📞

Biến đổi khí hậu sẽ biến miền Nam Tây Ban Nha thành sa mạc

14:46 | 28/10/2016
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, miền Nam Tây Ban Nha sẽ biến thành sa mạc vào cuối thế kỷ này nếu mức độ phát thải khí nhà kính hiện nay tiếp tục ngoài tầm kiểm soát.

Theo các nhà khoa học, vùng Địa Trung Hải - trong đó có khu vực miền Nam Tây Ban Nha - sẽ có sự biến đổi khí hậu chưa từng có trong 10.000 năm qua, trừ khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên được khống chế ở mức 1,5 độ C.

Nếu không cắt giảm được lượng khí thải CO2, khu vực này sẽ rơi vào một trạng thái tồi tệ chưa từng có trong 10 thiên niên kỷ qua, các nhà khoa học cho biết.

Một vùng biển ở miền Nam Tây Ban Nha - nơi được dự báo có khả năng bị sa mạc hóa vào cuối thế kỷ này. (Nguồn: The Guardian)

Nghiên cứu nói trên do các nhà khoa học trường Đại học Aix-Marseille (Pháp) tiến hành, vừa được công bố trên tạp chí Khoa học (Mỹ). Theo đó, nghiên cứu đã mô hình hóa những gì sẽ xảy ra đối với thảm thực vật ở lưu vực Địa Trung Hải theo các kịch bản khác nhau. Các kịch bản này dựa trên mức độ phát thải khí CO2 trong tương lai, từ kịch bản bình thường cho đến kịch bản tồi tệ nhất.

Hiện nay, các nước đang cố gắng giữ cho nhiệt độ tăng thấp hơn mục tiêu 1,5 độ C đã được thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), năm 2015.

Theo nghiên cứu, nếu nhiệt độ sẽ tăng gần 5 độ C trên toàn cầu theo kịch bản xấu nhất sẽ gây ra gây ra sa mạc hóa khắp miền Nam Tây Ban Nha và vùng Sicily (Italy) vào năm 2100.

Ngay cả khi lượng khí thải được khống chế ở mức độ mà các nước cam kết tại COP21, miền Nam châu Âu vẫn có khả năng phải đối mặt với sự mở rộng của sa mạc.

"Vùng Địa Trung Hải rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu, thậm chí nhạy cảm nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Các nước châu Âu hiện đang phải đối phó với nhiều rắc rối đến từ vấn đề người nhập cư. Nếu chúng ta phải chịu đựng thêm các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra, nó sẽ càng tồi tệ hơn trong tương lai" - Joel Guiot, tác giả chính của nghiên cứu nói.

(theo The Guardian)