📞

Bảo vệ quyền của người chưa thành niên vi phạm pháp luật

NÔNG ĐỨC TÀI 13:15 | 23/04/2021
Pháp luật về người chưa thành niên vi phạm pháp luật là vấn đề luôn được quan tâm vì đây là đối tượng “dễ bị tổn thương”, chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Do vậy, hệ thống pháp luật phải bảo đảm vừa xử lý, răn đe vừa phải tôn trọng nhân phẩm, danh dự phù hợp với mức độ trưởng thành của từng em và thúc đẩy các em tái hoà nhập cộng đồng.
Ảnh minh họa.

Thực trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu thống kê chính xác về tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật (VPPL), bao gồm cả vi phạm hành chính và phạm tội hình sự để làm cơ sở đánh giá một các chính xác thực trạng người chưa thành niên VPPL. Hiện có số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an là nguồn số liệu tích hợp duy nhất về người chưa thành niên VPPL được thu thập ổn định từ năm 2006 đến nay.

Trong hơn một thập kỷ qua, trung bình mỗi năm có ít nhất 13.000 người chưa thành niên VPPL. Phần lớn trường hợp vi phạm hành chính, chiếm gần 63% trong tổng số vụ VPPL do người chưa thành niên thực hiện.

Trung bình trong giai đoạn từ 2006 đến nay, số lượng các vụ vi phạm hành chính do đối tượng này thực hiện giảm 66%, số vụ án hình sự giảm chậm hơn, khoảng 35%. Điều này khiến tỷ trọng các vụ phạm tội hình sự lại tăng lên trong tổng số VPPL do người chưa thành niên thực hiện.

Loại hành vi mà người chưa thành niên thực hiện, chiếm tỉ lệ lớn là xâm phạm sở hữu (khoảng 46%), trong đó hành vi trộm cắp tài sản chiếm gần 38%. Các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người khác chiếm hơn18% trên tổng số vi phạm bao gồm các tội như giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Về giới tính, độ tuổi, 96% người chưa thành niên VPPL là nam giới, chủ yếu từ 16 đến dưới 18 tuổi. Trong tổng số người chưa thành niên VPPL thì đa số là vi phạm lần đầu, có gần 24% không biết chữ hoặc chỉ học tiểu học; gần 48% đã thôi học; gần 21% người chưa thành niên bị khởi tố có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi như bố hoặc mẹ bị phạt tù, ly dị, không có bố hoặc mẹ, hoặc đi lang thang.

Từ những con số này cho thấy, điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài tác động cùng với nhận thức chưa đầy đủ là yếu tố thúc đẩy hành vi VPPL.

Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp xử lý phù hợp với loại đối tượng này, đó là hình thành các toà án chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên phạm tội ở Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh, 36 toà đang trong quá trình hình thành ở các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, số lượng xử lý hình sự người chưa thành niên cũng đã giảm, số đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng giảm, hiện nay cả nước chỉ còn 3 trường giáo dưỡng.

Tuy nhiên, việc xử lý hình sự với loại đối tượng này vẫn còn cao, hơn 93% người chưa thành niên xử phạt tù có thời hạn, trong đó có 26% được hưởng án treo để thử thách, giám sát tại cộng đồng. Mặc dù vậy, cùng với việc thi hành Luật đặc xá năm 2007, việc trả tự do cho người phạm tội nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng cũng đã được đẩy mạnh.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những người dưới 18 tuổi VPPL được gọi là “người chưa thành niên” vì “trẻ em” được định nghĩa là người dưới 16 tuổi.

Nỗ lực hoàn thiện pháp luật VPPL

Thời gian vừa qua, cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về người chưa thành niên VPPL nói riêng.

Trước hết, về những biện pháp thay thế cho xử lý hành chính và hình sự đối với người chưa thành niên VPPL. Công ước quốc tế về quyền trẻ em yêu cầu thúc đẩy các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cần áp dụng các biện pháp xử lý người chưa thành niên VPPL mà không cần phải viện đến các thủ tục tư pháp, miễn là quyền con người của trẻ em cũng như các bảo đảm pháp lý vẫn được tôn trọng đầy đủ.

Thực tế, theo quy định của pháp luật hiện hành ở nước ta, người chưa thành niên VPPL mà chưa đến mức xử lý hình sự hoặc vi phạm hành chính thì có thể hoà gỉải ở cơ sở theo quy định của Luật Hoà giải cơ sở năm 2013.

Đây là quy định mà có sự tham gia của mạng lưới tổ chức hoà giải cơ sở tại xã, bản, tổ dân phố, phường và sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước sẽ tiến hành hoà giải trên cơ sở sự tự nguyện của các bên, khách quan, công bằng.

Đây là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các mâu thuẫn có tính chất không nghiêm trọng, bảo đảm cho sự riêng tư của các bên, đặc biệt khi mà chúng ta cần bảo đảm cho các quyền, lợi ích chính đáng, danh dự nhân phẩm của người chưa thành niên không phải tham gia vào hoạt động tố tụng.

Thứ hai, về xử lý vi phạm hành chính với người chưa thành niên VPPL. Vấn đề này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản khác có liên quan. Trong đó, luật này cũng dành một phần riêng với những quy định đặc thù về nguyên tắc xử lý, các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên.

Về nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Đặc biệt, chỉ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng khi không còn biện pháp nào phù hợp hơn và việc xử phạt phải căn cứ vào khả năng, nguyên nhân, điều kiện mà người chưa thành niên đã thực hiện.

Thứ ba, về xử lý người chưa thành niên phạm tội chỉ căn cứ duy nhất nguồn là Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có sự thay đổi đáng kể trong chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội so với BLHS sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, chủ thể của tội phạm theo quy định của Bộ luật này là người từ đủ 14 tuổi trở lên, thu hẹp đáng kể phạm vi trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.

