GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, các bạn trẻ nên có kỹ năng về tuân thủ luật bản quyền, liêm chính học thuật khi sử dụng Trí tuệ nhân tạo AI. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh với Báo Thế giới & Việt Nam xung quanh câu chuyện tác động của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc dạy và học.
GS. TS. Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, sức ảnh hưởng của AI rất nhanh và sâu rộng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Các em bị hấp dẫn bởi những tiện lợi mà AI mang lại, cụ thể các em hỏi nhanh thì AI đáp nhanh. Như vậy, rõ ràng chúng ta không thể ngăn cấm học sinh, sinh viên phải tránh xa mà phải khuyến khích các em sử dụng đúng cách, an toàn nhất, tránh phụ thuộc quá mức vào AI.
AI đang ngày càng tác động mạnh mẽ trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Dưới góc nhìn của ông, những thách thức lớn nhất khi Việt Nam muốn ứng dụng AI vào giáo dục là gì? Để khắc phục những thách thức này, chúng ta cần những giải pháp nào?
Việc ứng dụng AI vào giáo dục đem lại lợi ích nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức. Ngành giáo dục cũng nhận ra nguy cơ liên quan đến vi phạm bản quyền, rò rỉ thông tin cá nhân và đạo văn khi sử dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh với khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh hoặc các phương tiện truyền thông khác dựa trên các gợi ý.
Trong bối cảnh AI phát triển từng ngày, từng giờ thì việc xây dựng các văn bản pháp quy và cập nhật văn bản sao cho đáp ứng sự phát triển của AI là một câu hỏi lớn. Cũng như các quốc gia khác, họ vẫn đang đi tìm một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề này, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tháng 7/2023, Bộ Giáo dục Mỹ và Văn phòng Công nghệ Giáo dục cũng đã công bố hướng dẫn Trí tuệ nhân tạo và Tương lai của Dạy và Học, đưa ra các khuyến nghị cả từ thực tế và dựa trên chính sách. Theo đó, các cơ sở giáo dục không nên coi AI là sự thay thế cho giáo viên, giảng viên mà nên khai thác nó như một sự bổ sung và các công cụ có sẵn cho họ. Việc ứng dụng AI trong giáo dục phải được triển khai trên cơ sở hiểu rõ các đặc điểm của công nghệ cũng như các cơ hội, hạn chế và các vấn đề đạo đức liên quan.
Tháng 7/2023, Nhật Bản công bố hướng dẫn mới về việc sử dụng AI trong trường phổ thông và trường đại học, nhằm thúc đẩy một môi trường an toàn và hiệu quả để sử dụng AI trong giáo dục. Hướng dẫn này do Bộ Giáo dục ban hành sẽ tiếp tục được cập nhật một cách linh hoạt dựa trên kinh nghiệm và thực tiễn. Theo đó, người học phải hiểu đầy đủ các đặc điểm của AI trước khi sử dụng; và việc biến báo các báo cáo, bài luận hoặc các văn bản khác do AI tạo ra thành của mình được coi là hành vi không phù hợp.
Tháng 4/2023, nhóm Russell - hiệp hội của 24 trường đại học nghiên cứu công lập tại Vương quốc Anh cũng đã công bố bộ nguyên tắc nhằm giúp các trường đại học “tận dụng cơ hội mà những đột phá công nghệ mang lại cho việc dạy và học”. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên, tăng cường hiểu biết cho sinh viên và giảng viên về AI. Theo Nhóm Russell, điều quan trọng là tất cả sinh viên và giảng viên phải hiểu các cơ hội, hạn chế và các vấn đề đạo đức liên quan đến việc sử dụng các công cụ AI.
Những vấn đề này bao gồm cân nhắc về quyền riêng tư, dữ liệu và sở hữu trí tuệ; khả năng thiên vị tiềm ẩn khi AI sao chép những thành kiến và khuôn mẫu của con người; không chính xác và diễn giải sai, vì AI có thể dựa trên thông tin không chính xác, không liên quan và lỗi thời; thiếu quy tắc đạo đức trong các công cụ AI; đạo văn khi AI sao chép thông tin do người khác phát triển; sự bóc lột trong các quy trình xây dựng công cụ AI.
Nguyên tắc thứ hai, trang bị cho giảng viên kỹ năng hỗ trợ sinh viên sử dụng các công cụ AI tạo sinh một cách hiệu quả và phù hợp trong quá trình học tập của họ. Bộ nguyên tắc lưu ý, việc sử dụng các công cụ AI có thể khác nhau giữa các ngành học thuật, do đó các trường đại học cần khuyến khích các khoa áp dụng các chính sách toàn trường trong bối cảnh của riêng họ.
