📞

Bầu cử Mỹ dưới góc nhìn của tầng lớp trí thức Trung Quốc: Khi 'vầng hào quang' dần phai nhạt

Mẫn Nhi 12:15 | 20/10/2024
Từng đánh giá cao sức ảnh hưởng của nền dân chủ Mỹ, tầng lớp tri thức Trung Quốc đang mất dần niềm tin đến cuộc bầu cử ở quốc gia "kỳ phùng địch thủ".
Nhiều người, đặc biệt thuộc tầng lớp trí thức Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng kể về nhận thức đối với các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và hệ thống chính trị của quốc gia "kỳ phùng địch thủ". (Nguồn: SCMP)

Cuộc bầu cử Tổng thống và cuộc tranh luận giữa các ứng viên về "giấc mơ Mỹ" từ lâu đã thu hút sự chú ý của Mandy Huang, một nhân viên tài chính ngoài 40 tuổi tại Bắc Kinh.

Quan điểm tích cực của cô về hệ thống chính trị Mỹ vẫn được duy trì khi cô làm việc tại Bắc Kinh với tư cách là một chuyên gia ngân hàng đầu tư, luôn theo dõi sát sao cuộc đua chính trị đang gay cấn tại Washington và nghiên cứu những tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế vĩ mô Trung Quốc.

“Tôi bắt đầu theo dõi các cuộc bầu cử Mỹ từ thời Tổng thống Bill Clinton. Thời điểm đó, nền dân chủ Mỹ rực rỡ như một vầng hào quang", cô nhớ lại.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Mandy Huang đã thay đổi quan điểm khá nhiều. Cô nhìn nhận cuộc đua "song mã" năm nay khác xa rất nhiều so với thời điểm những năm 2000 khi "lý tưởng tự do và dân chủ" được thể hiện khá tích cực, ngay cả ở những cuộc bầu cử cấp liên bang.

Many Huang chia sẻ, sự quan tâm của cô đối với nền chính trị Mỹ đã phai nhạt đáng kể từ giữa năm 2019, sau khi Tổng thống lúc bấy giờ là Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đề cao cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" đối với các vấn đề quốc tế.

Giống như Many Huang, một chuyên gia cố vấn ngoài 50 tuổi đang làm việc cho một công ty tư vấn hàng đầu của Mỹ tại Bắc Kinh cũng cho biết, quan điểm của ông cũng thay đổi phần nhiều. "Trước đây, mọi người ngưỡng mộ hệ giá trị Mỹ, nhưng giờ đây quan điểm đã chuyển sang trạng thái hoài nghi – thậm chí coi cuộc bầu cử như một trò đùa".

Nhiều người, đặc biệt thuộc tầng lớp trí thức Trung Quốc, từng có thời gian theo học ở nước ngoài lâu năm đã có sự thay đổi đáng kể về nhận thức đối với các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và toàn bộ hệ thống chính trị của quốc gia "kỳ phùng địch thủ".

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, khá nhiều người Trung Quốc cho rằng, sự thắng thế của cựu Tổng thống Trump, chính sách thù địch của Washington đối với Bắc Kinh hay tình trạng chia rẽ chính trị nội bộ là những yếu tố chủ yếu khiến họ không còn mặn mà với tình hình bầu cử Mỹ. Không ít người có cái nhìn hoài nghi về hệ thống chính trị Mỹ.

Ông Liu Yawei, người đứng đầu Trung tâm Carter chuyên tập hợp những nghiên cứu liên quan đến quan điểm của Trung Quốc về Mỹ, mô tả quá trình bầu cử tại Washington là "một cảnh tượng hỗn loạn" chỉ riêng trong năm nay với hai nỗ lực ám sát ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump và sự thay đổi ứng cử viên vào phút chót của đảng Dân chủ từ Tổng thống Joe Biden sang Phó tướng Kamala Harris.

"Tất cả đều rất phức tạp, vì vậy tôi cho rằng cuộc bầu cử giống như ở giữa màn sương mù hay bị mắc kẹt trong tình trạng rối bời", ông nói.

Theo ông Liu Yawei, sự tập trung của người dân Mỹ vào cuộc bầu cử chủ yếu xoay quanh việc ai được bầu, thay vì quan tâm tìm hiểu xem hệ thống chính trị sẽ trở nên minh bạch hơn hay cần cải thiện như thế nào.

“Mối quan tâm chính vẫn là quan điểm và ảnh hưởng của người được bầu đối với quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 20 ngày nữa", ông nói.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the US National Academy of Sciences vào tháng 4/2024, tình trạng quản lý đại dịch yếu kém là một phần nguyên nhân dẫn đến "sự suy giảm đáng kể" về mức độ ủng hộ của người dân Trung Quốc tới cuộc bầu Mỹ từ năm 2019 đến năm 2022.

