại với các nhà cầm quyền Belarus". Bà yêu cầu các nhà chức trách phải thả tất cả những người đã bị bắt giữ, rút các lực lượng an ninh ra khỏi đường phố và mở các cuộc điều tra về những kẻ đã ra lệnh thực hiện cuộc đàn áp. Bà tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới nếu ông Lukashenko từ chức.
EU và Nga – ai "gần" hơn
Các chính phủ phương Tây đã lên án cuộc bầu cử vừa qua và cuộc đàn áp của cảnh sát Belarus. Các bộ trưởng EU ngày 14/8 đã nhất trí đưa ra một danh sách những đối tượng ở Belarus sẽ phải chịu các vòng trừng phạt mới. Ngày 17/8, Đức cho biết, nước này sẵn sàng ủng hộ việc mở rộng các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào các nhân vật đứng đầu ở Belarus liên quan đến hoạt động trấn áp người biểu tình.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn về những diễn biến ở Belarus vào lúc 10 giờ (GMT) ngày 19/8 tới.
Dự kiến, 27 nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về những hỗ trợ mà các nước này có thể mở rộng cho Belarus. Những ý tưởng ban đầu bao gồm việc thiết lập quỹ cho các nạn nhân bị đàn áp ở Belarus, tài trợ cho các dự án để hỗ trợ sự đa nguyên truyền thông, cố vấn về cải cách lực lượng cảnh sát, tăng cường trao đổi sinh viên với EU cũng như cho phép người lao động Belarus tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường lao động của khối.
Dù bất đồng chính trị giữa Nga và Tổng thống Belarus - ông Alexander Lukashenko ngày càng tăng, song Moscow vẫn kiên định ủng hộ ông Lukashenko bất chấp tình hình chính trị bất ổn gần đây ở Belarus. Đúng như dự kiến, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng ông Lukashenko vào sáng 10/8.
Với sức ép ngày càng lớn từ các cuộc biểu tình trên đường phố và từ bên ngoài sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, Tổng thống Lukashenko đã tìm tới Nga. Moscow ngày 16/8 tuyên bố rằng, Nga sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự nếu cần thiết. Điện Kremlin cho biết, trong một cuộc điện đàm với ông Lukashenko, Tổng thống Putin đã bày tỏ Nga "sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết", bao gồm cả việc hỗ trợ thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - liên minh quân sự giữa 6 nước từng thuộc Liên Xô cũ. Kênh truyền hình RT đưa tin, điều đó chỉ xảy ra trong trường hợp có "các mối đe dọa quân sự từ bên ngoài".
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại ở Moscow cho rằng, bà Tikhanovskaya không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của phương Tây, bởi EU đã bị chia rẽ và suy yếu từ đại dịch Covid-19. Mỹ cũng không có khả năng thực hiện chính sách đối ngoại có mục tiêu. Do đó, chế độ của Tổng thống Lukashenko sẽ sống sót sau “cơn bão” nhưng suy yếu hơn và điều đó sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của ông Lukashenko vào Moscow. Nga cuối cùng sẽ được lợi từ những diễn biến ở Minsk mà không cần phải thực hiện bất cứ biện pháp chính trị hoặc quân sự nào.
Những ngày sắp tới sẽ chứng minh giả định này có đúng hay không. Chế độ ở Belarus không còn tương thích với thực tế cuộc sống xã hội tại quốc gia này. Tuy nhiên, nó có cơ hội tồn tại, miễn là bộ máy nhà nước đứng về phía Tổng thống Lukashenko và Nga duy trì sự ủng hộ của mình. Nếu tình trạng bất ổn lan rộng và thực sự làm tê liệt đất nước, không loại trừ khả năng Moscow sẽ can thiệp. Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch và khủng hoảng kinh tế, chi phí cho một sự can thiệp sẽ rất lớn. Ngoài ra, do các vấn đề về tính hợp pháp, sự can thiệp quốc tế cũng có thể gây thiệt hại cho Điện Kremlin.
| Tình hình Belarus: Thủ tướng từ chức, Tổng thống Lukashenko ra tuyên bố mới nhất TGVN. Ngày 17/8, hãng Sputnik Belarus đưa tin Thủ tướng nước này Roman Golovchenko đã quyết định từ chức. |
| Belarus: Tổng thống kiên quyết không bỏ quyền lực, Nga hứa giúp bảo đảm an ninh TGVN. Ngày 15/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bác đề nghị của nước ngoài muốn làm trung gian hòa giải giữa ông với một ... |
| Moscow và Minsk nhất trí 'giải quyết nhanh chóng' các vấn đề ở Belarus TGVN. Trong cuộc điện đàm ngày 15/8, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã nhất ... |