Tuy nhiên, tự chủ đại học cũng có những 'cái vướng mắc', đó là Hiệu trưởng không muốn mất quyền, không muốn chuyển giao bớt quyền sang Hội đồng trường, vẫn muốn hiệu trưởng là to nhất.
Nội dung trên được đưa ra tại Hội thảo "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với một số trường đại học tổ chức ngày 27/11.
"Hồn cốt" của tự chủ đại học là chuyên môn
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến năm 2014, chúng ta mới bàn nhau có nhận thức rằng, "hồn cốt" của tự chủ đại học không phải là tự chủ tài chính mà là "tự chủ chuyên môn". Và muốn tự chủ chuyên môn được phải có tự chủ nhất định về tài chính và bộ máy nhân lực.
Từ đó, cơ quan chủ trì việc thí điểm tự chủ này chuyển từ Bộ Tài chính và trong Thường trực Chính phủ chuyển từ Phó Thủ tướng phụ trách tài chính sang Bộ Giáo dục - đào tạo và Phó Thủ tướng phụ trách về giáo dục. Đó là quá trình nhận thức mất 10 năm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Hiệu trưởng không muốn mất quyền, không muốn chuyển giao bớt quyền sang Hội đồng trường, vẫn muốn hiệu trưởng là to nhất. (Ảnh: TT) |
Theo Phó Thủ tướng, các dự án của Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, trong đó đầu tiên là trường Việt Đức, Việt Pháp, sau này là Việt Nhật. Trường Việt Đức được xây dựng không phải vì 200 triệu USD vay của WB hay Ngân hàng châu Á mà mục đích là xây dựng mô hình quản trị đại học theo hướng tự chủ.
Chính những mô hình đó cộng với mô hình trong nước, ví dụ trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Đại học Duy Tân… và sự nỗ lực của một số trường công lập như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM, ĐHQG HN & ĐHQG TP.HCM thì chúng ta mới hình thành nên nghị quyết của Chính phủ về tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Mặc dù nghị quyết mới được thực hiện nhưng ngay từ đầu chúng ta đã nói, con đường đi này là con đường một chiều - không có quay lại và rất nhanh, chúng ta đã lan tỏa trong cộng đồng các trường đại học, toàn xã hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội. Chúng ta đã có một Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Thực ra sửa đổi lớn nhất là để luật hóa tinh thần tự chủ đại học.
"Đến ngày hôm nay, đã là một bước tiến rất rất dài. Lúc bắt đầu thực hiện đổi mới giáo dục theo nghị quyết Trung ương năm 2014, chúng ta có nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về đại học và chỉ mong có 1 trường xếp trong top 1.000 của thế giới. Bây giờ, cả luật pháp, nhận thức, thực tiễn và chất lượng đại học có một bước tiến rất lớn. Ngày hôm nay, chúng ta không chỉ có 1 trường mà có nhiều trường được xếp hạng. Theo QS, năm vừa rồi chúng ta có thêm 3 trường được xếp hạng, ngoài các trường truyền thống từ trước đến nay. Đây là một bước tiến rất dài", Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, giáo dục đại học đã có một bước tiến rất dài và đúng hướng. Đây là điều vô cùng quan trọng. "Giáo dục đại học của chúng ta, từ trước đổi mới là đứng ngoài bảng xếp hạng (ngoài top 100) thì nay đứng khoảng 70. Giáo dục nghề nghiệp trước đây cũng không được xếp hạng thì nay đứng khoảng 90, tùy cách thức xếp hạng. Nghĩa là dù có bước dịch chuyển nhưng chúng ta không thể hài lòng được", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Vietnamnet) |
Hiệu trưởng vẫn không muốn mất quyền, vẫn muốn... to nhất
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, để triển khai tự chủ có hai việc quan trọng: Phải có Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật và tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, cũng có những "cái vướng mắc", đó là Hiệu trưởng không muốn mất quyền, không muốn chuyển giao bớt quyền sang Hội đồng trường, vẫn muốn hiệu trưởng là to nhất.
“Luật ra rồi mà vẫn có người hỏi hiệu trưởng to hay Hội đồng trường to? Nhiều người còn hỏi tôi nếu thế, hiệu trưởng không còn quyền gì à?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Về nhân sự, theo Phó Thủ tướng, có trường bàn tập thể, nếu thấy rằng nhận thêm người rất quan trọng, phải đưa ra bàn hội đồng thì đưa ra bàn, nhưng có trường nói không, tuyển dụng 50 người trở lên mới phải thông qua hội đồng trường, còn lại dưới thì giao cho Ban Giám hiệu… thì hoàn toàn do cơ chế, quy chế của các đồng chí. Luật và Nghị định hoàn toàn không cấm cái này.
Ngày xưa, Luật chưa cho tự chủ thì mới phải có điều lệ mẫu. Còn giờ Luật quy định rồi, giao quyền cho anh rồi. Cái chỗ này tôi cho rằng nhận thức của chính các trường".
