Theo báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu, bức tranh tổng thể của thị trường bất động sản đã có những điểm sáng. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024
Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở 2021 - 2025, năm 2024 và báo cáo tình hình thực hiện năm 2023.
Theo quy định pháp luật, trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương phải phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, làm cơ sở để phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn.
Đối với kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm thì chậm nhất trước ngày 31/12 của năm trước, UBND cấp tỉnh phải phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở của năm sau.
Bộ Xây dựng đã có các văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm để làm cơ sở chấp thuận hoặc phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng thì vẫn còn một số địa phương chậm phê duyệt hoặc điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định (7/63 địa phương chưa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và 59/63 địa phương chưa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024).
Bên cạnh đó, nhiều địa phương báo cáo không đầy đủ số liệu về diện tích sàn xây dựng, số lượng các loại nhà ở hoàn thành theo yêu cầu của Bộ Xây dựng dẫn đến việc không đủ cơ sở để đánh giá được tình hình phát triển nhà ở theo kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, bổ sung số liệu báo cáo còn thiếu về diện tích sàn xây dựng, số lượng các loại nhà ở hoàn thành trong năm 2023 theo đúng yêu cầu của Bộ Xây dựng.
Cùng với đó, rà soát và báo cáo về tình hình thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn mà địa phương đã đăng ký trong năm 2024 để thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Người Hà Nội quan tâm đất nền, người TPHCM thờ ơ?
Theo báo cáo thị trường BĐS của nhiều đơn vị nghiên cứu, bức tranh tổng thể của thị trường đã có những điểm sáng.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nêu thị trường BĐS hiện nay dù chưa đủ lực để "vượt dốc", nhưng phần nào đã thoát khỏi trạng thái "mất phanh".
Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS tháng 1 vừa qua của PropertyGuru Việt Nam cho thấy, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, lượng tin đăng bán BĐS giảm khoảng 19% so với tháng 12/2023, chủ yếu do nguồn cung sản phẩm mới trên thị trường khá hạn chế.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (16-22/2): Nga hoàn thành lời hứa với châu Phi, ngũ cốc Ukraine ‘đánh bật’ hàng Ba Lan khỏi Đức, EU thích LNG Mỹ |
Điểm sáng là so với cùng kỳ năm 2023, mức độ quan tâm trên thị trường tăng khoảng 66%. Chỉ báo này cho thấy tâm lý thị trường đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Mức độ quan tâm trong tháng 1 giảm khoảng 1% so với tháng 12/2023 nhưng tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại thị trường Hà Nội, dù lượng tin đăng giảm khá mạnh nhưng mức độ quan tâm chỉ giảm nhẹ 1-2% ở các loại hình. Với riêng đất nền, mức độ quan tâm tăng 6% so với tháng 12/2023.
Dữ liệu trên được cho là chỉ báo cho thấy người tìm kiếm vẫn luôn quan tâm thị trường BĐS và chờ đợi cơ hội, đặc biệt với kênh đầu tư đất nền vốn đã im ắng kéo dài.
Thị trường TPHCM biến động mạnh hơn về lượng tin đăng và nhu cầu tìm kiếm so với thị trường Hà Nội.
Cụ thể, BĐS bán ghi nhận sự sụt giảm cả lượng tin đăng và mức độ quan tâm ở hầu hết các loại hình. Trong đó, tin đăng đất nền giảm sâu nhất với 23%, tiếp theo là nhà riêng và chung cư lần lượt 15% và 10%. Mức độ quan tâm các loại hình này cũng giảm sâu hơn Hà Nội, lần lượt 8% và 6%.
Ngoài 2 thành phố lớn, tại thị trường tỉnh, Hải Phòng là thị trường có mức độ quan tâm tăng 3% so với tháng 12 trong khi lượng tin đăng giảm 5%. Bình Dương ghi nhận lượng tin đăng bán giảm khá mạnh so với tháng 12 với 15% nhưng mức độ quan tâm chỉ giảm khoảng 5%. Mức độ quan tâm cũng giảm 2% ở thị trường Đà Nẵng và lượng quan tâm giảm khoảng 7%.
Thị trường BĐS Khánh Hòa có nhiều sắc xanh nhất so với phần còn lại, khi nhu cầu tìm kiếm biệt thự và chung cư tăng lần lượt 7% và 4% so với tháng trước. Lượng tin đăng loại hình chung cư bán cũng tăng nhẹ khoảng 1%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho rằng, 2024 sẽ là một năm thách thức đối với ngành BĐS. Tuy nhiên, những thách thức này cũng mở ra các cơ hội lớn để thị trường tăng tốc trong thời gian tới. "Có thể thấy, việc ra hàng của nhiều dự án mở bán cuối năm 2023 cho thấy thị trường BĐS đang trên đà phục hồi", ông Đính dẫn chứng.
Cùng với đó, các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, hành lang pháp lý cũng đang hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường thời gian tới. Các thông tin tích cực này sẽ là tiền đề cho thị trường địa ốc cất cánh.
Bên cạnh đó, theo ông Đính, đã có nhiều hơn các nhà đầu tư bắt đầu hành trình "săn" đất, ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao với mức giá được đánh giá là khá "hời", còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai.
Nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.
Khánh Hòa: Chuyển đổi hàng nghìn hécta đất phi nông nghiệp sang đất nông nghiệp
Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2024, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Khánh Hòa sẽ chuyển đổi hàng nghìn hécta đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành 6 quyết định về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và 3 huyện: Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Theo đó, trong năm 2024, thành phố Nha Trang có kế hoạch thu hồi 398,1ha đất nông nghiệp và 69,7ha đất phi nông nghiệp. Đồng thời, thành phố Nha Trang có kế hoạch chuyển 419,7ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; 69,2ha đất chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 0,34ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.
