Giáo dục Việt Nam vẫn còn tư duy “nặng dạy chữ, nhẹ dạy người”. |
Ông Cảnh cho rằng, hệ thống giáo dục, đặc biệt từ mẫu giáo đến lớp 12 không thể tách rời khỏi các vấn đề xã hội đang diễn ra, bởi giáo dục là một phần của xã hội. Cùng với đó, nhiều đại biểu phản ánh thực trạng giáo dục Việt Nam vẫn “nặng dạy chữ, nhẹ dạy người”, lo ngại sẽ gây ra nhiều tác hại, lệch lạc cho chất lượng nguồn nhân lực tương lai.
Nặng dạy chữ...
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù có nhiều phong trào, khẩu hiệu liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhưng thực tế vẫn làm chưa tốt. “Tiêu biểu, có khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” mà để học sinh đội nắng chờ khai giảng; hát quốc ca nhưng lại bật nhạc có sẵn. Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, vẫn còn những hạn chế trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông. “Nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa tạo được nhiều xúc cảm thực sự chạm đến trái tim làm thay đổi thái độ người học, chưa chú trọng giáo dục thói quen, hành vi đạo đức, còn nặng về kiến thức hàn lâm. Nhiều bài học khô khan, chưa gắn với đời sống tuổi trẻ, tạo áp lực cho người học và người dạy”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Cùng với đó, Bộ trưởng GDĐT cũng bày tỏ lo ngại vẫn còn hiện tượng “khoán trắng” cho nhà trường. Đặc biệt, mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ.
Đề cao đạo đức và thái độ là nền tảng quan trọng, GS. Nguyễn Hữu Đức, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục nhận định, những yếu tố này thậm chí còn đóng vai trò là “mẹ thành công”. Hiện nay, nhiều công ty nước ngoài tuyển dụng không chỉ dựa vào năng lực mà còn về thái độ cũng như ý thức với nghề nghiệp.
Đề cập đến kỹ năng của học sinh, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nên trang bị cho các em “bộ lọc” tốt để “sàng” thông tin. “Con cháu chúng ta đang sống trong một không gian mạng rất mạnh. Không gian ấy có rất nhiều “rác” mà dù có “quét” cũng không thể hết. Do vậy, học sinh cần phải được trang bị kỹ năng và có “bộ lọc” để sàng thông tin. Dạy đạo đức cũng là dạy những kỹ năng cơ bản để sống trong cuộc sống thực và không gian mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Đồng quan điểm, TS. Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, những tác động bên ngoài nhà trường đến giáo dục đạo đức, lối sống. Lấy ví dụ trên internet, sách tiếng Việt chiếm đến một nửa là ngôn tình, 1/3 là kiếm hiệp, trong khi sách về khoa học kĩ thuật, đạo đức rất ít. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội đầy rẫy những thông tin khích lệ sự hưởng thụ vật chất, xa hoa, những hành vi lệch chuẩn nhưng không được ngăn chặn.
Không thể “đóng khung” trong trường học
Đưa ra giải pháp, bà Nguyễn Thị Nhiếp, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới GD&ĐT cho rằng, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phải gắn và tương đồng với thi cử. Đặc biệt, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh bắt đầu từ những người làm thầy.
“Chúng ta sẽ không thể có học trò đạo đức, lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn cho đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống chính là việc thầy cần trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày”, bà Nhiếp nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm, ông Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống không thể giải quyết được nếu “đóng khung” trong trường học. Đồng thời, không nên và không thể dồn hết trách nhiệm cho các trường.
“Kinh nghiệm một số nước họ thưởng điểm tín nhiệm cho các hành vi tốt dưới dạng các tín chỉ. Các tín chỉ này có thể được chuyển đổi thành các tín chỉ học tập ở bậc học cao hơn, hoặc thành những phần thưởng có ý nghĩa. Tuy nhiên, không nên đi theo hướng có điểm trừng phạt”, ông Thanh khẳng định.
Cũng đề cập đến vấn đề này, theo GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cần trở về với chữ Thiện. Ở cấp tiểu học, trẻ chỉ cần đọc thông viết thạo và nắm được những điều cơ bản. Điều quan trọng nhất lúc này là rèn cho trẻ cái đức. Nhưng khi bắt tay vào làm, người lớn lại vô tình “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ, tham nhồi nhét bằng lý thuyết.
“Muốn rèn Đức đầu tiên dạy cái Thiện, thứ hai là không được Tham, thứ ba là phải có Trách nhiệm. Nếu không giải quyết được ba vấn đề trên, sẽ chẳng thể cho ra kết quả tốt”, GS. Phạm Tất Dong đưa ra ý kiến.
Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo phổ thông mới cho rằng, việc giáo dục đạo đức, lối sống không phải chỉ có trong môn đạo đức mà cần tích hợp trong tất cả các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Theo đó, cùng với các nội dung giáo dục, nhà trường cần có chế tài nghiêm khắc với giáo viên, học sinh có hành vi vi phạm đạo đức lối sống, tăng các giải pháp kết hợp giáo dục gia đình với nhà trường. “Sẽ khó giáo dục trẻ khi người lớn không làm gương, người lớn vẫn làm sai trước mặt con trẻ”, GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.