Tàu khu trục Mỹ tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, ngày 20/1. (Nguồn: Reuters) |
Đầu tháng 1, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đã kết hợp với nhóm tàu tác chiến đổ bộ Essex Amphibious Ready Group tiến hành cuộc tập trận kéo dài 5 ngày tại khu vực Biển Đông. Cuộc tập trận diễn ra sớm hơn 2 tuần so với năm 2021, cho thấy Lầu Năm Góc ngày càng "nóng lòng" muốn thách thức những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Không ít lãnh đạo châu Á từng lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ "nhẹ tay" với Trung Quốc sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhiệm sở. Thế nhưng, tình hình đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại.
Sau một năm lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Biden đã thể hiện sự tiếp nối chính sách của cựu Tổng thống Trump, theo đó, đa phần theo đuổi chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc.
Nếu có điều gì khác biệt thì đó chính là ông Joe Biden đã trực tiếp giám sát và chỉ đạo một chiến lược tập hợp đồng minh mạnh mẽ hơn để ứng phó với việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông.
Dữ liệu mới nhất cho thấy Mỹ đã triển khai nhiều tàu hơn đến Biển Đông trong năm 2021 và thể hiện rõ ràng sự ủng hộ đối với các đồng minh trong khu vực.
Tuy nhiên, việc cả Mỹ và Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra những vụ va chạm và xung đột bất ngờ cũng như những sự cố khó đoán định.
Không chỉ đối trọng với Trung Quốc trên thực địa, gần đây Washington cũng đẩy nhanh "cuộc chiến pháp lý" với Bắc Kinh.
Trong một cuộc họp báo ngày 24/1 vừa qua, các quan chức Mỹ đã nói về lý do công bố báo cáo mới nhất và thảo luận về chính sách của Mỹ liên quan đến các yêu sách ở Biển Đông.
Phát biểu trong họp báo, bà Constance Arvis, Phó trợ lý Ngoại trưởng về Đại dương, Môi trường và Các vấn đề Khoa học nói báo cáo là cơ sở để các bên phản đối yêu sách của Trung Quốc. "Báo cáo số 150 về các ranh giới biển được chúng tôi công bố hôm 12/1 là kết quả của hai năm nghiên cứu cẩn thận và chính xác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và nhận thấy chúng không có cơ sở pháp lý".
Bà Arvis khẳng định: “Nghiên cứu này là cơ sở rất quan trọng mà bạn bè và đồng minh có thể rút ra để phản đối các yêu sách. Chúng tôi hy vọng đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của các quốc gia theo thông lệ quốc tế nhằm đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của chính phủ Trung Quốc”. Bà Arvis nói thêm về các yêu sách Bắc Kinh đưa ra và những hoạt động xây dựng, cải tạo đảo đá để hỗ trợ các yêu sách đó: “Chúng tôi chắc chắn không chấp nhận chuyện đã rồi”.
Trong cùng cuộc họp báo,đề cập đến sự ra đời của báo cáo mới nhất, Trợ lý cố vấn pháp lý Robert Harris thuộc Văn phòng Cố vấn Pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu: “Sau vụ kiện Philippines - Trung Quốc năm 2016, Trung Quốc đã tái khẳng định các yêu sách biển trên Biển Đông, làm rõ việc nước này có yêu sách về quyền lịch sử và đưa ra lý thuyết ‘mới lạ’ rằng các nước có thể vẽ đường cơ sở quanh các nhóm đảo ở Biển Đông.
Vì Trung Quốc đã tái khẳng định các yêu sách đó, phân tích năm 2014 của chúng tôi không còn hoàn chỉnh. Do đó, chúng tôi đã cố gắng hiểu rõ nhất có thể yêu sách mới của Trung Quốc và đánh giá yêu sách đó để phục vụ cho luật pháp quốc tế”.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, qua việc công bố nghiên cứu mới nhất, Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân theo luật pháp quốc tế, ngừng các hoạt động "ép buộc và phi pháp" ở Biển Đông.
| Ngoại giao trong tuần: Bộ trưởng điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh, Tham vấn chính trị Việt Nam-Belarus Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong tuần từ ngày 10-15/1. |
| Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển Ngày 14/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao ... |