Khởi nguồn của Cải cách cơ cấu
Tuy nhiên, Chương trình Hành động Osaka năm 1995 cho thấy chỉ xóa bỏ rào cản như thuế quan và hạn ngạch là chưa đủ để đạt được các Mục tiêu Bogor. Nếu muốn thực sự đạt được thương mại và đầu tư tự do và mở hàng loạt những vấn đề đằng sau các rào cản trên cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, việc loại bỏ những rào cản này đòi hỏi các nền kinh tế APEC phải tập trung thực hiện quá trình “cải cách cơ cấu” từ bên trong.
Cải cách cơ cấu, vì vậy, là nói đến thay đổi những chính sách và các thể chế nội tại của các nền kinh tế đang cản trở quá trình hoạt động của thị trường và khả năng các doanh nghiệp và tiếp cận thị trường vận hành một cách hiệu quả. Những cản trở này có thể đến từ sự vận hành kém hiệu quả của hệ thống hành chính quốc nội, khuôn khổ cạnh tranh và các cơ cấu quản trị.
Ông Rory McLeod, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của APEC, phát biểu tại Hội thảo về “Đơn giản hóa thủ tục đăng ký và thành lập kinh doanh APEC” ngày 24/8/2017. |
Ở Santiago, Chile năm 2004, công việc Cải cách cơ cấu của APEC đã bước sang một giai đoạn mới khi Lãnh đạo APEC thông qua Chương trình nghị sự của các nhà Lãnh đạo về Thực hiện Cải cách cơ cấu (LAISR). Theo đó, LAISR sẽ chú trọng vào hồ sơ về cải cách cơ cấu cần thực hiện trong APEC và Ủy ban Kinh tế APEC được giao nhiệm vụ hoàn thành công việc này. Trong giai đoạn từ 2005 – 2010, các nhà lãnh đạo nhất trí rằng chương trình làm việc của Ủy ban cần bao gồm năm lĩnh vực, trong đó có cải cách hành chính, củng cố nền tảng kinh tế và luật pháp, quản trị doanh nghiệp, quản lý công và các chính sách cạnh tranh.
Lĩnh vực thứ sáu - “tạo thuận lợi trong kinh doanh” đã được đưa vào lịch trình làm việc của Ủy ban Kinh tế, với sự nhất trí về tiến hành Chương trình Tạo thuận lợi trong kinh doanh, trong giai đoạn 2009-2015. Tận dụng những tiêu chí được Ngân hàng Thế giới (WB) chọn lựa, chương trình này hướng đến việc cung cấp những công cụ cần thiết cho các nền kinh tế để xây dựng bộ quy chế đơn giản hơn cho các doanh nghiệp.
Kể từ khi LAISR được thành lập, trong chương trình Cải cách cơ cấu của APEC mà các nhà lãnh đạo đã thông qua, nhiệm vụ phát triển bao trùm luôn được nhấn mạnh. Chẳng hạn, khi thống nhất về LAISR năm 2004, các nhà Lãnh đạo APEC tuyên bố: “Lãnh đạo APEC thấy rõ cải cách cơ cấu sẽ tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường, cải thiện mức sống một cách bền vững và phát huy tiềm năng kinh tế của khu vực APEC, thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế và gia tăng khả năng cạnh tranh. Những điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu: đó là cung cấp một viễn cảnh và tiềm năng xuyên suốt cho nội lực lớn hơn, trong cách tiếp cận truyền thống cho đến chương trình phát triển kinh tế mở rộng của APEC.
Những nỗ lực nổi bật
Những trọng tâm về phát triển bao trùm đã bước sang một giai đoạn mới dưới một công cụ khác của APEC về cải cách cơ cấu, Chiến lược Mới cho Cải cách Cơ cấu APEC (ANSSR), từ giai đoạn 2011 – 2015. ANSSR tập trung vào năm lĩnh vực: Thứ nhất, các thị trường cởi mở hơn, hoạt động tốt, cạnh tranh và minh bạch hơn. Thứ hai, thị trường tài chính được điều chỉnh và vận hành hiệu quả hơn. Lĩnh vực thứ ba là cơ hội thị trường lao động, giáo dục và đào tạo. Thứ tư, phát triển bền vững của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cũng như cải thiện cơ hội cho phụ nữ và đối tượng dễ bị tổn thương. Cuối cùng, hệ thống phúc lợi xã hội hiệu quả và bền vững về mặt tài chính.
Năm 2013, Ban Hỗ trợ Chính sách APEC đã tiến hành đánh giá giữa kì về ANSSR. Báo cáo cho thấy việc thúc đẩy các thị trường mở cửa, hoạt động tốt, minh bạch và cạnh tranh hơn là hoạt động trọng tâm trong cải cách cơ cấu được 18/21 nền kinh tế áp dụng. Trong lĩnh vực cải cách này, chính sách cạnh tranh trong nhiều giai đoạn, từ việc xây dựng, áp dụng, mở rộng đến tăng cường những định chế sẵn có chính là những nỗ lực cải cách nổi bật nhất ở cả các nền kinh tế đã và đang phát triển.