Nghiên cứu - do các nhà nghiên cứu từ Princeton, Đại học Bắc Kinh, Đại học British Columbia ở Canada và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cùng thực hiện - chỉ ra rằng điểm số ủng hộ của người dân Trung Quốc đối với Mỹ đã giảm nhanh chóng từ 1,2 xuống 0,9 trên thang điểm từ 0 đến 3 từ tháng 12/2019 đến tháng 7/2020 và giảm xuống còn 0,6 vào tháng 10/2022. Trong nghiên cứu, số 0 biểu thị "rất không thuận lợi" trong khi số 3 biểu thị "rất thuận lợi".

Lượng người đọc Weibo về cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đã đạt số lượng đỉnh điểm vào ngày 11/9, ngay sau cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris. (Nguồn: AFP)

Zhao Jia, 42 tuổi, Giám đốc điều hành một công ty công nghệ tại Bắc Kinh cho biết, bà đã theo dõi các cuộc đua chính trị của Mỹ kể từ thời Tổng thống Clinton-Bush và từng ngưỡng mộ các khía cạnh của cuộc bầu cử dân chủ Mỹ. Nhưng lần này, bà cảm thấy bối rối vì "các vấn đề đang được thảo luận đã trở nên chính trị hóa hơn, như chính sách nhập cư hay tình trạng phá thai".

Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, đối với một số người, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại đang có lợi ích gián tiếp đối với người Trung Quốc, góp phần thay đổi góc nhìn của người dân ở quốc gia Đông Bắc Á về nền chính trị phương Tây.

Theo ông Liu Yawei, từ thời điểm năm 2008, ông quan sát thấy người dân Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn và dần công nhận hệ thống chính trị Mỹ, đặc biệt là thời điểm khi ông Barack Obama đắc cử, trở thành tổng thống da mầu đầu tiên ở một quốc gia vốn có lịch sử lâu dài về phân biệt chủng tộc - một khoảnh khắc mà ông Liu Yawei nhận định là "khá thú vị đối với nhiều người".

“Việc công nhận Mỹ là một quốc gia dân chủ đã được củng cố ở Trung Quốc. Nếu nền dân chủ của Mỹ là giả tạo, làm sao ông Obama có thể được bầu?” ông nói.

Vào thời điểm đó, mối quan hệ của đôi bên cũng được đánh giá là khá ổn định khi Tổng thống Bill Clinton ký Đạo luật quan hệ Mỹ-Trung Quốc năm 2000 hay việc Washington mở đường cho Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và số lượng sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ tăng theo cấp số nhân.

“Điều thực sự ấn tượng không phải là hệ thống bầu cử của Mỹ, mà thực tế là họ đã duy trì được hệ thống này trong nhiều năm, trở thành nền dân chủ lâu đời nhất thế giới có hiến pháp thành văn”, một nhà khoa học chính trị của Trung Quốc bình luận.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc các ứng cử viên từ các đảng khác nhau - chẳng hạn như Tổng thống George W. Bush hay Bill Clinton - có thể đặt hiến pháp lên trên lợi ích của đảng là một “đặc điểm rất hiếm có và giá trị”.

Dù vậy, cuộc bầu cử năm 2016 đã trở thành bước ngoặt khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Sự suy giảm trong nhận thức về Mỹ tỷ lệ thuận với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai siêu cường trong những năm gần đây.

Trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc phần lớn hạn chế đưa tin về chiến dịch tranh cử của Mỹ thì tin tức về cuộc bầu cử vẫn dày đặc trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc. Lượng tin tức về ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump - một nhân vật được đánh giá là "vừa liều lĩnh, vừa thú vị"- đã vượt xa về độ phủ sóng so với ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ngày 16/10, một chủ đề liên quan đến ông Donald Trump đã nhận được hơn 931.000 cuộc thảo luận và 2,87 tỷ lượt xem trên mạng xã hội Weibo. Ngược lại, chủ đề liên quan đến bà Kamala Harris chỉ nhận được 27.000 cuộc thảo luận và 54 triệu lượt xem.

Lượng người đọc Weibo về cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đã đạt số lượng đỉnh điểm vào ngày 11/9, ngay sau cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris. Rõ ràng, các chủ đề liên quan đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc đang cung cấp cho người dân nước này những góc nhìn đa chiều hơn về nền chính trị, dân chủ theo phong cách Mỹ.

"Nhiều kênh đa dạng trên các nền tảng truyền thông xã hội đã góp phần giúp người Trung Quốc có cái nhìn thực tế hơn về cuộc đua song mã ở quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương", Zhao Jia, Giám đốc điều hành một công ty công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định.

(theo SCMP)