📞

Bhutan: Điều bạn chưa biết…

07:44 | 30/12/2016
Vương quốc nhỏ bé nằm giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới - Ấn Độ và Trung Quốc, là điểm đến mơ ước của bất cứ ai…

Quốc gia đứng số 1 về du lịch bền vững

Trong bài viết gần đây về 10 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2017, SmarterTravel - một trong những nguồn thông tin trực tuyến lớn nhất về du lịch đã xếp Bhutan vào vị trí thứ 3. Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2017 là Năm của Du lịch Bền vững vì Phát triển, cho thấy sự quan tâm hơn đến sức mạnh của du lịch để phát triển, hiểu biết và sự đánh giá tốt hơn về giá trị vốn có của các nền văn hóa khác nhau.

Bhutan hùng vĩ và trong lành. (Nguồn: Huffington Post)

Tác giả bài viết khẳng định: Không nơi nào trên thế giới là điển hình về du lịch bền vững hơn Bhutan, đất nước nổi tiếng với chính sách du lịch “giá trị cao, tác động thấp” nhằm hạn chế số lượng du khách hàng năm trong khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và không ảnh hưởng đến môi trường cũng như di sản văn hóa. Du khách quốc tế đầu tiên đến Bhutan là vào thập niên 1970 và chính quyền nước này luôn thận trọng trước tác động từ khách nước ngoài. Điều bắt buộc là phải xin thị thực và đăng ký tour qua các công ty lữ hành Bhutan hoặc đối tác quốc tế với mức phí trung bình hơn 250 USD mỗi ngày.

Chi phí không hề “mềm” đó không làm nản lòng những du khách đam mê khám phá miền đất lạ như Bhutan – đất nước không carbon đầu tiên trên thế giới và nơi duy nhất đo lường chất lượng cuộc sống bằng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) chứ không phải Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nơi đa số người dân đều cảm thấy hạnh phúc. (Nguồn: Huffington Post)

Đang thay đổi nhanh chóng

Internet và truyền hình chỉ được phép phát sóng ở Bhutan từ năm 1999. Đây cũng là nước duy nhất trên thế giới chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Trung Quốc. Quân đội nước này không có hải quân và không quân. Cả nước chỉ có duy nhất một sân bay quốc tế. Thimphu - thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông.

Những thực tế trên khiến cho nhiều người tưởng rằng Bhutan đang cô lập với cả thế giới. Nhưng không, vương quốc lọt thỏm giữa trập trùng rừng núi của dãy Himalaya đang thay đổi nhanh chóng. Điện thoại thông minh và nhà hàng karaoke rất phổ biến ở Thimphu và những bạn trẻ - chiếm đa số trong dân số hơn 750.000 dễ dàng sử dụng mạng xã hội. Thời trang đường phố đang bùng nổ và các cuộc thảo luận về chính trị cũng cởi mở hơn.

Điện thoại là phương tiện liên lạc phổ biến. (Nguồn: Bhutan Chronicles)

Và tất nhiên, Bhutan “tân thời” hơn bất kỳ nước nào: túi ni lông bị cấm sử dụng từ năm 1999 và hút thuốc lá bị xem là bất hợp pháp. Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản hoàn toàn xa lạ với nông dân. Mỗi tháng đều có một ngày toàn dân đi bộ.

Người dân yêu Quốc vương và tích cực trồng cây

Lên ngôi từ năm 2006, Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, 36 tuổi hiện là một trong những vị vua trẻ nhất thế giới. Vị vua thứ 5 của Bhutan đã chứng kiến thay đổi chính trị lớn của đất nước - chuyển thể chế nhà nước từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến do cha ông, Quốc vương thứ 4 - Jigme Singye Wangchuck đề ra. Giống như cha mình, Quốc vương Jigme Khesar tin rằng, một xã hội dân chủ sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho mọi người. Năm 2008, đích thân Quốc vương Jigme đã đến tất cả các khu vực để vận động người dân đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử nghị viện đầu tiên của đất nước.

Quốc vương Jigme Khesar, từng học tập tại Ấn Độ, Mỹ và Anh, rất được người dân tôn kính và Hoàng hậu Jetsun Pema, cựu sinh viên khoa nghệ thuật London cũng rất được yêu mến. Trong ngày hôn lễ năm 2011, người dân Bhutan đã treo, gắn các tấm panô vẽ ảnh Quốc vương và Hoàng hậu trên tất cả tòa nhà, cột đèn điện… Học sinh làm thơ ca ngợi Hoàng hậu là Mặt trăng, là bông hoa sen ngát hương…. Ngày sinh của Hoàng tử Bhutan vào tháng 2/2016 thì được chào đón bằng việc trồng 108.000 cây con trên khắp vương quốc.

Ngày sinh của Hoàng tử được chào đón bằng việc trồng 108.000 cây con. (Nguồn: Quint)

Trên thực tế, theo luật pháp Bhutan, ít nhất 60% đất nước phải được phủ rừng và việc trồng cây rất phổ biến ở nước này, nơi cây được xem là biểu tượng của trường thọ, sắc đẹp và tình thương. Trong năm 2015, Bhutan đã lập kỷ lục Guinness Thế giới về trồng gần 50.000 cây chỉ trong 1 tiếng đồng hồ. 

(tổng hợp)