Cụ thể, người chưa thành niên VPPL chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với 28/314 tội danh được quy định trong BLHS. BLHS năm 2015 cũng thu hẹp phạm vi chịu TNHS với người chưa thành niên trong trường hợp chuẩn bị phạm tội đó là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS với tội giết người và cướp tài sản.

Đồng thời, trong chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội, BLHS cũng dành ra một chương riêng (chương XII - Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) quy định rõ mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành công dân tốt, không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên, hạn chế mức thấp nhất áp dụng hình phạt tù có thời hạn; đồng thời quy định thêm về các trường hợp miễn TNHS và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội.

Đây là một cơ chế xử lý nhằm đưa họ ra khỏi hệ thống tư pháp hình sự để giám sát, giáo dục tại cộng đồng.

Người chưa thành niên VPPL chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với 28/314 tội danh được quy định trong BLHS. BLHS năm 2015 cũng thu hẹp phạm vi chịu TNHS với người chưa thành niên trong trường hợp chuẩn bị phạm tội đó là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS với tội giết người và cướp tài sản.

Bảo đảm quyền của người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm các quyền, lợi ích thiết thực nhất cho người chưa thành niên VPPL khi bị xử lý VPPL.

Tuy nhiên, để bảo đảm tốt hơn nữa khi giải quyết vấn đề này, cần làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, về thuật ngữ trẻ em. Hiện nay, nước ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết, tham gia, trong đó liên quan đến vấn đề người chưa thành niên. Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi mà quy định của Luật Trẻ em ở Việt Nam là người dưới 16 tuổi, điều đó sẽ gây ra sự khập khiễng trong cách hiểu về người chưa thành niên, bởi đối tượng dưới 18 tuổi là người chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và tinh thần, do đó những yếu tố ngoại cảnh có tác động, chi phối rất lớn khi thực hiện hành vi VPPL.

Do đó, trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung cần xem xét trẻ em ở Việt Nam là người dưới 18 tuổi để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, về thẩm quyền xử lý người chưa thành niên VPPL được giao cho nhiều cơ quan, cá nhân bao gồm chủ tịch UBND các cấp, công an các cấp, cơ quan hành chính nhà nước khác,… Mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ riêng, trong đó việc tước quyền tự do của người chưa thành niên VPPL do TAND, cơ quan, điều tra, viện kiểm sát thực hiện. Mặc dù những cơ quan này đều có trách nhiệm phối hợp với nhau theo quy định của pháp luật nhưng không có cơ quan nào điều phối, quản lý, chịu trách nhiệm chính trong giải quyết vấn đề này.

Do Luật Trẻ em mới chỉ quy định những vấn đề chung mà chưa có thể bao quát hết được các trường hợp cụ thể mà trẻ em là người dưới 16 tuổi nên những nguyên tắc của luật này không được áp dụng đối với người chưa thành niên VPPL từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Nghiên cứu hệ thống pháp luật của 28 quốc gia trên thế giới thì có 21 quốc gia xây dựng đạo luật riêng về chưa thành niên.

Đây là một xu hướng mà trong tiến trình cải cách tư pháp, chúng ta cần học hỏi, đồng thời để bảo vệ những lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, nhà nước cần thiết phải ban hành luật về bảo vệ người dưới 18 tuổi khi tham gia hoạt động pháp lý.

Thứ ba, về các luật khác có liên quan. Luật Hoà giải cơ sở năm 2013 đã mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội, giảm tải áp lực cho các cơ quan tư pháp, đối tượng người chưa thành niên cũng hưởng lợi từ các chính sách chung này. Tuy nhiên, pháp luật hoà giải không có quy định riêng nào nhằm bảo đảm các nhu cầu đặc thù và tính dễ bị tổn thương của người chưa thành niên VPPL được nhìn nhận và đáp ứng trong quá trình hoà giải.

Trong xu hướng hoàn thiên pháp luật, các nhà làm luật có thể tính toán đưa thêm những quy định riêng có liên quan đến chưa thành niên nhằm phù hợp hơn với từng loại chủ thể, đối tượng, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đến quyền và lợi ích hợp pháp của các em trong hoạt động hoà giải.

BLHS và Luật Xử lý vi phạm hành chính đều quy định các chế tài giam giữ chỉ được áp dụng sau cùng khi xem xét các biện pháp khác không đủ hiệu quả răn đe, phòng ngừa. Mặc dù cả hai luật này đều quy định chỉ được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý và miễn TNHS trong một số trường hợp cụ thể thay vì cho phép người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và thẩm phán dựa vào căn cứ nhân thân, hoàn cảnh sống, môi trường… mà cân nhắc sự cần thiết tách người chưa thành niên ra khỏi gia đình, cộng đồng hay không.

Phạm vi miễn TNHS đối với người chưa thành niên còn hẹp, chẳng hạn chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng thì không được miễn TNHS kể cả do lỗi vô ý… Thời hạn tối đa của hình phạt tù đối với người chưa thành niên là 18 năm đối với người chưa thành niên phạm tội từ 16 tuổi trở lên; 12 năm đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.

Đây là trường hợp thời hạn hình phạt tù quá dài so với các chuẩn mực quốc tế. Chính vì vậy, những quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và BLHS cũng cần tính toán, điều chỉnh các quy định về người chưa thành niên VPPL mức xử lý thoả đáng, hạn chế tối đa hình phạt tù,với mục đích cuối cùng là giúp họ nhận ra sai lầm, sửa đổi và cải tạo trở thành công dân tốt cho xã hội.