📞

Các Đại sứ Bắc Âu 'bật mí' mô hình kinh doanh để phát triển bền vững

Vy Anh 15:27 | 24/03/2022
Chiều 23/3, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Đại sứ quán 4 nước Bắc Âu: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tổ chức Tọa đàm khoa học 'Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) – Mô hình kinh doanh để phát triển bền vững' dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán 4 nước Bắc Âu tổ chức Tọa đàm khoa học ESG. (Ảnh: PH)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng 4 Đại sứ các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đồng chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm thu hút các đại biểu đại diện cho các bộ, cơ quan Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nhiều chuyên gia đến từ Bắc Âu, gồm có khu vực công - tư, các nhà nghiên cứu, học giả, đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Mục đích của sự kiện là chia sẻ các thực tiễn và kinh nghiệm tốt của các nước Bắc Âu, đặc biệt là các cơ chế tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, người dân về ESG và điều này có ảnh hưởng tích cực như thế nào đến các xã hội Bắc Âu hiện tại.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Tọa đàm được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Bắc Âu 23/3. Đây là hoạt động thường niên lần thứ tư, được tổ chức từ năm 2018 đến nay, nằm trong sáng kiến của các nước Bắc Âu phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề thiết thực đối với Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, khu vực Bắc Âu gồm các nước thành viên Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển, là khu vực có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, nằm trên bán đảo Scandinavia, với sự phát triển thần kỳ về tăng trưởng kinh tế gắn với sự phát triển hài hòa về mặt xã hội, thu nhập bình quân đầu người cùng chỉ số hạnh phúc của người dân luôn ở chiếm vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng thế giới.

Một trong những yếu tố tạo nên thành công trong sự phát triển của các nước Bắc Âu đó là kiên trì theo đuổi mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội và hai yếu tố then chốt đó là tích lũy của cải xã hội trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và một nền văn hóa - đạo đức cao.

Trong một thông cáo chung tại Tọa đàm, các Đại sứ Bắc Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, Covid-19 cho thấy mọi người đều phải đối mặt với những đe dọa khi xao lãng sức khỏe cũng như hủy hoại môi trường sống. Không một ngành hay lĩnh vực nào có thể đứng ngoài bối cảnh chung mà không chịu tác động, cho dù đó là về khía cạnh môi trường, xã hội hay về cách thức điều hành của các doanh nghiệp.

Các Đại sứ cho rằng, về mặt tổng quan, ESG là việc xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình ra quyết định đầu tư. Cụm từ này thường được sử dụng thay thế cho đầu tư bền vững, đầu tư có trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Những nguyên tắc này cũng có thể áp dụng trong khu vực công của chính phủ do đóng góp quan trọng của khu vực này vào sự phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch Covid-19.

Theo các Đại sứ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao sẽ tìm kiếm các nền kinh tế đang phát triển chú trọng tuân thủ các nguyên tắc ESG. Hơn nữa, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, quyền và vai trò của người tiêu dùng ngày càng quan trọng và người tiêu dùng ngày nay yêu cầu khắt khe việc sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia coi trọng ESG.

Tuy ESG được phát triển dành cho khu vực tư nhân, cách tiếp cận này đề cập đến nhiều vấn đề sẽ được giải quyết hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác giữa các khu vực công, tư. Đảm bảo sử dụng bền vững năng lượng và tài nguyên, xây dựng các chính sách an sinh xã hội cũng như phòng chống tham nhũng là những nhiệm vụ mà các chủ thể nhà nước và tư nhân đều có vai trò thiết yếu.

Về bản chất, đây đều là những thách thức toàn cầu mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt, trong đó có Việt Nam. Đối với thị trường lao động, trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam năm 2021, các ngành sản xuất/xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ... tiếp tục chịu thách thức thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như bộc lộ những lỗ hổng kinh tế và xã hội đối với cả doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam củng cố hệ thống pháp luật thông qua luật lao động sửa đổi và cam kết phê chuẩn tất cả các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như triển khai các cam kết đầy tham vọng sau Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) tại Glasgow vào tháng 11/2021, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050 và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, cách tiếp cận ESG hứa hẹn sẽ đưa ra câu trả lời cho những thách thức chung cho cả khu vực công và tư nhân.