Dù ông Trump hay ông Biden chiến thắng, kết quả của cuộc bầu cử Mỹ 2020 sẽ có tác động sâu sắc đến thế giới. (Nguồn: AFP) |
Khoảnh khắc tạo nên kỷ nguyên
Việc nước Mỹ lựa chọn Tổng thống luôn là một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, không chỉ đối với các đồng minh, đối thủ, đối tác thương mại mà còn là mạng lưới các hiệp ước, thể chế ràng buộc các quốc gia…
David O’Sullivan, cựu đại sứ Liên minh châu Âu tại Mỹ nhận định: “Đây khoảnh khắc tạo nên kỷ nguyên. Nước Mỹ đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hai tầm nhìn rất khác nhau về vai trò và vị trí của mình trên thế giới”.
Trong suốt 4 năm qua, Tổng thống Trump đã thay đổi các nguyên tắc từng định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ khi thiên về cách tiếp cận kiểu giao dịch, mang màu sắc cá nhân đối với các vấn đề thế giới, khiến một số đồng minh thân cận nhất khó chịu.
Ông đã rút Mỹ khỏi một loạt hiệp định đa phương, trong đó có Hiệp định Khí hậu Paris, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP), châm ngòi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc; hạn chế nhập cư hợp pháp vào Mỹ…
Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, hình ảnh nước Mỹ trên thế giới đã giảm sút ít nhiều. Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, tại Anh, Canada và Nhật Bản, tỷ lệ người ủng hộ nước Mỹ đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ khi lần đầu tiên thực hiện cuộc khảo sát cách đây 20 năm.
Giờ đây, nếu ông Joe Biden chiến thắng, cuộc bầu cử sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với chính sách của Mỹ. Chính quyền Biden chắc chắn sẽ có cách tiếp cận khác đối với các quốc gia như Trung Quốc, Iran, Nga, Israel, Canada và Mexico. Ông Biden cũng được cho là sẽ thúc đẩy nước Mỹ tham gia sâu hơn vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu hay đại dịch Covid-19.
Ông Biden cam kết sẽ khôi phục cách tiếp cận truyền thống trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Ông từng cho biết, một trong những hành động đầu tiên của ông khi trở thành người đứng đầu Nhà Trắng sẽ là “gọi điện thoại cho các nguyên thủ quốc gia và tuyên bố: Nước Mỹ đã trở lại, bạn có thể tin tưởng chúng tôi”.
Từ các lãnh đạo thế giới...
Trong khi đó, đối với một số nhà lãnh đạo thế giới, nhiệm kỳ của ông Trump lại mở ra những cánh cửa cơ hội mới, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu cùng chí hướng. Đó là Thủ tướng Hungary, Tổng thống Brazil, Tổng thống Philippines và Tổng thống Slovenia.
Tổng thống Trump gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tại Phòng Bầu dục tháng 5/2019. (Nguồn: The Washington Post) |
Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 25/9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng dự đoán một cách đầy tự tin rằng ông Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong trường hợp ứng cử viên đảng Dân chủ đắc cử (điều mà ông Orban nghĩ sẽ không thể xảy ra), “mức độ cởi mở, tử tế và giúp đỡ lẫn nhau (giữa Budapest và Washington) có lẽ sẽ thấp hơn”, ông Orban nói.
Cáo buộc đảng Dân chủ Mỹ đang theo đuổi “chủ nghĩa đế quốc về đạo đức”, ông Orban cho rằng, những nhà lãnh đạo không theo quan điểm của chủ nghĩa tự do như ông chắc chắn không ủng hộ “chủ nghĩa đế quốc” mới này.
Tuy vậy, những sự ủng hộ công khai cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump như người đứng đầu chính phủ Hungary là rất hiếm. Phần lớn các nhà lãnh đạo thế giới đều hạn chế bình luận về cuộc bầu cử.
Theo nhà sử học Timothy Garten Ash, “những ý kiến tham khảo để so sánh từ các nền dân chủ khác có thể đóng góp vào quá trình bầu cử văn minh hơn của nước Mỹ, và về cơ bản, làm dịu môi trường quốc tế xung quanh cuộc đua gay cấn lần này”.
...đến người dân các nước xa xôi
Không chỉ các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao quốc tế theo dõi sát sao cuộc bầu cử mà rất nhiều người dân trên thế giới cũng đang “hóng” từng bước đi của hai ứng cử viên. Nhiều người cho rằng, Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ.
"Theo một cách nào đó, đó là cuộc bầu cử của thế giới", ông Shivshankar Menon, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ bình luận. Ông Menon cho biết, mẹ của mình (94 tuổi) hiện đang sinh sống ở thủ đô New Delhi - người chưa bao giờ quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đó - đã lần đầu tiên nói với ông rằng bà lo lắng về kết quả của cuộc bỏ phiếu lần này.
“Các chắt của mẹ tôi hiện đang sống ở Mỹ và bà lo lắng không biết chúng sẽ lớn lên ở một đất nước như thế nào. Sự tương phản giữa hai ứng cử viên quá lớn. Tôi chưa từng nghĩ cuộc bầu cử lần này lại quan trọng đến như vậy”, ông Menon nói.
Một nhóm nhạc của Iran có tên Dasandaz thậm chí còn đăng một bài hát vui nhộn trên trang mạng xã hội Twitter kêu gọi người dân Mỹ nhớ rằng lá phiếu của họ có tác động đến toàn cầu. “Hãy biết rằng người bạn bầu chọn sẽ thay đổi cuộc sống của chúng tôi” - lời bài hát viết.
Điều này cũng dễ hiểu khi Iran là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng sâu sắc từ kết quả của cuộc bỏ phiếu. Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từng được chính quyền ông Obama đàm phán, sau đó còn thực hiện chính sách trừng phạt khắc nghiệt để gây “áp lực tối đa” đối với chính phủ của quốc gia Hồi giáo này.
Ông Biden từng chỉ trích chính sách của ông Trump thể hiện một “thất bại nguy hiểm” khiến nước Mỹ bị cô lập khỏi các đồng minh, trong khi lại loại bỏ các ràng buộc đối với tham vọng hạt nhân của Iran.
Nhiều quốc gia châu Á cũng đang dõi theo chuyển động của cuộc bầu cử để xem Mỹ sẽ xử lý như thế nào trước những căng thẳng ngày càng gia tăng với Trung Quốc - siêu cường trong khu vực. Tổng thống Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đổ lỗi cho quốc gia này về đại dịch Covid-19 làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ và Trung Quốc đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh.
Theo cựu đại sứ David O’Sullivan, ông Trump đã thực hiện lời hứa của mình, đó là định hình lại vai trò của Mỹ trên thế giới và cách Mỹ thực hiện chính sách đối ngoại “đã thay đổi hoàn toàn dưới thời thời Tổng thống Trump”.
“Nếu hỏi vai trò của nước Mỹ có được cộng đồng quốc tế tôn trọng hơn? Tôi sẽ nói là không”, ông O’Sullivan nói.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng, việc ai chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này rõ ràng sẽ có tác động lớn, không chỉ đối với nước Mỹ mà còn đối với thế giới trong thời gian tới. “Tất cả chúng tôi đang chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra”, ông nói.