TIN LIÊN QUAN | |
Syria: 6 năm binh đao - vì sao nên nỗi? | |
Tân Tổng Thư ký LHQ: Phải đoàn kết để chấm dứt cuộc chiến Syria |
Khi lực lượng nổi dậy tấn công vào Aleppo mùa Hè năm 2012, họ hy vọng có thể thiết lập một thành trì ở miền Bắc Syria để cạnh tranh với chính quyền Damascus. Tuy nhiên, hy vọng này nhanh chóng bị dập tắt khi họ chỉ chiếm được một nửa Aleppo và chia thành phố này làm hai phần. Tình thế bế tắc này đã dẫn đến nhiều hậu quả ngày nay.
Bốn năm giằng co
Hiện hy vọng phá vỡ thế bế tắc của phiến quân đã chính thức tan thành mây khói. Hồi tháng 7 năm nay, các lực lượng trung thành với Chính phủ Syria đã cắt đứt con đường huyết mạch cuối cùng ở phía Đông thành phố và vây hãm lực lượng nổi dậy. Máy bay chiến đấu của Nga và Syria liên tục mở các cuộc không kích làm tê liệt nhiều cơ sở hạ tầng dân sự. Ngày 15/11, quân đội Syria đã phát động một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn nhằm quét sạch lực lượng nổi dậy ra khỏi Aleppo.
Cho đến nay, phiến quân đã để mất toàn bộ quyền kiểm soát Aleppo. Nga và Chính phủ Syria đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục ném bom Aleppo cho đến khi lực lượng nổi dậy rút lui. Đồng thời, Nga và Trung Quốc gần đây cũng đã một lần nữa phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về lệnh ngừng bắn cho Syria. Trong bối cảnh quân đội Syria chiếm được 99% diện tích thành phố và phiến quân chỉ bám trụ một vùng đất nhỏ bé với áp lực dồn xuống vô cùng nặng nề, sự thất bại của các tay súng nổi dậy ở Aleppo là điều tất yếu.
Mới đây, thủ lĩnh phe nổi dậy đã gặp các nhà ngoại giao Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về việc rút khỏi Aleppo. Với sự trung gian của Ankara và Moscow, ngày 13/12, phe nổi dậy và chính quyền Damascus đã đạt được thỏa thuận ngừng giao tranh.
Diễn biến nói trên được đánh giá là một bước đi tích cực của hai bên. Bởi lẽ, trong trường hợp lực lượng phiến quân và Chính quyền Damascus không sớm đạt được thỏa thuận hòa bình, số thường dân thiệt mạng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Sau 4 năm các bên chiến đấu để tranh giành Aleppo, giao tranh đã làm hàng ngàn người dân thiệt mạng và phá hủy phần lớn các công trình kiến trúc giá trị của thành phố cổ này. Hiện hàng trăm nhà hoạt động từ thiện, nhân viên cứu trợ và bác sĩ vẫn mắc kẹt cùng với khoảng 100.000 thường dân ở phía Đông thành phố. Với điều kiện sống xuống cấp nghiêm trọng, các bác sĩ cho biết họ chỉ có thể thực hiện sơ cứu cơ bản cho những người bị thương.
Hy vọng hòa bình
Thành phố cổ Aleppo là một trong những mặt trận quan trọng nhất của chiến trường Syria. Bên nào chiến thắng tại đây sẽ chiếm lợi thế rất lớn trên bàn đàm phán, tạo thêm sức ép lên đối thủ. Vì vậy, việc quân đội Chính phủ giải phóng thành phố Aleppo được cho là sẽ thay đổi đáng kể cục diện cuộc nội chiến ác liệt đã kéo dài gần 6 năm qua.
Giành lại Aleppo cũng đồng nghĩa với việc có được hành lang bảo đảm an toàn cho cả vùng duyên hải phía Tây – khu vực cát cứ của lực lượng trung thành với Tổng thống al-Assad. Từ Aleppo, quân đội Syria sẽ có lợi thế để mở các cuộc tấn công vào Raqqa - “thành trì đầu não” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, cuộc chiến “ủy nhiệm” của các cường quốc tại Syria đang đặt ra nhiều thách thức cho lộ trình hòa bình của quốc gia Trung Đông này. Sau nhiều cuộc trao đổi và đàm phán, Nga và Mỹ vẫn chưa thể đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề cơ bản. Trong khi Moscow khẳng định quyết tâm hỗ trợ chính quyền Damascus trong việc tiêu diệt IS, Washington và các đồng minh phương Tây lại cho rằng các chiến dịch quân sự của quân đội Syria chỉ gây thêm chia rẽ đất nước và tạo cơ hội cho IS hoành hành.
Mặc dù còn nhiều hoài nghi song sau thắng lợi lớn tại Aleppo, Syria đang đứng trước cơ hội hòa bình và thống nhất hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh các mặt trận lớn tại Syria dần im tiếng súng, đồng thời cục diện quan hệ quốc tế - đặc biệt là quan hệ giữa hai cường quốc Nga và Mỹ - được dự báo sẽ có những biến chuyển tích cực, người dân Syria có thể lạc quan về một tương lai tươi sáng hơn.
HĐBA LHQ bác bỏ hai dự thảo nghị quyết của Pháp và Nga về Syria Ngày 8/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần lượt tiến hành hai cuộc bỏ phiếu về hai dự thảo nghị ... |
Bước ngoặt mới trên bàn cờ Syria Viễn cảnh chấm dứt cuộc chiến khốc liệt ở Syria dường như xa vời hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng, chiến đấu cơ ... |
Những lý do đẩy cuộc chiến ở Syria vào thế bế tắc Dù có sự can thiệp của nhiều cường quốc và nhiều hội nghị hòa bình được tổ chức nhưng diễn biến của cuộc chiến ở ... |