Các bác sĩ khuyến cáo, cần hạn chế khí dung, trừ khi có chỉ định của bác sỹ. (Nguồn: Zing) |
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 8/2, ông Tăng Quần (Zeng Qun), Phó cục trưởng Cục Dân chính TP Thượng Hải, cho biết các chuyên gia y tế và phòng ngừa dịch đã xác định virus corona chủng mới (2019-nCoV) có thể lây qua aerosol (nguyên văn tiếng Anh), theo hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc. Vậy aerosol là gì?
Theo Bộ Y tế, một số thông tin cho rằng aerosol là “bụi khí” nhưng theo các chuyên gia, aerosol là một phương pháp chữa bệnh, tên tiếng Việt là “khí dung”.
Cụ thể, “aerosol”, nguồn lây truyền mới mà các nhà khoa học Thượng Hải cảnh báo đặt trong bối cảnh này phải dịch là “khí dung”, chứ “bụi khí” là không chính xác và không có chuyện nó bay lung tung trong không khí thông thường vì khí dung chỉ dùng trong cơ sở y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, khí dung thực chất là một trong những thủ thuật điều trị của ngành y tế đó là sử dụng các dung dịch sau khi đã bốc hơi và đưa trực tiếp vào đường hô hấp của người bệnh.
Đây là biện pháp thường sử dụng cho các bệnh nhân bị hen suyễn hay những bệnh nhân bị co thắt phế quản chứ không phải virus corona chủng mới lây qua đường không khí.
GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết cần đặc biệt lưu ý, phòng lây nhiễm trước hết phải bằng mọi cách ngăn giọt bắn từ người bệnh, vì chỉ khoảng cách trên 2 mét là có thể lây.
Đến nay Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa kết luận con đường “lây truyền qua aerosol” có nằm trong số các con đường lây truyền 2019-nCoV. NHC cuối ngày 8/2 cho biết “lây truyền aerosol” vẫn chưa được xác nhận.
Về vấn đề dùng máy khí dung, theo phó giáo sư Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như chỉ một người dùng riêng một bầu khí dung thì không sao, nhưng 2 người dùng chung sẽ bị lây bệnh.
Trong trường hợp người bệnh nếu khí dung trong buồng bệnh có người mắc bệnh ở khoảng cách 2m trở lại thì sẽ lây bệnh vì virus từ hô hấp người bệnh sẽ ra theo con đường khí dung. Chính vì vậy sẽ bị lây cho người xung quanh.
Do vậy cần hạn chế khí dung, trừ khi có chỉ định của bác sỹ. Khi khí dung phải tuân thủ quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn.
WHO cảnh báo ăn tỏi không thể ngăn virus corona
Sáng 9/2, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát hành bộ poster mới nhất về các sai lầm trong biện pháp ngăn ngừa virus corona. Theo đó, một số người cho rằng ăn tỏi có thể ngăn virus, virus không tồn tại lâu tại các vùng khí hậu nóng, vaccine phòng bệnh viêm phổi có thể bảo vệ khỏi virus... “Tỏi là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và có đặc tính kháng khuẩn nhưng chưa có bằng chứng cho thấy ăn tỏi có thể bảo vệ khỏi virus corona. Dù bạn ở đâu và điều kiện thời tiết ra sao, quan trọng là bạn thực hiện các biện pháp phòng bệnh”- bộ poster này cho biết. |