Các tàu chiến tại vịnh Bengal trong cuộc tập trận La Perouse diễn ra ngày 5/4. (Nguồn: Hải quân Pháp) |
Bộ tứ mở rộng và hơn thế nữa
Các tàu chiến của nhóm Bộ tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, sẽ cùng với Pháp tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tham gia cuộc tập trận hải quân chung mang tên La Perouse từ ngày 5-7/4 tại vịnh Bengal.
Đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa các quốc gia thuộc nhóm Bộ tứ sau khi các nhà lãnh đạo của nhóm này tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 3 vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên Ấn Độ tham gia cuộc tập trận La Perouse.
Trong tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, Đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ gọi cuộc tập trận La Perouse là "cuộc tập trận 5 quốc gia quy mô lớn" và kỳ vọng sẽ “tạo cơ hội cho lực lượng hải quân của 5 nước nâng cao các kỹ năng và thúc đẩy hợp tác hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Cuộc tập trận diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, các nỗ lực của nhóm Bộ tứ đóng vai trò quan trọng trong việc “chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong khu vực”.
Theo lời của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Bắc Kinh coi nhóm Bộ tứ giống như tổ chức chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của nước này - một “nguy cơ an ninh” và một “NATO tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mô tả, đây là một “bè phái độc quyền” được thành lập dựa trên tư tưởng chống Trung Quốc.
Trước đó, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận chung Malabar vào tháng 11/2020.
Việc có thêm Pháp - quốc gia dẫn đầu trong cuộc tập trận hải quân lần này, đã khiến sự kiện trở thành Bộ tứ mở rộng (Quad plus), tạo điều kiện cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các quốc gia.
Trước đó, cuộc tập trận La Perouse năm 2019 do Pháp dẫn đầu đã có sự tham gia của Australia, Nhật Bản và Mỹ, nhưng không có Ấn Độ.
Tiến sỹ Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore đánh giá: “Cuộc tập trận lần này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nếu các nước quyết định biến đây thành một sự kiện thường kỳ”.
“Nếu cuộc tập trận diễn ra tốt đẹp, đây có thể trở thành một tín hiệu đáng khích lệ cho các quốc gia không thuộc nhóm Bộ tứ xem xét các hoạt động hợp tác tương tự với nhóm này”, chuyên gia Lean Collin Koh nói thêm.
Chuyên gia Yogesh Joshi thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore nhận xét, cuộc tập trận Bộ tứ mở rộng sẽ gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc.
“Nếu tất cả các nước lớn đều chỉ trích hành vi của Trung Quốc hoặc liên kết với nhau để chống lại sự gây hấn của Trung Quốc, điều này chứng tỏ Bắc Kinh có thể đã hành động sai trái ngay từ đầu”, ông Yogesh Joshi nói.
Tăng cường sự hiện diện
Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày được cho là sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hiện diện của nhóm Bộ tứ trong khu vực, sau khi mỗi nước thành viên đã có ít nhất 1 cuộc tập trận song phương với 1 thành viên khác trong nhóm vào tháng 3 vừa qua.
Ngày 28 và 29/3 vừa qua, lực lượng không quân và hải quân Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận với các tàu chiến của hải quân Mỹ ở Vịnh Bengal.
Còn Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã tiến hành 2 cuộc tập trận song phương riêng rẽ, bao gồm tập trận với tàu chiến của hải quân Australia ở Biển Đông kéo dài từ ngày 29-31/3, và tập trận 1 ngày với tàu chiến của hải quân Mỹ ở Biển Hoa Đông vào ngày 29/3.
Cựu sỹ quan hải quân R.S Vasan của Ấn Độ, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Chennai (C3S) cho rằng, việc New Delhi lần đầu tiên có mặt tại cuộc tập trận La Perouse cho thấy nước này sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đa phương mà Trung Quốc e ngại.
Theo ông Vasan, kể từ khi xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra vào năm 2020, cách tiếp cận của New Dehli đã thay đổi.
“New Dehli cảm thấy thất vọng trước Bắc Kinh và không còn lo lắng về việc hành động của Ấn Độ sẽ bị nước láng giềng nhìn nhận ra sao.
Theo một cách nào đó, Trung Quốc đã khiến Ấn Độ tham gia một cách nhanh chóng vào các liên minh hơn”, ông Vasan nêu rõ.
Tờ South China Morning Post nhận định, thời gian của cuộc tập trận rất đáng lưu ý, diễn ra không lâu sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Austin sau đó đến New Dehli và khẳng định Ấn Độ “là đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ”, đồng thời cho biết 2 nước đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tìm kiếm các đối tác mới
Tiến sỹ Swee Lean Collin Koh cho rằng, cuộc tập trận La Perouse có thể được thực hiện với mục đích thuyết phục các quốc gia không thuộc nhóm Bộ tứ tham gia những cuộc tập trận chung tương tự.
Trong khi đó, học giả Yogesh Joshi cũng đồng ý với quan điểm nói trên và cho biết thêm, “một số nước ASEAN có thể điều chỉnh các chính sách an ninh đối với từng quốc gia thành viên thuộc nhóm Bộ tứ”.
Cuộc tập trận La Perouse được cho là sẽ tiết lộ chiến lược mà các cường quốc châu Âu đang xây dựng để duy trì hoạt động tích cực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi "lục địa già" đã và đang gặt hái được nhều lợi ích kinh tế.
Đức và Anh tuyên bố sẽ điều tàu chiến đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm nay, trong khi Pháp, Đức và Hà Lan đang dẫn đầu nỗ lực soạn thảo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu (EU).
Sau La Perouse, Pháp sẽ cùng Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương Varuna ở Biển Arab.