Một vấn đề rất quan trọng nữa là phải có một bộ quy tắc ứng xử một cách đầy đủ, cực kỳ chi tiết về nhân sự, tiền lương... Bộ quy tắc này phải công khai để giáo viên, sinh viên, xã hội giám sát.
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ rất trân trọng tất cả các ý kiến góp ý. Công cuộc đổi mới rất dài hơi, phải liên tục và khi có ý kiến khác nhau, hãy cùng bày tỏ trên tinh thần cầu thị. Chính phủ sẽ chắt lọc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều chỉnh, trước hết về hành lang pháp lý, sau đó là về cơ chế chính sách và cuối cùng là khâu tổ chức kiểm tra thực hiện về pháp luật.
Hội đồng trường giống “hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hội đồng trường trong việc thực hiện tự chủ đại học.
TS. Mai Văn Tỉnh, nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GD&ĐT cho rằng, mặc dù đã quy định trong luật nhưng thực tế vai trò, nhiệm vụ của hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học, tự chủ vẫn chưa rõ ràng.
Ông Tỉnh ví von hội đồng trường giống như "hồn Trương Ba, da hàng thịt", đồng thời cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới lúng túng của các trường là do việc xây dựng luật chưa thực sự đứng trên góc độ của các trường.
Và nếu việc thực thi không mang tính thực chất, minh bạch, không ai đảm bảo hội đồng trường làm tốt yêu cầu giải trình xã hội. Bởi nếu hội đồng trường mà đa số thành viên là người của trường vẫn chỉ đứng về lợi ích của trường, không phải vì người học.
GS.TS. Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, với các trường có hội đồng trường được thành lập do một sức ép hành chính nào đó để đối phó, khi đó hội đồng trường chưa đủ mạnh, chưa có thực quyền, chỉ là một thiết chế hữu danh vô thực.
"Hội đồng trường đang thiếu "không gian" để hoạt động vì không được trao quyền lực thật sự. Nếu không giải quyết được khúc mắc này, hội đồng trường sẽ mãi chỉ mang tính biểu tượng thôi", ông Trần Đức Viên nói.
Cũng theo GS.TS. Trần Đức Viên, cho tới nay, hai lĩnh vực quyết định quan trọng nhất trong hoạt động của trường đại học là tài chính và nhân sự chủ chốt của trường đại học trực thuộc vẫn nằm trong tay bộ chủ quản.
Cụ thể, kinh phí hằng năm cho trường đại học do bộ chủ quản phân phối theo cơ chế cấp phát còn đậm chất xin - cho. "Trường đại học trên thực tế không có quyền tự quyết định thực sự đối với nhiều vấn đề thuộc về cơ sở giáo dục theo luật định. Như một quán tính có từ thời bao cấp, nếu cơ quan chủ quản vẫn "vô tư" can thiệp vào việc tác nghiệp thường ngày của nhà trường, điều đó sẽ hạn chế sự sáng tạo của cơ sở giáo dục, tạo ra sự ỷ lại vào cấp trên, sinh ra sự trì trệ của cả hệ thống", ông Viên cho hay.
Nhưng theo ông Viên, cũng có lý do khác từ chính các trường đại học khi đã được giao tự chủ mà không dám tự chủ, vẫn tâm lý chờ hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, chờ xin - cho. “Không nên và không thể trách cứ họ, vì không có bất cứ một văn bản nào hướng dẫn, đã là hiệu trưởng một trường tự chủ thì giống và khác gì, khác như thế nào”, ông Viên nói.
Còn về mặt pháp lý, trong quản lý và điều hành nhà trường, hiệu trưởng không thấy có bất cứ sự ràng buộc thực tế nào với hội đồng trường, có hội đồng trường hay không thì bản chất công việc vẫn thế, chỉ có “phát sinh” thêm một tổ chức mà họ phải báo cáo theo luật định.
“Theo các quy định hiện hành, quyền lực của hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam vẫn là ‘to nhất’ so với các nước trên thế giới. Thiết chế Hội đồng trường bị vô hiệu hóa ngay từ khi sinh ra", GS.TS. Trần Đức Viên khẳng định.
Đồng thời, theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khi quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục được nâng cao, nghĩa là phải tăng tính công khai, minh bạch, hiệu trưởng phải thực hiện trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường với hội đồng trường, đó là điều rất ít hiệu trưởng mong muốn.
| Xây dựng luật ở Quốc hội: Người soạn luật nên tránh nhân nhượng, chỉ chú ý 'sân quản lý' của mình TGVN. Vì sao một số luật mau cũ? Luật vừa ban hành xong có khi chưa dùng đã phải sửa hoặc vừa triển khai đã ... |
| Làm người thầy thời nay không dễ! TGVN. Với những áp lực đè nặng trên vai, làm người thầy thời nay không dễ, vì có thể ‘trồng người’ tốt nhưng cũng đầy ... |
| GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế TGVN. Tự hào vì nhiều thế hệ trong gia đình làm nghề dạy học, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, nghề giáo không giúp ... |