Nguyên tắc thứ ba, sử dụng AI có đạo đức và công bằng. Các trường đại học sẽ điều chỉnh việc giảng dạy và đánh giá để bao gồm việc sử dụng AI có đạo đức và hỗ trợ tiếp cận AI bình đẳng. Trong tương lai, có thể có các công nghệ và công cụ AI mới nằm sau các hạn chế và tường phí. Các trường đại học phải bảo đảm rằng sinh viên và giảng viên được tiếp cận công bằng với các công cụ và tài nguyên AI mà họ cần cho việc dạy và học.
Nguyên tắc thứ tư, các trường đại học cần duy trì sự cẩn trọng và liêm chính trong học thuật. Về mặt này, hướng dẫn giúp sinh viên và giảng viên hiểu những tình huống không phù hợp để sử dụng AI và hỗ trợ họ sử dụng các công cụ AI một cách chính xác. Hướng dẫn lưu ý, tính liêm chính trong học thuật và việc sử dụng AI có đạo đức cũng có thể được đẩy mạnh bằng cách tạo ra môi trường cho sinh viên thoải mái đặt câu hỏi về việc sử dụng AI và những thách thức của nó. Nguyên tắc thứ năm, các trường đại học hợp tác, chia sẻ những thực hành tốt khi các công nghệ AI và ứng dụng của nó trong giáo dục phát triển.
Bên cạnh đó, thách thức và văn bản pháp quy thì về cơ sở hạ tầng mạng máy tính/Internet và nguồn nhân lực cũng là những khó khăn Việt Nam đang đối diện. Để khắc phục được những vấn đề này, cần có định hướng, chiến lược và kế hoạch để tăng cường cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực cao để có thể khai thác tối đa những lợi ích mà AI mang lại. Công cuộc chuyển đổi số đã được Nhà nước đề ra, đã được khởi động thì cần phải thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Việc ứng dụng AI trong giáo dục đặt ra những vấn đề gì và làm thế nào để đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách công bằng và có trách nhiệm?
Sử dụng AI trong giáo dục mang lại nhiều thuận lợi, hỗ trợ cho quá trình dạy học và quản lý nhà trường nếu biết khai thác đúng cách. Mặt trái của việc lạm dụng AI có thể kể đến như tạo ra cảm giác lười biếng, ỷ lại, mất dần khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề. Từ đó, dẫn đến những rủi ro về mặt tri thức của cả thế hệ tương lai đất nước.
Để đảm bảo AI được sử dụng công bằng và có trách nhiệm, cần nghiên cứu ban hành sớm các văn bản hướng dẫn sử dụng các công cụ này một cách an toàn, hiệu quả. Cùng với đó, phải tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của toàn dân, toàn ngành giáo dục trong việc duy trì sự cẩn trọng khi sử dụng AI và liêm chính trong học thuật.
Nên khuyến khích học sinh sử dụng đúng cách, an toàn nhất là văn minh và hiệu quả, tránh phụ thuộc quá mức vào AI. (Nguồn: Internet) |
Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục để thúc đẩy ứng dụng AI trong giáo dục tại Việt Nam?
Để thúc đẩy ứng dụng AI trong giáo dục tại Việt Nam, thì cần phải có những định hướng, mục tiêu, chiến lược thật rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục và phải có lộ trình phù hợp với đặc thù riêng của nước mình.
Khác với các quốc gia áp dụng AI nhiều trong các hoạt động trực tuyến, cá nhân hóa người học trên hệ thống e-Learning, ở nước ta hình thức học tập truyền thống tại trường, đến lớp, tương tác trực tiếp giữa thầy trò vẫn đang chiếm tỷ lệ rất cao. Thời lượng học online đang dần được tăng cường nhưng mới chỉ áp dụng được ở bậc đại học trở lên với thời lượng từ 30% - 50%. Hiện nay, học sinh phổ thông vẫn học trực tiếp là chủ yếu, vì thế nên khai thác, ứng dụng AI vào các hoạt động dạy học trực tiếp tại lớp, tăng cường các công cụ hỗ trợ hoạt động dạy và học.
