Các vụ cháy rừng gần đây đều có liên quan đến sự biến đổi khí hậu và tác động của con người. (Nguồn: Getty Images) |
Những con số đáng báo động
Trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 đến 30.000 vụ hỏa hoạn trên khắp hành tinh, từ nơi xa xôi như Siberia cho đến Amazon, Indonesia, Australia và Mỹ… Đây chính là một trong những lời cảnh cáo mạnh mẽ nhất từ thiên nhiên cho thấy con người đã vi phạm các ranh giới mà lẽ ra chúng ta không nên vượt qua.
Trên thực tế, ngoài hỏa hoạn, con người có trách nhiệm phần lớn trước sự biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, tan băng hay bão lốc… Những thảm họa thời tiết này đã khiến hành tinh của chúng ta thiệt hại hơn 39 tỷ USD vào năm 2018.
Cho đến nay, 1.195 khu vực ở 25 quốc gia, trong đó có Pháp, Canada, Anh, Ireland, New Zealand, Australia, Argentina… đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu. Hơn 454 triệu người đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng này.
Song song với những thảm họa thiên nhiên là sự tuyệt chủng hay giảm số lượng lớn của một số loài động vật, thực vật, côn trùng do sa mạc hóa hay ô nhiễm đại dương. Hay những trường hợp rò rỉ khí metan tại nhiều mỏ nhiên liệu hóa thạch ở các đại dương, đầm lầy đang là mối đe dọa khiến nhiệt độ nhiều nơi tăng từ 7-100C.
Đáng lo ngại hơn, việc khai thác và sử dụng các nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng sẽ đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu. Theo một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, việc tăng cường khai thác của các tập đoàn sản xuất nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến lượng carbon dioxide phát thải vào năm 2030 vượt quá 53% so với giới hạn 120% để duy trì sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức thấp ở mức 1,50C.
Hậu quả của sự nóng lên toàn cầu là băng tan dẫn đến nước biển dâng cao, hàng nghìn tấn đất sẽ bị nhấn chìm dưới đại dương. Theo dự đoán của các nhà khoa học, nếu băng tiếp tục tan, Bắc Cực sẽ biến mất trước khi bước sang thế kỷ XXII, nơi sinh sống của hơn 300 triệu người sẽ biến mất. Điều này kéo theo sự mất an toàn về an ninh lương thực bởi thiếu đất canh tác, chịu nhiều thiên tai khiến sản lượng bị giảm mạnh.
Bên cạnh đó, việc gây ra ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm chính là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của các bệnh không truyền nhiễm, gây ra cái chết của 9 triệu người mỗi năm và làm thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
Những con số biết nói trên đã phản ánh rằng, sự phát triển kinh tế, nền văn minh hay sự tồn tại của loài người luôn nằm chung trên một con đường. Tất cả các yếu tố này luôn ảnh hưởng và phụ thuộc lẫn nhau, không quá trễ để hành động cứu lấy chính chúng ta.
Cộng đồng cùng lên tiếng
Hình ảnh người biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Anh. (Nguồn: Reuters) |
Trước thực trạng báo động trên, phong trào công dân toàn cầu gồm các nhà khoa học, thanh niên, người già… đã và đang đòi hỏi các chính phủ hành động khẩn cấp cứu lấy Trái Đất thông qua nhiều hình thức khác nhau. Điển hình như việc tổ chức các hội thảo, hội nghị về biến đổi khí hậu; gửi thông điệp, nghiên cứu đến các cơ quan nhà nước hay các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường xuất hiện ở nhiều thành phố trên thế giới.
Bên cạnh đó, một số nhân vật, tổ chức tiêu biểu đứng ra lên tiếng kêu gọi bảo vệ môi trường và tự nhiên. Đức Giáo hoàng Francis đang đề xuất thêm “tội lỗi chống lại môi trường” vào giáo lý Công giáo.
Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney thì cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể gây ra sự sụp đổ tài chính một cách đột ngột. Báo cáo rủi ro toàn cầu hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa nghiêm trọng tới các nền kinh tế và mối nguy hại này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Đại học Luật Colombia đã thành lập Trung tâm Sabin về Luật biến đổi khí hậu. Theo người sáng lập trung tâm Michael Gerrard, hơn 1.640 vụ kiện về biến đổi khí hậu và môi trường đã được đệ trình lên Chính phủ Mỹ.
Từ những hành động của cộng đồng, nếu chúng ta không có hành động khẩn cấp bảo vệ, phục hồi môi trường và hệ sinh thái mà vẫn vô tư sử dụng, hủy hoại chúng thì cái giá mà con người phải trả là chính cuộc sống của bản thân.