Theo Journal Focus, những người sáng lập dự án “Các nhà máy cũng là các xưởng nghệ thuật tại Việt Nam” hy vọng dự án này không chỉ mang đến cho các công nhân hướng đi sáng tạo mà còn làm cho họ hài lòng hơn với công việc, đồng thời đạt năng suất lao động cao hơn và mang đến sự đổi mới to lớn cho lĩnh vực sản xuất.
“Bạn có biết, các công nhân lặp đi lặp lại những công việc giống hệt nhau, ngày qua ngày”, ông Vu Viet Thanh (trường Đại học Kiến Trúc), một đối tác của dự án nói. Ông cho biết thêm những người lao động cần “giây phút thư giãn” sau những giờ làm việc đơn điệu cùng dây chuyền lắp ráp. Họ cũng cần tìm thấy sự mới mẻ trong công việc.
Thứ mới mẻ ở đây là sự sáng tạo, như việc biến phế liệu kim loại thành một chiếc đèn theo phong cách hậu hiện đại. Một trong những chiếc đèn đã được trưng bày tại Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, nơi các sinh viên mời người dân đến xem những sản phẩm mà họ tạo ra từ phế liệu công nghiệp. Đây là giai đoạn đầu của dự án “Các nhà máy cũng là các xưởng nghệ thuật tại Việt Nam”. Trong giai đoạn hai, bắt đầu vào năm 2017, các nhà thiết kế và các nghệ sĩ sẽ đến các nhà máy để hợp tác với các công nhân trong những dự án nghệ thuật của họ.
Người Việt Nam đang biến phế thải kim loại và nhựa thành các tác phẩm nghệ thuật. (Nguồn: vietnamwelder.blogspot.com) |
Theo Jane Gavan, giảng viên lâu năm tại Đại học Nghệ thuật Sydney, dự án mang lại nhiều lợi ích. Các doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc tiếp xúc với các ý tưởng và sản phẩm mới, trong khi các nghệ sĩ được thử nghiệm một phương tiện mới lạ để thể hiện các tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp làm giảm lượng chất thải công nghiệp. Jane Gavan đã đưa dự án trên đến Việt Nam sau khi nó được thực hiện tại Đức, Bỉ, Mỹ - những nơi mà cô đã làm việc với các nhà sản xuất kính và sơn.
Mùn gỗ, các sợi dây thừng, chip máy tính… tất cả đều dành cho các sinh viên kiến trúc. Ngồi tại 3 dãy bàn được chiếu đèn sáng choang, mặc những chiếc tạp dề màu đen, các sinh viên này gợi lên hình ảnh về các công nhân nhà máy trong khi họ phác thảo và giải thích về các sáng chế của mình với khách tham quan.
Các tác phẩm của họ rất đa dạng như đèn trang trí nội thất, bông tai, dây chuyền cổ, giá sách, chậu trồng hoa… Vo Van Tam đã sáng tạo một thứ đáng chú ý: chiếc đèn giống như con sứa trắng có nhiều xúc tu và ánh sáng lạ lùng. Tam đã thiết kế phần thân hình chuông của con sứa từ tấm nhựa trắng giống như tổ ong. Anh chia sẻ dự án đã cho anh biết thêm về những kiến thức mà anh chưa bao giờ nghĩ tới trước đây. Dự án cũng khiến anh nghĩ về các lợi ích môi trường của việc tái sử dụng phế thải. “Trong tương lai, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về các nguyên liệu”, Vo Van Tam nói. “Tại Việt Nam, chúng tôi có rất nhiều nguyên liệu và các nhà thiết kế nên thử tạo ra những sản phẩm mới từ vật liệu mà mọi người không sử dụng nữa”, Tam nói thêm.