📞

Bộ Ngoại giao tri ân công lao cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám

Phạm Hiền 17:09 | 04/11/2024
Sáng ngày 4/11, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình dẫn đầu đoàn đại diện Bộ Ngoại giao tới viếng thăm và trò chuyện thân mật cùng gia đình cố Giáo sư, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình cùng đoàn đại diện viếng thăm gia đình cố Giáo sư, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám. (Ảnh: Phạm Hiền)

Tham gia đoàn viếng có ông Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Ngoại giao; ông Ngô Toàn Thắng, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao; ông Bùi Nguyên Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; ông Tô Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến Lược, Học viện Ngoại giao.

Trước anh linh cố Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, ông Phạm Thanh Bình cùng các thành viên trong đoàn bày tỏ lòng biết ơn, thành kính sâu sắc trước những đóng góp lớn lao của nhà lãnh đạo kiệt xuất cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển nền ngoại giao nước nhà.

Đón tiếp đoàn, ông Hoàng Vĩnh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia, con trai cố Giáo sư Hoàng Minh Giám, thay mặt gia đình cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Bộ Ngoại giao, đồng thời chia sẻ những kỷ niệm xúc động về cha mình, người từng là trợ lý tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại và là một trong những “tư lệnh” đáng kính của ngành Ngoại giao.

Gia đình cố Giáo sư Hoàng Minh Giám đón tiếp đoàn đại diện Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Phạm Hiền)

Cố Giáo sư, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám (1904-1995) là một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Chính phủ và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, trong đó có chức Bộ trưởng Ngoại giao giai đoạn 1947-1954, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Giáo sư Hoàng Minh Giám từng tham gia tổ chức và đọc dự thảo bản Hiệp định bằng tiếng Pháp trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Jean Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp ký năm 1946. Đây là bản điều ước quốc tế đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giúp Việt Nam tạm hòa hoãn với Pháp để quét sạch 200.000 quân Tưởng và bè lũ tay sai về nước, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến.

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao, ông Hoàng Minh Giám còn có nhiều đóng góp cho lĩnh vực văn hóa và giáo dục của đất nước. Ông từng đảm nhận các chức vụ như Bộ trưởng Bộ Văn hóa và là Ủy viên Ban thường trực Quốc hội khóa I. Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, ông đã đặt nền móng cho ngành Ngoại giao Việt Nam, đồng thời để lại di sản lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.