Trong 6 tháng qua, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 16 bệ phóng tên lửa Himars, hàng nghìn khẩu súng, máy bay không người lái, tên lửa và các thiết bị khác. (Nguồn: AP) |
"Cạn kiệt" một số chủng loại đạn dược?
Nhiều hãng truyền thông và báo chí Mỹ như Wall Street Journal và Business Insider dẫn nguồn tin từ các quan chức quốc phòng và Quốc hội Mỹ cho biết, 6 tháng hỗ trợ vũ khí cho xung đột tại Ukraine đã khiến Mỹ cạn kiệt một số chủng loại đạn dược, trong khi Lầu Năm Góc chậm bổ sung kho vũ khí - điều đang làm gia tăng những lo ngại về sự sẵn sàng của quân đội Mỹ.
Trong 6 tháng qua, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 16 bệ phóng tên lửa Himars, hàng nghìn khẩu súng, máy bay không người lái, tên lửa và các thiết bị khác. Phần lớn trong số vũ khí này, bao gồm cả đạn dược, là từ những kho dự trữ để đối phó với các mối đe dọa bất ngờ. Một trong những vũ khí có độ sát thương cao nhất mà Lầu Năm Góc chuyển cho Ukraine là pháo phản lực nòng 150mm, có thể bắn chính xác mục tiêu cách xa hàng chục km.
Theo một quan chức quốc phòng, trong những tuần gần đây, lượng đạn pháo nòng 155mm trong kho dự trữ của Mỹ đã xuống mức “khá thấp”, dù chưa đến mức nguy cấp, do Mỹ không tham gia trực tiếp vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự lớn nào.
Lục quân Mỹ được cho là đang cân nhắc nhiều kịch bản nhằm tìm cách hỗ trợ Ukraine trong khi vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu của chính mình. Tuần trước, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một loại đạn pháo cỡ khác, 105mm, quyết định được cho là phản ánh mối lo ngại về số lượng kho đạn 155mm của nước này.
Tướng M. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã yêu cầu tiến hành các cuộc đánh giá kho vũ khí của Mỹ hàng tháng để xác định mức độ sẵn sàng và phù hợp hay không với kế hoạch hỗ trợ Ukraine.
Hạ tuần tháng 8, Mỹ đã bổ sung 245.000 đạn pháo 155mm vào gói viện trợ quân sự trị giá 2,98 tỷ USD cho Ukraine - khoản viện trợ an ninh lớn nhất được cam kết cho quốc gia Đông Âu kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây hồi tháng 2.
Tuy nhiên, theo Business Insider, những vũ khí này sẽ được cung cấp theo cách khác với các gói viện trợ trước đó và sẽ không lấy từ các kho dự trữ hiện có của Lầu Năm Góc.
Ngoài pháo và đạn dược, Mỹ cũng đã gửi cho Ukraine một danh sách dài các loại hỗ trợ quân sự khác như đạn cối, hệ thống tên lửa, máy bay không người lái, hệ thống phòng thủ, hệ thống phòng không và trang bị cá nhân.
Nút thắt nằm ở đâu?
Trước câu hỏi của phóng viên báo chí về đồn đoán cho rằng kho dự trữ đạn 155mm của Mỹ bị cạn là kết quả trực tiếp của việc nước này dùng để hỗ trợ Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên khẳng định “câu trả lời ngắn gọn… là không”.
Quan chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi có thể cung cấp những gì chúng tôi đã cung cấp và vẫn duy trì sự sẵn sàng với tư cách một lực lượng quân sự”. Theo Lầu Năm Góc, tính đến ngày 24/8, Mỹ đã cam kết gửi 126 khẩu M777 Howitzer và 806.000 đạn pháo 155mm cho loại vũ khí này.
Theo các quan chức quốc phòng và Quốc hội, vấn đề thiếu hụt này do một số yếu tố. Đó là do bộ máy hành chính của Lầu Năm Góc chậm xử lý các hợp đồng mới để bổ sung lượng hàng dự trữ và đã miễn cưỡng chia sẻ nhu cầu dài hạn của mình với ngành công nghiệp vũ khí. Một nguyên nhân khác được nhắc đến là thiếu sự phối hợp và đồng bộ giữa đơn vị kiểm đếm và mua sắm.
Chu trình đặt hàng và sản xuất các loại vũ khí như bom, đạn dược tại Mỹ thông thường kéo dài từ 13-18 tháng, trong khi các loại tên lửa và máy bay không người lái có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
Mackenzie Eaglen, thành viên cấp cao của Viện Doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức tư vấn ở Washington, bình luận: “Đây là điều có thể biết trước và dự đoán trước. Nhiều người, từ các lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng cho tới các quan chức Lầu Năm Góc, đã cảnh báo. Và đây là vấn đề hoàn toàn có thể xử lý được”. Theo bà, điều cần thiết là chính phủ phải chi tiền để khắc phục các sự cố.
Quá trình mua sắm trang thiết bị của Lầu Năm Góc thường bắt đầu với việc quân đội xác định các nhu cầu cần thiết, đệ trình và cân nhắc, sau đó mời thầu từ khu vực tư nhân.
Tuy nhiên khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu từ tháng 2, các quan chức trong ngành đã phàn nàn rằng Lầu Năm Góc không phải lúc nào cũng bám sát những yêu cầu liên quan, những nhu cầu liên tục biến động theo tình hình, vô hình trung tạo ra sự chậm trễ và khiến các nhà thầu quốc phòng ở vào tình thế bị động.
Các dây chuyền cung cấp không thể điều chỉnh chỉ sau 1 đêm và việc tăng sản lượng tại các dây chuyền đang vận hành có thể mất nhiều thời gian. Các công ty đã sản xuất đạn 155mm, nhưng vẫn chưa đủ khả năng mà Lầu Năm Góc cần để bổ sung kho dự trữ.
Phát biểu tại một sự kiện ngày 19/7, Jim Taiclet, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Lockheed Martin, cho biết Lầu Năm Góc vẫn chưa thực hiện các hợp đồng hoặc phối hợp với ngành công nghiệp quốc phòng nhằm bổ sung nguồn cung, một quá trình thường kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Theo cuộc thăm dò dư luận được Reuters công bố ngày 24/8, sau nửa năm xung đột ở Ukraine, 53% trong số những người Mỹ được hỏi vẫn ủng hộ việc nước này tiếp tục hỗ trợ Kiev cho đến khi Nga rút hết quân, phản ánh sự đồng tình của nhiều người đối với các chính sách của Tổng thống Joe Biden, bất chấp những lo lắng về kinh tế và diễn biến chính trị trong nước. Những người ủng hộ đến từ cả 2 phe Cộng hòa và Dân chủ.