Cải cách thường thấy thứ hai là việc xúc tiến các cơ hội thị trường lao động, cũng như giáo dục và đào tạo, với 16 nền kinh tế đang tiến hành xây dựng các chính sách liên quan. Ðáng chú ý, một số nền kinh tế hướng tới việc bảo đảm tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động, cũng như giúp nguồn nhân lực tiềm năng tìm kiếm công việc phù hợp.
Tiếp theo, cải thiện sự phát triển bền vững của SMEs và mở rộng cơ hội cho phụ nữ và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương cũng đã được 15 nền kinh tế chú trọng. Có thể nói, nhiều nền kinh tế nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của một khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động, hỗ trợ mạnh mẽ cho các mục tiêu kinh tế rộng hơn.
Các biện pháp cải cách thúc đẩy hệ thống phúc lợi xã hội hiệu quả và bền vững về mặt tài chính, cũng như thúc đẩy các thị trường tài chính là lĩnh vực ưu tiên thứ tư và thứ năm được các nền kinh tế quan tâm. (Cải cách Cơ cấu hướng tới Phát triển Bền vững và Bao trùm, Tóm tắt Chính sách số 13, Ban Hỗ trợ Chính sách APEC, tháng 9/2015).
Những liên kết được đặc biệt chú ý
Chương trình làm việc của APEC về cải cách cơ cấu hiện nay được biết đến với tên gọi Chương trình nghị sự APEC mới về cải cách cơ cấu (RAASR). RAASR được các nhà Lãnh đạo APEC tán thành sau cuộc gặp của các Bộ trưởng Cải cách Cơ cấu APEC tại Cebu, Philippines tháng 9/2015. Trong giai đoạn 2016 – 2020 của RAASR, các Bộ trưởng đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế APEC tập trung nhiều hơn nữa vào những liên kết giữa cải cách cơ cấu và phát triển bao trùm. Các Bộ trưởng Cải cách Cơ cấu nhận định: “Tỷ lệ nghèo tuyệt đối đã giảm, thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện tại khu vực APEC nhưng trong một số trường hợp, tăng trưởng kinh tế đã nới rộng khoảng cách giàu - nghèo.
Lợi ích đến từ tốc độ phát triển kinh tế nhanh đã không được chia sẻ đồng đều giữa các nền kinh tế, cũng như trong từng nền kinh tế APEC. Chúng tôi nhận thấy vẫn có những nhóm (ví dụ như phụ nữ, người lao động lớn tuổi và cộng đồng thiểu số), các công ty MSMEs và nhiều khu vực ít nhận được lợi ích từ tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa. Chúng tôi biết về lâu dài bất bình đẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển vì sáng kiến riêng lẻ nhất thời và nguồn lực bị kìm hãm trong các giải pháp năng suất thấp.
Chúng tôi nhất trí rằng cải cách cơ cấu, nếu được thực hiện một cách đúng đắn, có thể tăng cường sự hiện diện của những nhóm, doanh nghiệp và khu vực trước nay chưa được nói tới, bằng cách tạo ra nhiều cơ hội cho họ tham gia và hưởng lợi từ một nền kinh tế phát triển. Chúng tôi ủng hộ những chính sách hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư, mở rộng quyền tiếp cận sản phẩm, dịch vụ và thị trường lao động, tạo điều kiện cho việc liên kết tới chuỗi giá trị toàn cầu, và giúp các nền kinh tế vững vàng hơn trước những cú sốc kinh tế, qua đó thúc đẩy phát triển bao trùm”.
Với RAASR, Ủy ban Kinh tế đã có hai bản báo cáo quan trọng về chính sách, làm rõ mối liên kết giữa cải cách cơ cấu và phát triển bao trùm. Báo cáo đầu tiên đưa ra vào năm 2016 về Cải cách Cơ cấu và Dịch vụ. Báo cáo cho thấy sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ có tác động tích cực đến phát triển bao trùm, vì trong mảng dịch vụ, tỷ lệ phụ nữ và SMEs mất cân đối cao. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tại nhiều nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ vẫn còn nhỏ và khó phát triển dưới sự kiềm chế đến từ các rào cản cạnh tranh và thương mại. Nếu như lĩnh vực này muốn đóng góp cho phát triển kinh tế trong tương lai, những rào cản như vậy cần được gỡ bỏ bằng cải cách cơ cấu.
Báo cáo thứ hai về Cải cách cơ cấu và Nhân lực được công bố vào năm 2017. Nó cho thấy những chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp cần được xây dựng, nếu như phần lớn dân số của các nền kinh tế APEC muốn đóng góp vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những nền kinh tế đang phát triển, có thu nhập trung bình và nền kinh tế phát triển sẽ có những chiến lược khác nhau. Dẫu vậy, tất cả cần chú trọng đến tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của công nghệ số tới phát triển.
Bên cạnh đó, RAASR đòi hỏi việc xây dựng khuôn khổ chính sách về cách thức cải cách cơ cấu và phát triển bao trùm có thể hỗ trợ lẫn nhau. Ðiều này nhiều khả năng sẽ được tiếp đà bởi Chương trình Hành động về Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội mà Việt Nam đề xuất. Ðáng chú ý, Chương trình có tiềm năng định hình đáng kể lịch trình làm việc của APEC về cải cách cơ cấu, qua đó bảo đảm phần lớn dân số của APEC có thể hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Rory McLeod
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của APEC