Pháp và đồng minh rút quân khỏi Mali. (Nguồn: AP) |
Báo Le Monde ngày 18/2 nhận định việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rút toàn bộ lực lượng khỏi Bamako đánh dấu ‘thất bại’ trong chiến dịch quân sự quy mô của Paris ở châu Phi và để lại dấu hỏi lớn về tương lai Mali.
Ngày 11/1/2013, theo yêu cầu của chính quyền Bamako, vốn đứng trước nguy cơ bị lực lượng thánh chiến tấn công, Tổng thống Pháp khi đó là François Hollande đã quyết định can thiệp quân sự vào Mali. Hơn 9 năm sau, ngày 17/2/2022, ông Emmanuel Macron chính thức chấm dứt hiện diện quân sự của Paris tại đây.
Không khó để thấy Pháp đã thận trọng “gán” cho thông báo này một sắc thái đa phương, liên quan đến châu Phi và châu Âu. Tuy nhiên, sự thật vẫn không thể thay đổi: Nước Pháp dưới thời ông Macron đã buộc phải rời Mali sau khi mất 53 binh sĩ, vào thời điểm phe quân sự nắm quyền ở Bamako duy trì thái độ đối đầu với Paris và tiếp tục tận dụng sự thất vọng của người dân đối với chế độ trước đây để củng cố quyền lực.
Hai cuộc đảo chính, bầu cử bị trì hoãn vô thời hạn, sự hiện diện của lực lượng đánh thuê Nga, phát biểu chống Paris... khiến việc duy trì sự hiện diện của 2.500 binh sĩ Pháp càng khó khăn.
Chín năm đã qua kể từ khi các binh sĩ này được chào đón như những người giải phóng. Thất bại trong quá trình tái thiết an ninh nói chung, bất chấp thành công của các chiến dịch, đã khiến người Mali quay lưng với Pháp, bởi họ không thể chấp nhận rằng đã có hơn 10.200 đồng bào phải bỏ mạng sau các cuộc bạo động kéo dài kể từ năm 2015.
Theo Le Monde, đây là một cú sốc, “thất bại” lớn đối với hai đất nước vốn gắn kết không chỉ bởi lịch sử, ngôn ngữ, mà còn từ lượng người nhập cư và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ phát triển. Đồng thời, tuyên bố rút quân này sẽ giáng đòn vào kế hoạch liên kết châu Âu với chính sách châu Phi của Paris.
Song đó chưa phải tất cả. Le Monde nhận định căng thẳng tại Mali càng gia tăng sau hàng loạt vụ tấn công của phần tử thánh chiến, sự suy yếu của chế độ cố Tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta và sự vụng về của Pháp.
Quyết định gạt quân đội Mali ra khỏi chiến dịch tái chiếm Kidal, thành phố phía Bắc do phiến quân Tuareg nắm giữ là một trong số đó. Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “triệu tập” nguyên thủ khu vực tới Thượng đỉnh Pau tháng 1/2020 khiến cho quan hệ giữa Paris và các nước này ít nhiều trở nên khó xử.
Quan trọng hơn, Paris đã đánh giá quá cao năng lực của chính quyền Bamako, đồng thời không tạo điều kiện để duy trì cam kết. Mục tiêu ban đầu của Pháp là ngăn Mali trở thành nơi trú ẩn của phần tử khủng bố nhắm vào châu Âu, song thực tế hiện nay cho thấy chủ nghĩa thánh chiến nội sinh đang dần xuất hiện, dựa trên xung đột xã hội chưa còn tồn tại và sự tức giận liên quan đến tình trạng tham những của quân đội địa phương, đồng thời đe dọa an ninh của các nước khu vực Vịnh Guinea (Côte d'Ivoire, Ghana, Togo, Benin).
Le Monde cho rằng, theo yêu cầu của các nước liên quan, Pháp, vốn duy trì hiện diện quân sự hiệu quả ở Chad, Niger, Senegal và Côte d' Ivoire, có thể can thiệp một cách kín đáo, song nỗ lực của Paris tại Bamako đã không đạt hiệu quả.
Giờ đây, Pháp buộc phải rút quân trong bầu không khí căng thẳng, đối đầu. Tương lai Mali, dưới thời chính quyền quân sự bất ổn và thiếu vắng nghị trình cụ thể, cũng vì thế mà mông lung hơn.