Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại Thủ đô Phnom Penh. |
Ông Ngô Điền là Đại sứ của Việt Nam ở Campuchia từ năm 1979-1991 kể lại là vào năm 1982, ông có nói chuyện với một người bạn Campuchia lúc ấy vừa đi công tác từ tỉnh Pai-lin, tỉnh biên giới phía Tây Campuchia về. Trong chuyến đi này, người bạn Campuchia đã hỏi một chiến sĩ tình nguyện Việt Nam bị thương muốn được trả ơn như thế nào. Người thương binh Việt Nam trả lời: Điều tôi mong muốn là bà con Campuchia biết tôi đổ máu vì Campuchia.
Từ khi nghe câu chuyện này tôi đã rất muốn viết về người lính tình nguyện Việt Nam. Viết về họ thì không thể không nhắc tới chế độ diệt chủng Pol Pot, nhưng mà về chế độ diệt chủng này thì người ta đã viết quá nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhắc lại một chút cũng không sao, có khi lại tốt bởi vì không bao lâu nữa có thể các bạn trẻ sẽ hỏi có thật thế không, có thật đã có một chế độ diệt chủng tàn bạo như thế không! Ôn cũ để biết mới luôn luôn phải là một nghĩa vụ.
Sự diệt chủng của Khmer Đỏ tuy chỉ diễn ra trong 3 năm 8 tháng 20 ngày nhưng nó mãi là một vết đen tì ố trong lịch sử Campuchia, trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia, là một khoảng tối mà sẽ còn bao nhiêu người tiếp tục rọi đuốc vào đấy để tìm. Những trung tâm quyền lực quyết định thường ở rất xa cỗ máy chém, những duyên cớ trực tiếp thường rất dớ dẩn nhưng lại phức tạp và khoả lấp những nguyên nhân sâu xa.
Theo rất nhiều tài liệu, ngày 17/4/1975 Pol Pot chiếm được Pnom Penh, lập tức đuổi tất cả đàn ông đàn bà, già trẻ, sư sãi, nhà giáo nhà buôn, sinh viên… ra khỏi thành phố. Những người dân bị đuổi không kịp mang theo quần áo, không kịp tụ tập con cái…, đã bị lùa đi như những bầy nô lệ. Xã hội Campuchia từ một ốc đảo hòa bình trong thập kỷ 1960 đã bị Pol Pot biến thành một trại khổ sai khổng lồ đầy rẫy những hố chôn người.
Những cái tên điển hình của tội ác diệt chủng là nhà tù Tuol Sleng, biệt danh trại S21 và làng Choeung Ek mà báo chí đã đặt cho cái tên nổi tiếng là Cánh đồng chết. Tuol Sleng trong từ điển tiếng Campuchia có nghĩa là Ngọn đồi độc dược, một cách vô tình mà ý nghĩa cái tên này đã gắn liền với lịch sử diệt chủng của nó, còn Cánh đồng chết là dịch từ tiếng Anh The Killing Fieds, tên của một bộ phim nói về diệt chủng của Khmer Đỏ, được chiếu lần đầu vào năm 1984. Hai cái tên này có mối liên hệ chết chóc ma quái trong cỗ máy giết người lúc bấy giờ.
Vào năm 2006, tôi có dịp đi thăm lại khu di tích Choeung Ek. Làng xóm hai bên đường thanh bình trong màu xanh cây cỏ và tiếng chim gù một buổi trưa tĩnh lặng, mấy nhà sư mặc áo vàng ngồi nghỉ dưới bóng cây thốt nốt, vài con bò trắng gày dơ xương thong thả gậm cỏ, trẻ con cởi chuồng nô đùa thỏa thích như ở bất kỳ một vùng quê châu Á nào. Vậy mà tới Cánh đồng chết, tới cái chỗ phải mua vé vào cửa thì tôi rợn cả người. Bỗng nhiên thấy vắng kinh khủng, hoang lạnh chứ không chỉ là vắng vẻ bởi vì vẫn có lác đác du khách ra vào. Hàng ngàn chiếc đầu lâu xương sọ sắp thành hàng chật chội trên 15 ngăn trong một cái tháp tủ kính... Tự mình nhìn tận mắt cũng còn khó tin nổi giữa thế kỷ 20 văn minh là thế mà còn có những tội ác man rợ như vậy…
Còn nhà tù Toul Sleng vốn là một trường trung học nằm trong khu phố nhỏ Toul Svay Prey ở phía Nam Phnom Penh, bọn Pol Pot đã quây thép gai lại rồi biến các lớp học thành phòng giam nhỏ để tra tấn các tù nhân. Ngay những ngày đầu năm 1979 mới tới Pnom Penh, tôi đã đến thăm nhà tù này. Lính Pol Pot đã vội vã giết hại những tù nhân còn sót lại ngay trước lúc quân tình nguyện giải phóng khu vực này.
