Tổng thống Trump có thể sử dụng 'chiến tích' tại Trung Đông như một nước cờ trong Bầu cử Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
'Chiến tích' mang tên Tổng thống Trump
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump đã gây ra nhiều ồn ào và tranh cãi. Là một doanh nhân, ông Trump không coi địa chính trị là một vấn đề toàn diện và phức tạp mà trong đó có nhiều nhân tố tương tác với nhau.
Thay vào đó, ông ưu tiên hoạt động theo hình thức song phương hoặc thậm chí đơn phương để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình. Đối với khu vực Trung Đông, cách tiếp cận đơn lẻ này đã gây ra nhiều biến động trong một khu vực vốn đã rất phức tạp và không ổn định.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần, vẫn còn phải chờ xem liệu vấn đề Trung Đông có được ông Trump sử dụng để tranh thủ sự ủng hộ đối với chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ hay không.
Năm 2016, ông Trump thường gọi Trung Đông là một khu vực mà Mỹ không cần phải “lãng phí xương máu và tiền của”. Trong khi đó, đối với chiến dịch vận động tái tranh cử, một nghịch lý dường như đang diễn ra khi Tổng thống Trump “khoe khoang” thành tích của mình tại khu vực với vai trò là một người “kiến tạo hòa bình”.
Thuật ngữ “liều lĩnh” thường được sử dụng để mô tả các hành động của ông Trump ở Trung Đông. Đáng chú ý, việc Mỹ sát hại Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, Lãnh đạo lực lượng bán quân sự Quds của Iran đã gây ra sự bất trắc cao độ và đặt ra câu hỏi về cách tiếp cận của Mỹ đối với một khu vực vốn rất bất ổn.
Để chống lại Iran, thay vì sử dụng sức mạnh mềm, chính quyền Trump đã sử dụng ưu thế quân sự của mình để duy trì vai trò của Mỹ ở đây. Tuy nhiên, việc Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng phù hợp với các mục tiêu chính sách của các nước Hồi giáo dòng Sunni trong khu vực đã dẫn đến một thỏa thuận lịch sử giữa Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain và Israel.
Mặc dù ông Trump tuyên bố rằng thỏa thuận này được thiết lập để mang lại hòa bình và thịnh vượng hơn ở Trung Đông, song kết quả của thỏa thuận này có thể hoàn toàn ngược lại. Chẳng hạn, với việc cô lập Iran, ông Trump có thể khiến nước này đi theo chính sách “bên miệng hố chiến tranh” và đẩy khu vực này vào một thời kỳ bạo lực kéo dài khác.
Ngay cả khi các thỏa thuận hòa bình có lợi cho tương lai của khu vực bởi các giải pháp ngoại giao thường mang lại kết quả tốt hơn giải quyết bằng biện pháp bạo lực, các sáng kiến vì hòa bình không nên bị chính trị hóa. Mặc dù thỏa thuận này có vẻ như nhằm mục tiêu giúp UAE, Bahrain và Israel đạt được mục đích an ninh của mỗi nước, tuy nhiên Tổng thống Donald Trump đã không e ngại sử dụng thỏa thuận này để duy trì sự ủng hộ đang trên đà sụt giảm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Vấn đề Trung Đông trong cuộc bầu cử
Mặc dù tình hình ở Trung Đông có thể không phải là trọng tâm chính của cuộc bầu cử sắp tới, nhưng những diễn biến gần đây có thể được sử dụng để làm gia tăng thêm những chia rẽ và căng thẳng hiện nay trong chính trường Mỹ.
Đối với địa chính trị Trung Đông, Tổng thống Trump đã sử dụng “thành tích” của mình đối với Israel để thu hút sự ủng hộ của các cử tri Cơ đốc giáo cánh hữu, một đồng minh lịch sử, có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của người Israel.
Ngoài ra, một liên minh đang hình thành giữa Israel với các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni đang định hình lại cục diện chính trị tại Mỹ. Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đang xây dựng hình ảnh ông Trump là một “ứng cử viên vì hòa bình” so với ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ có quan điểm truyền thống về vấn đề này.
Tuy nhiên, ngược lại, những câu hỏi liên quan chiến dịch vận động tái tranh cử của ông Trump có thể gây ra các cuộc tranh luận về quyết tâm công khai đối đầu với Iran của ông Trump và làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu vũ trang. Đồng thời, các cuộc thảo luận về vai trò của Mỹ tại khu vực có thể chi phối cuộc bầu cử, như trường hợp cách tiếp cận của ông Trump đối với khu vực đã khiến căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng.
Cuối cùng, chiến lược đối đầu của ông Trump ở Trung Đông đã tạo điều kiện cho các bên khác can thiệp vào khu vực và khai thác sự rạn nứt của các mối quan hệ. Tại Syria và Libya, Nga đang đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng của Nga trỗi dậy ở khu vực này một phần là do Moscow tận dụng được sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với khu vực.
Hơn nữa, sự nóng vội trong các hành động của Mỹ đối với mục tiêu rút lực lượng ra khỏi Trung Đông của ông Trump cũng đã làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực và tạo điều kiện cho các quốc gia khác có vị trí quan trọng. Do đó, sự thiếu chắc chắn trong các quyết định của Mỹ tại Trung Đông sẽ chỉ gây thêm nghi ngờ và chia rẽ về các khía cạnh liên quan đến chính sách đối ngoại trong cuộc bầu cử.