Sau đó, tăng cường tập huấn nhằm trang bị thêm cho giáo viên/học sinh các kỹ năng sử dụng AI để tổ chức các hoạt động khác như hỗ trợ chuẩn bị bài, biên soạn học liệu, thực hiện các dự án, nghiên cứu tìm kiếm tri thức. Bên cạnh đó, với hoạt động quản lý nhà trường cần tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng cho Ban giám hiệu khai thác AI trong việc quản lý giáo dục, phát triển chuyên môn, giám sát chất lượng giảng dạy, quản lý nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất.
Có một vấn đề được đặt ra là, hiện nay có không ít học sinh, sinh viên đang quá lệ thuộc vào AI?
Sức ảnh hưởng của AI rất nhanh và sâu rộng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Các em bị hấp dẫn bởi những tiện lợi mà AI mang lại, cụ thể các em hỏi nhanh thì AI đáp nhanh. Như vậy, rõ ràng chúng ta không thể ngăn cấm học sinh, sinh viên phải tránh xa mà phải khuyến khích các em sử dụng đúng cách, an toàn nhất, tránh phụ thuộc quá mức vào AI.
So với thời trước chưa có AI, mỗi khi gặp một bài văn khó, một bài toán khó thì các em sẽ tìm sách để đọc, nhờ thầy cô, cha mẹ, bạn bè hỗ trợ. Giờ đây các em chỉ cần có AI là xong. Tuy nhiên, các em có thể sẽ bị hạn chế trong việc đánh giá thẩm định những nội dung mà AI cung cấp là đúng/sai, chính xác/chưa chính xác vì các em chưa đủ trình độ, kinh nghiệm. Từ đó, một yêu cầu đặt ra là, hướng dẫn học sinh/sinh viên kỹ năng cần thiết để sử dụng AI hiệu quả.
Đầu tiên, kỹ năng đối sánh giữa nhiều công cụ AI. Sử dụng những công cụ AI phổ biến, đáng tin cậy và dùng mỗi lần ít nhất 3 công cụ để so sánh kết quả của 3 công cụ đó. Ví dụ, ChatGPT, Gemini và Copilot đối sánh, chọn lựa những ý trùng nhau sẽ an toàn và hiệu quả.
Trước bất cứ một vấn đề gì, hãy tập hỏi bản thân trước rồi hãy hỏi AI sau. Điều này có nghĩa, các em nên rèn luyện một thói quen động não, suy nghĩ tự tìm đáp án cho một vấn đề gặp phải bằng tư duy của bản thân trước. Khi đó, nếu có thể giải đáp vấn đề rồi, thì dùng AI để kiểm chứng lại lần nữa, so sánh đối chiếu cũng giúp tăng cường sự cẩn thận, hình thành tư duy phản biện. Nếu không thể giải được, thì dùng AI hỗ trợ để tìm kiếm tri thức và nhớ nguyên tắc nên dùng ít nhất 3 công cụ AI để đối chiếu. Sau cùng, nếu vẫn chưa thật sự yên tâm với đáp án thì tìm thêm sự trợ giúp từ thầy cô.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ nên có kỹ năng về việc tuân thủ luật bản quyền, vấn đề liêm chính học thuật. Khi làm việc với AI, hãy đưa ra yêu cầu để AI cung cấp về bản quyền/nguồn thông tin lấy từ đâu. Khi đó, các em hãy kiểm tra thẩm định lại nguồn đó về độ chính xác của thông tin và về bản quyền của thông tin.
Đồng thời, các em hãy tuân thủ hướng dẫn của trường mình đang học về vấn đề được sử dụng AI đến mức độ nào. Ví dụ, tìm hiểu bài, soạn bài, giải bài tập, làm luận văn. Từ đó, tuân thủ đúng quy định để tránh ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân. Tránh lạm dụng AI quá mức sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khác không mong muốn.
Điều cần nhấn mạnh là chúng ta hãy tập làm chủ công nghệ, làm chủ AI trong khả năng cao nhất của mình nhằm đạt mục tiêu phát triển chứ không để lệ thuộc, đó là phương cách cần đầu tư và nỗ lực.
| Đại học chỉ là một trong nhiều con đường... Cho dù học đại học vẫn là con đường cơ bản nhất, đem đến nhiều cơ hội nhất cho học sinh nhưng điều đó không ... |
| Các thí sinh nên liệu sức mình khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, tránh việc "xôi hỏng bỏng không". |
| Để trẻ sử dụng công nghệ thông minh, không bị lạc vào 'hố đen' thế giới ảo Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, Internet mang lại rất nhiều lợi ích nhưng cũng có những nguy cơ không nhỏ ... |
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và 'di sản niềm tin' Một trong những dấu ấn sâu đậm nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là thái độ kiên quyết chống tham nhũng, ... |