Tình hình Belarus đã chiếm trang nhất trên rất nhiều tờ báo trong suốt giai đoạn đại dịch Covid-19 và mùa bầu cử này. (Nguồn: AP) |
Belarus-thế lưỡng nan
Tình hình Belarus đã chiếm trang nhất trên rất nhiều tờ báo trong suốt giai đoạn đại dịch Covid-19 và mùa bầu cử này. Các nhà bình luận phương Tây và nhiều nhà lãnh đạo đã tuyên bố sẽ sát cánh cùng hàng chục ngàn người Beralus trong đợt biểu tình phản đối cuộc bầu cử được cho là gian lận gần đây của Tổng thống Alexander Lukashenko.
Việc Điện Kremlin đe dọa sẽ can thiệp để giúp ông Lukashenko trấn áp người biểu tình làm dấy lên quan ngại đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin giành được quyền kiểm soát Belarus trên thực tế và đưa quân tới đồn trú tại quốc gia này, Nga sẽ làm suy yếu khả năng của NATO trong việc bảo vệ các quốc gia thành viên của mình ở vùng Baltic, và từ đó làm suy yếu uy tín của toàn bộ khối liên minh quân sự này.
Tình thế của ông Lukashenko đang xấu đi nhanh chóng trong vài ngày qua khi các nhà máy lớn đình công, nhiều thành viên của lực lượng an ninh Belarus và của các hãng truyền thông nhà nước bắt đầu rời bỏ vị trí của họ.
Một hãng truyền thông có quan hệ với Điện Kremlin gợi ý khả năng Nga sẽ gửi những người mặc quân phục màu xanh lá nhưng không có phù hiệu, từng được Tổng thống Putin điều tới chiếm giữ khu vực Crimea của Ukraine năm 2014, tới Belarus để dập tắt cuộc nổi loạn.
Ông Lukashenko sau đó tuyên bố rằng ông và Tổng thống Putin đã đồng ý với các điều khoản cho phép Nga can thiệp nếu Beralus cần sự giúp đỡ. Như vậy, “sân khấu” đã được dựng lên để các lực lượng Nga dưới một số hình thức nào đó - có thể là quân đội mặc đồng phục, các nhà thầu quân sự tư nhân hay các lực lượng bí mật - xâm nhập Belarus.
Lời kêu gọi giúp đỡ của ông Lukashenko gửi tới Tổng thống Putin chính là một bước ngoặt đầy kịch tính. Moscow đã gây sức ép với Belarus trong nhiều năm qua để yêu cầu quốc gia này liên kết về quân sự và chính trị với Nga trong một khối gọi là Nhà nước Liên minh.
Ông Lukashenko phản đối yêu cầu này của Tổng thống Putin, bao gồm cả yêu cầu Nga được đặt căn cứ quân sự ở Belarus. Trên thực tế, mãi tới tận gần đây, ông Lukashenko vẫn lên tiếng cho rằng chính ông Putin là kẻ đứng đằng sau các bất ổn hậu bầu cử ở quốc gia này, và vị Tổng thống Belarus này đã tìm cách giữ khoảng cách với Moscow.
Tuy vậy, tình thế hiện nay đã đủ xấu tới nỗi ông Lukashenko sợ rằng có thể sẽ mất khả năng kiểm soát hoặc Tổng thống Putin sẽ đưa quân can thiệp để thực hiện các yêu sách trước đây, hoặc cả hai điều này sẽ cùng xảy ra. Dù trong tình huống nào, có vẻ ông Putin sẽ đạt được tính toán của mình, bao gồm việc buộc liên kết với Nga và cho phép Nga đặt căn cứ quân sự.
Belarus tọa lạc tại một vị trí chiến lược trọng yếu. Quốc gia này ngăn cách phần lãnh thổ chính của Nga với Ba Lan và Lithuania cũng như bao bọc lối vào phía Bắc của Kiev - thủ đô của Ukraine. Nga có một lãnh thổ tách biệt là Kaliningrad nằm trên bờ biển Baltic giữa Ba Lan và Lithuania; ngăn cách giữa Kaliningrad và Belarus là một hành lang rộng 40 dặm được gọi là Khoảng trống Suwalki.
Các lực lượng bộ binh và hậu cần của NATO phải sử dụng hành lang này nếu muốn đến được các quốc gia vùng Baltic. Hiện nay việc đi lại của NATO qua Khoảng trống Suwalki đang gặp nhiều thách thức do Tổng thống Putin đã triển khai nhiều vũ khí tại Kaliningrad. Nếu ông Putin tiếp tục giành được quyền đưa các lực lượng phòng không và bộ binh tới đồng trú ở phía bên kia Khoảng trống Suwalki, trong lãnh thổ Belarus, thì khả năng NATO hỗ trợ các lực lượng ở vùng Baltic – chứ chưa nói tới việc tiếp viện cho các lực lựng này trong trường hợp xảy ra khủng hoảng – sẽ cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, với các lực lượng bộ binh tiếp viện chỉ cách một giờ đồng hồ lái xe, ông Putin có thể biến Kaliningrad từ một vùng lãnh thổ dễ bị tấn công thành một “lưỡi dao thực sự” kề sát cổ NATO.
Mỹ và phương Tây có thể "bắt bài" Nga
Cho tới nay, Tổng thống Putin vẫn chưa điều các lực lượng thông thường tới Belarus, và có thể ông sẽ không làm như vậy. Cho dù kết quả của cuộc khủng hoảng này ra sao, ông Putin có khả năng sẽ không đặt căn cứ ở Belarus.
Tuy nhiên, phương Tây có thể định hướng tính toán của ông Putin bằng cách tỏ rõ rằng việc biến Belarus thành một căn cứ quân sự của Nga sẽ dẫn tới những hậu quả mà ông Putin không thể gánh chịu được, như là việc công bố một gói trừng phạt kinh tế đối với Nga trong trường hợp lực lượng của Nga tiến vào Belarus, và tăng cường thêm một gói trừng phạt nữa nếu Nga đặt căn cứ quân sự ở Belarus.
Tổng thống Putin đặc biệt dễ bị tác động trước sức ép từ những biện pháp trừng phạt bổ sung trong giai đoạn này. Nền kinh tế Nga vốn đã suy yếu sau việc giảm giá năng lượng, các lệnh trừng phạt từ sau khi chiếm Crimea, và hiện nay là đại dịch Covid-19. Khả năng phải gánh chịu thêm sức ép kinh tế đủ để ngăn cản Tổng thống Putin tiến quá xa và quá nhanh trong vấn đề Belarus.
Không một ai ở châu Âu hay ở Mỹ muốn một cuộc chiến tranh với Nga. Bản thân sự tồn tại của NATO cũng chỉ là để răn đe các cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia thành viên của khối. Sự độc lập tương đối của Belarus đối với Nga, cho tới hiện nay, là một rào cản quan trọng đối với chính sách của Nga ở nước ngoài. Phương Tây nên tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để bảo vệ tính độc lập đó của Belarus hết sức có thể.