Ban tổ chức trao chứng nhận cho các học viên. |
Tham dự lễ bế mạc có đại diện UBNN về NVNONN, Bộ Giáo dục và đào tạo, các giảng viên và học viên.
Phát biểu tổng kết, Phó Chủ nhiệm UBNN về NVNONN Trần Đức Mậu đánh giá, Khóa tập huấn đã diễn ra đúng tiến độ, thu được nhiều kết quả tốt đẹp như kế hoạch đề ra. Ông Trần Đức Mậu mong rằng, qua hoạt động này, các học viên cũng như bà con kiều bào hiểu sâu sắc hơn nữa về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với công tác giảng dạy và phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN và tới bạn bè quốc tế yêu tiếng Việt.
Mong muốn sâu xa hơn của Ban Tổ chức không chỉ là giảng dạy tiếng Việt mà còn là tạo ra một “không gian tiếng Việt”, qua đó góp phần giữ gìn và quảng bá văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Những thành công cũng như những điểm cần khắc phục tiếp thu được trong Khóa học lần này sẽ là cơ sở để các cơ quan trong nước cải thiện công tác tổ chức các Khóa học hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Trong hơn 2 tuần qua, các giảng viên uy tín như GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam, TS. Nguyễn Khánh Hà... đã trực tiếp đứng lớp, tập huấn nhiều nội dung về tiếng Việt và phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, các học viên còn tham dự buổi tọa đàm “Tài liệu dạy, học tiếng Việt cho cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài: Thực trạng và giải pháp để trao đổi kinh nghiệm và giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài, đi trải nghiệm thực tế việc dạy và học tiếng Việt tại một số trường đại học và tham quan một số di tích lịch sử, thắng cảnh Việt Nam...
Bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cũng như sự chu đáo của Ban Tổ chức Khóa học, bà Ngọc Dung Monser (Việt kiều Thụy Sĩ) khẳng định, kiều bào Việt Nam luôn hướng về Tổ quốc và hành động thiết thực nhất chính là giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào, bạn bè quốc tế. Bà Ngọc Dung khẳng định, kiến thức thu được từ khóa học cũng như trải nghiệm quí giá tại quê nhà là hành trang để các giáo viên Việt kiều tiếp tục công việc giảng dạy tiếng Việt của mình ở nước sở tại.
Trong khi đó, ông Hoàng Đức Hà (Thái Lan) chia sẻ, sau Khóa học, ông đã trưởng thành hơn về nhận thức, chuyên môn và phương pháp giảng dạy, đồng thời tiếp thu được nhiều kiến thức cơ bản về ngữ âm, ngữ pháp, ngôn ngữ học nói chung và các yếu tố văn hóa của tiếng Việt. Các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về giáo dục trực tiếp giảng dạy tại Khóa học đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê giảng dạy tiếng Việt cho các học viên.
Nhân dịp này, các học viên cũng góp ý về quảng bá tiếng Việt cũng như các vấn đề liên quan đến lớp học như hoàn thiện chương trình giảng dạy, tăng số giờ đi thực tế và công tác tổ chức, hậu cần. Đáng chú ý là đề xuất của học viên Ngọc Hiền (Việt kiều Trung Quốc, đến từ Đài Loan) về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm có kế hoạch kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng Việt giống như các chứng chỉ ngoại ngữ khác trên thế giới, vì hiện nay, nhu cầu học tập và nhận chứng chỉ tiếng Việt của học sinh gốc Việt lẫn người nước ngoài là rất lớn.
Thay mặt các giảng viên của Khóa học, PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao thái độ học tập của học viên và chúc các học viên trở về nước sở tại bình an, tiếp tục bồi đắp nhiệt huyết của bản thân trong sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt.
Kết thúc khóa học, Ủy ban NNVNVNONN, Bộ Giáo dục và đào tạo đã trao giấy chứng nhận cùng nhiều phần quà cho các học viên.
Nguyên Bảo