Thế là ba thập kỷ đã qua đi kể từ khi thế giới biết đến những "cánh đồng chết" ở Campuchia, thì mãi tới tháng 7/2006 một tòa án xét xử tội diệt chủng của Khmer Đỏ mới bắt đầu…
Tóm tắt câu chuyện về cuộc diệt chủng lần thứ ba trong thế kỷ 20 như vậy là để phần nào làm cái việc mà người Pháp gọi là le devoir de memoire, tức là nghĩa vụ nhắc lại lịch sử cho các thế hệ trẻ, nhưng chủ tâm của tôi là để có một bối cảnh nhìn cho rõ hơn hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam những năm 1979-1989 ở Campuchia.
Ở Phnom Penh có phố Samdach Sotheros gần Đài Độc lập, nổi tiếng là một phố du lịch đẹp. Từ những quán ăn sang trọng, nhìn sang bên kia đường đều có thể thấy Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, với hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng người lính Campuchia che chở cho người phụ nữ đang bồng đứa con nhỏ. Thần kỳ ở chỗ tuy những nét chạm khắc còn thô và chắc chắn không phải của nhà điêu khắc chuyên nghiệp, nhưng đã bộc lộ một ý chí dũng mãnh hòa quyện với tình cảm thân hữu trên nét mặt và ánh mắt những người lính. Họ đứng đấy sừng sững khắc tạc vào không gian và thời gian.
Mỗi lần đi ngang qua Tượng đài, tôi đều trào dâng niềm xúc động nhớ tới những người lính tình nguyện. Tôi thường ngắm nhìn những người dân đi dạo trong công viên, dưới chân Tượng đài. Họ bước những bước gấp gáp hay thong thả khác nhau, nhưng đều với một dáng điệu thanh bình. Những bông phượng nở sớm cũng đỏ một cách thanh bình. Cả bầu trời đầu hè Phnom Penh cũng trong vắt màu xanh bình yên.
Tôi từng có dịp về Tây Ninh dự lễ tiếp nhận, truy điệu và an táng hài cốt hơn 200 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia. Buổi lễ hôm ấy được làm ở Nghĩa trang huyện Tân Biên. Tôi tự hào, nhưng không phải không đau đớn, nhìn cảnh những người sống đón rước những người chết trở về, mỗi người chết được gói trong một bọc vải màu đỏ. Lúc ấy trong đầu tôi cứ tự nhiên bật ra những câu sau:
Ba mươi năm đón các anh về
Ba nén nhang
Một chén nước lã
Và một lá cờ đỏ
Bây giờ thì thôi lá cây ngọn cỏ
Hãy yên nghỉ đi
Rủ lên mộ anh cành hoa đại trắng
Trên cao nữa là trời xanh quê hương
Đất Mẹ ôm anh, ru các anh nằm…
Những ngày mới sang làm nhiệm vụ ở Campuchia, tôi luôn luôn cảm thấy có linh hồn những người lính tình nguyện trên những cành cây ngọn lá. Với tình cảm như thế, nhiều anh em đề nghị xây một cây hương trong khuôn viên Sứ quán, lấy chỗ thờ cúng hương khói cho linh hồn các anh. Sứ quán phải là Tổ quốc của những người đang sống và của cả những người đã hy sinh vì nghĩa lớn ở đây. Ngày 6/4/2005, cây hương hoàn thành./.