TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Iran sẽ không gặp người đồng cấp Mỹ | |
Mỹ khẳng định mục tiêu loại bỏ các lực lượng Iran khỏi Syria |
Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, Washington tiếp tục yêu cầu Tehran phải đàm phán lại, nếu không sẽ chịu “áp lực tài chính chưa từng thấy" bằng cách quyết tâm cấm tuyệt đối xuất khẩu dầu thô của Iran, đồng thời dọa trừng phạt các chủ thể tiếp tục mua dầu của Tehran. Iran lập tức “đáp lễ” khi cho biết sẵn sàng mở rộng trung tâm làm giàu Natanz để chế tạo thêm nhiều máy ly tâm tiên tiến nhằm làm giàu uranium nhanh gấp 10 lần trước đây.
Điều kiện ràng buộc
Giới quan sát lo ngại những lời cảnh báo “lạnh người” của hai nhà lãnh đạo có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Hiện các bên trung gian là Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực cứu vãn bản thỏa thuận được ký kết trong thời Tổng thống Obama nắm quyền. Thời gian qua, các bên còn lại của Thỏa thuận đã thể hiện thiện chí và xúc tiến một loạt biện pháp nhằm đáp ứng yêu cầu từ Tehran.
Ngày 17/9, Bộ Ngoại giao Iran thông báo đã nhận được những đề nghị mới từ châu Âu, vốn có thể đáp ứng những yêu cầu của Tehran về việc đảm bảo tiếp tục hợp tác thương mại đồng thời duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi cho biết trong bối cảnh những đề xuất thay thế đã được đưa ra, hai bên đang tìm kiếm các cơ chế để có thể tiếp tục hợp tác kinh tế sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử và đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AP) |
Trước đó ngày 16/9, trả lời phỏng vấn tuần báo Der Spiegel của Đức, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Iran sẽ tuân theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân miễn là Tehran được đáp ứng lợi ích. Theo đó, các nước châu Âu và những nước tham gia ký kết vào thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nên tìm cách bù đắp để khắc phục tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết tiếp tục bán được dầu mỏ và mang tiền về Iran an toàn là điều kiện chính để Tehran ở lại thỏa thuận hạt nhân và kêu gọi EU bảo vệ thỏa thuận này.
Đối phó cấm vận
Gói trừng phạt thứ hai Mỹ nhắm vào ngành dầu mỏ của Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11/2018. Theo đó, các nước phải ngừng mua dầu từ Iran kể từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với trừng phạt về tài chính. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiên quyết giữ lập trường cứng rắn chống lại Iran và vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt, bất chấp sự phản đối của châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ - những đối tác mua nhiều dầu của Iran.
Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng chống Iran đang gây ra nhiều tác động trên khắp thị trường năng lượng toàn cầu, đẩy giá dầu Brent lên trên mức 80 USD/thùng trong tuần trước. Dù đến nay, hai nước sản xuất năng lượng lớn của thế giới bao gồm Nga và Saudi Arabia đã hợp tác chặt chẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ việc nguồn cung dầu của Iran thiếu hụt, thế nhưng nhiều chuyên gia ngành năng lượng thế giới cho rằng từng đó là chưa đủ.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Iran bị trừng phạt và vì thế họ có thừa kinh nghiệm để đối mặt với những lệnh cấm vận như vậy. Ngày 18/9, cố vấn Bộ trưởng Dầu mỏ Iran M. Sadr nhận định các biện pháp trừng phạt sắp tới của Mỹ không thể khiến nước này mất hết doanh thu từ dầu mỏ do nhu cầu cao của thị trường.
Nhằm đối phó sức ép của Mỹ, Iran đang mở rộng trao đổi hàng hóa với các nước, trong đó có đối tác quan trọng là Pakistan. Theo thống kê mới đây, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,27 triệu tấn hàng hóa phi dầu mỏ, trị giá hơn 642 triệu USD trong 6 tháng qua, tăng hơn 19% giá trị thương mại giữa hai nước so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, việc nhận được “lời hứa” từ châu Âu về việc bảo đảm tiếp tục trao đổi thương mại, tìm kiếm các cơ chế để tiếp tục hợp tác kinh tế được kỳ vọng là giải pháp nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân và đưa Iran thoát khỏi tình trạng bế tắc kinh tế hiện tại.
Tín hiệu mới
Những ngày gần đây, Mỹ liên tục tỏ dấu hiệu hiệu cho thấy đang tìm kiếm các cơ hội để đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân và an ninh trong khu vực. Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook nói hôm 19/9 rằng:"Thỏa thuận mới mà chúng tôi hy vọng có thể ký với Iran sẽ không phải là thỏa thuận giữa 2 bên như trước kia, chúng tôi đang tìm kiếm một hiệp ước". Tuy nhiên ông này cũng thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo Iran đã không quan tâm đến các cuộc đàm phán, bất chấp việc Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng nói chuyện mà không cần điều kiện đi kèm. Điều đó cho thấy Mỹ cần làm nhiều hơn nữa để có được lòng tin của Iran.
Tuần tới, Tổng thống Trump sẽ chủ trì phiên họp về Iran trong các cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York. Điều mà thế giới trông đợi lúc này là những tín hiệu mới, tích cực nhằm vãn hồi hòa bình tại Trung Đông. Điều đó chỉ có thể có được khi các bên đều nỗ lực tỏ rõ thiện chí, và Mỹ cần có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa, trong đó có cả việc tôn trọng các cam kết mà họ đã đưa ra.
"Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran" Ngày 22/8, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton tái khẳng định, nước này không tìm cách ... |
Iran bác bỏ khả năng diễn ra một cuộc đàm phán với Chính quyền Trump Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 19/8 tuyên bố, Mỹ bị "nghiện" áp đặt trừng phạt ... |
Iran từ chối mọi đàm phán vì không thể tin tưởng Mỹ Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố, nước này sẽ bác bỏ bất cứ cuộc đàm phán nào với Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington ... |