📞

Bức tranh chân quê giản dị của danh họa Việt xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế

07:53 | 22/05/2021
Cuộc đấu giá "20th and 21st Century Art Evening Sale" do nhà đấu giá Christie Hong Kong (Trung Quốc) tiến hành vào tối ngày 24/5 sắp tới đang thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm hội họa tại Việt Nam, bởi có tới 4 tác phẩm của 3 danh họa Việt được rao bán.
Bức "Thợ nhuộm" của danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Trong đó, bức "Thợ nhuộm" của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) hiện có mức giá ước đoán do nhà đấu giá đưa ra dao động từ 2 tới 3 triệu USD Hong Kong (tương đương từ 257.000 USD tới 386.000 USD, hay từ 5,9 tới 8,9 tỷ đồng). Tác phẩm tranh lụa được thực hiện vào năm 1931, có kích thước 60.5 x 88 cm.

Bức họa đặc tả cảnh quần áo được đem ra nhuộm lại để chuẩn bị đón Tết. Một nét đời sống xưa cũ được khắc họa trong tranh. Đây là một tác phẩm giàu hoài niệm, những người phụ nữ trong tranh mặc áo nâu, quần đen, đội khăn đen, đi chân đất...

Khắc họa của Nguyễn Phan Chánh luôn chân thực, mộc mạc. Người phụ nữ trong tranh ông đối lập với những người phụ nữ quý phái, thanh cao xuất hiện trong tranh của hai họa sĩ cùng thời là Lê Phổ và Mai Trung Thứ.

Tác phẩm "Thợ nhuộm" của Nguyễn Phan Chánh mang những nét đặc trưng trong phong cách hội họa riêng, đồng thời là những ký ức, xúc cảm khó quên về một tuổi thơ nghèo khó mà ông từng trải qua.

Nguyễn Phan Chánh là một cá tính độc đáo trong thế hệ họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Đông Dương, nếu tìm về xuất thân, người xem sẽ hiểu được thêm rất nhiều về tác phẩm của ông.

Ở thời điểm tốt nghiệp, ông đã ở tuổi 38, nhiều tuổi hơn so với các họa sĩ cùng khóa như Lê Phổ hay Mai Trung Thứ (khi tốt nghiệp, hai họa sĩ này mới 23-24 tuổi). Nguyễn Phan Chánh sinh ra trong một làng quê nghèo ở Hà Tĩnh, tuổi thơ và những ký ức nghèo khó đưa lại cho ông cách nhìn nhận và tiếp cận khác khi bước vào thế giới hội họa.

Nguyễn Phan Chánh có cha là một nhà nho, ông từng được cha dạy học, nhưng năm Nguyễn Phan Chánh lên 7 tuổi, người cha qua đời, kể từ đó, Nguyễn Phan Chánh giúp mẹ kiếm thêm tiền cho sinh hoạt gia đình bằng cách ra chợ, ngồi vẽ tranh chân dung cho những ai có nhu cầu.

Sau này, Nguyễn Phan Chánh đi theo con đường học vấn, ông theo học ngành sư phạm rồi trở thành một giáo viên tiểu học. Đi dạy được vài năm thì Nguyễn Phan Chánh dự thi đầu vào của trường Mỹ thuật Đông Dương và thi đỗ.

Nguyễn Phan Chánh luôn theo đuổi vẻ đẹp của sự giản đơn trong hội họa, ông thích sử dụng nghệ thuật "chiaroscuro" (phối hợp màu sáng - tối) trong các tác phẩm của mình.

Bức "Thợ nhuộm" mang những nét đặc trưng cơ bản trong phong cách hội họa của Nguyễn Phan Chánh, nhưng trong tác phẩm, có một nét khác biệt độc đáo, đó chính là những dòng chữ thư pháp xuất hiện trong tranh.

Chủ đề của bức tranh xoay quanh những con người giản dị của cuộc sống đời thường, họ làm một công việc xưa cũ, đó là nhuộm lại quần áo cũ trước Tết, gương mặt của họ chỉ được khắc họa rất tiết chế.

Bức tranh khắc họa một nếp sống thôn quê, mộc mạc. Màu đen được sử dụng khá nhiều trong tranh, đó là màu khăn, màu quần, màu nước nhuộm bên trong chậu và một ít màu vương vãi ở bên ngoài.

Quần áo của những người phụ nữ thật giản dị, gần như giống hệt nhau. Sự dân dã còn thể hiện ở bàn chân trần, ở bối cảnh dung dị. Trong bức tranh có một sự hài hòa đầy bí ẩn về tổng thể.

Những dòng thư pháp xuất hiện trong tranh thể hiện nét tư duy thẩm mỹ của họa sĩ. Trong tranh có đề một bài thơ, đại ý nói về thời điểm cuối đông, đầu xuân, tiết trời và cảnh vật sắp đổi khác, đó cũng là lúc người ta chuẩn bị quần áo đón Tết.

Bức "Thợ khâu" của Nguyễn Phan Chánh.

Chỉ có rất ít tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh có đề thơ. Theo giới chuyên môn, chỉ có 3 bức tranh của ông được đề thơ, gồm bức "Thợ nhuộm" (1931), "Thợ khâu" (1930) và "Người bán ốc" (1929). 3 bức tranh này có nét tương đồng về đề tài và cách thức biểu đạt nên thường được xem là "bộ ba".

Qua phong cách hội họa của Nguyễn Phan Chánh có thể thấy quan niệm của ông về thế giới quanh mình, ông không coi những điều xưa cũ là lỗi thời, lạc hậu, thậm chí, ông không hề có ý định đi tìm những cái mới mẻ, hiện đại, hào nhoáng, bóng bẩy để đưa vào tranh mình.

Nguyễn Phan Chánh luôn tìm về quá khứ, tìm về với những gì chân quê, xưa cũ. Đối với ông, không gì thay thế được những hình ảnh thôn quê dung dị, mộc mạc ấy. Ông không đi tìm cái mới, cái xa hoa, mà chỉ một mực khắc họa đời sống dung dị trong tranh mình.

Bức họa này là một trong tác phẩm điển hình cho phong cách và quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Phan Chánh.

(theo Dân trí)