Thành phố Cam Ranh có kế hoạch thu hồi 910,5ha đất nông nghiệp và 255,3ha đất phi nông nghiệp; chuyển hơn 1.241ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất đối với 4,2ha đất trong nội bộ đất nông nghiệp; chuyển đổi hơn 56ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.
Riêng huyện Diên Khánh có kế hoạch thu hồi 262,4ha đất nông nghiệp và 76,5ha đất phi nông nghiệp. Trong năm, huyện Diên Khánh có kế hoạch chuyển 550,6ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; 4,18ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.
Trong khi đó, huyện Khánh Vĩnh thu hồi 339,4ha đất nông nghiệp và 29,1ha đất phi nông nghiệp. Địa phương này cũng chuyển đổi 411,4ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong đất nội bộ nông nghiệp khoảng 216,7ha.
Đáng chú ý, thị xã Ninh Hòa có kế hoạch thu hồi tới 1.391,2ha đất nông nghiệp và 324,2ha đất phi nông nghiệp. Thị xã Ninh Hòa cũng có kế hoạch chuyển 2.730,1ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; 1.181,91ha đất chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 43,26ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.
Cuối cùng là huyện Khánh Sơn có kế hoạch thu hồi 150,1ha đất nông nghiệp và 15,5ha đất phi nông nghiệp. Huyện Khánh Sơn cũng có kế hoạch chuyển đổi 201,5ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong đất nội bộ nông nghiệp khoảng 382ha.
Hưng Yên đấu giá 182 lô đất, khởi điểm cao nhất 85 triệu đồng/m2
Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Long sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 51 lô đất là tài sản của UBND huyện Kim Động vào sáng 10/3.
Các lô đất đấu giá tại Khu dân cư mới xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động. Diện tích các lô từ 80-159,8 m2/lô.
Đơn giá khởi điểm từ 8,4 triệu đồng đến hơn 14,7 triệu đồng/m2; tương đương từ 672 triệu đồng đến trên 2,3 tỷ đồng/lô. Tổng giá khởi điểm của 51 lô đất đấu giá là hơn 43,3 tỷ đồng.
Người tham gia đấu giá đăng ký mua hồ sơ đấu giá từ ngày 22/2 đến ngày 7/3; đồng thời, nộp một khoản tiền đặt trước từ 134,4 triệu đến hơn 471 triệu đồng, tùy theo lô, từ ngày 6/3 đến 17 giờ 7/3.
Hình thức đấu giá bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng, mở kết quả công khai ngay tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên đối với từng suất đất.
Cuộc đấu giá sẽ diễn ra tại UBND xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động.
Tại huyện Phù Cừ, Công ty Đấu giá Hợp danh OCD An Thuận Phát tổ chức đấu giá quyền sử dụng 46 suất đất vào sáng 28/2.
Các suất đất đấu giá nằm trên địa bàn xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ. Diện tích các lô từ 100-145,8 m2.
Đơn giá từ 8,5-15,6 triệu đồng/ m2; tương đương từ 850 triệu đồng đến trên 2,1 tỷ đồng/suất.
Hình thức đấu giá bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá với một vòng, mở kết quả công khai; phương thức trả giá lên.
Cuộc đấu giá sẽ dự kiến diễn ra tại hội trường UBND xã Phan Sào Nam.
Tại TP. Hưng Yên, quyền sử dụng 85 thửa đất để xây dựng nhà ở cũng sẽ được Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên tổ chức đấu giá vào sáng 2/3.
Trong số 85 thửa đất, có 83 thửa đất ở xã Bảo Khê, 1 thửa ở xã Hồng Nam và 1 thửa ở phường Lê Lợi.
Người tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước chỉ duy nhất trong ngày 28/2, tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên.
Các thửa đất có giá khởi điểm từ 11,1-85 triệu đồng/m2.
Hình thức đấu giá bỏ phiếu trực tiếp, phương thức trả giá lên. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra tại hội trường Nhà văn hóa Lao động tỉnh Hưng Yên.
| Kinh tế thế giới nổi bật (16-22/2): Nga hoàn thành lời hứa với châu Phi, ngũ cốc Ukraine ‘đánh bật’ hàng Ba Lan khỏi Đức, EU thích LNG Mỹ Nga hoàn thành cam kết đưa 200.000 tấn ngũ cốc miễn phí tới châu Phi, Ba Lan đề xuất áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ... |
| Bất động sản mới nhất: Giá địa ốc vẫn được kỳ vọng tăng, giảm giá bằng cách nào? Nhận định thời điểm thị trường khởi sắc Nhận định cơ hội cho thị trường phát triển, thời điểm khởi sắc, Thái Nguyên cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho ... |
| Bất động sản mới nhất: Khó như mua nhà Hà Nội dưới 2 tỷ đồng, TPHCM hủy sổ đỏ khu ‘đất vàng’, nhiều kỳ vọng từ Luật Đất đai (sửa đổi) Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 có tác động tích cực với doanh nghiệp và thúc đẩy giao dịch, chỉ 3% căn hộ ở ... |
| Luật Đất đai: Một sửa đổi, nhiều lợi ích Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đáng chú ý, trong Luật ... |
| Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu: Khi nhiên liệu được vũ khí hóa, quyền lựa chọn không dành cho kẻ phụ thuộc Dưới tác động của xung đột Nga-Ukraine, người ta tin rằng, năng lượng có thể được sử dụng làm vũ khí. Sự phụ thuộc quá ... |