Theo các chuyên gia, tình hình trên thực địa biên giới Ấn-Trung rất nguy hiểm và có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. (Nguồn: AP) |
Căng thẳng leo thang, đàm phán chưa hiệu quả
Trong suốt 45 năm qua, một loạt thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bằng văn bản hoặc phi văn bản, được duy trì như một lệnh ngừng bắn dọc theo đường biên giới ở rìa phía Đông của khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya. Tuy nhiên, những xung đột và động thái của hai bên trong một vài tháng qua đã khiến cho tình hình trở nên không thể dự đoán được, làm gia tăng rủi ro xảy ra tính toán sai lầm từ cả hai phía và có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, vượt ra khỏi phạm vi khu vực hẻo lánh này.
Trung tướng D.S.Hooda, người đứng đầu Bộ Chỉ huy phía Bắc của quân đội Ấn Độ giai đoạn 2014-2016, nói: "Tình hình trên thực địa rất nguy hiểm và có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tất cả phụ thuộc vào việc liệu hai bên có thể kiểm soát tình hình rất dễ biến động này và đảm bảo rằng nó không lan sang các khu vực khác hay không?".
Hai cường quốc châu Á đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, chủ yếu là giữa các chỉ huy quân sự, nhưng chưa thành công. Trong một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán hiện đang chuyển dần sang cấp chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã gặp nhau tại thủ đô của Nga hôm 4/9 nhằm chấm dứt tình thế bế tắc hiện nay. Đây là cuộc gặp trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi căng thẳng biên giới bùng phát ở khu vực Ladakh cách đây 4 tháng.
Theo đài TNHK, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Ngụy Phụng Hòa của Trung Quốc, bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moscow hôm 4/9, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra thông cáo có đoạn: “Cả hai nước nhất trí không bên nào nên thực hiện thêm bất kì hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới”.
Còn trong một bản tin về cuộc gặp được đăng trên website chính thức, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết ông Ngụy Phụng Hòa nói rằng hai bên nên thúc đẩy hòa bình, ổn định và nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng hiện thời. Tuy nhiên, ông Ngụy Phụng Hòa cũng cho rằng “Ấn Độ hoàn toàn chịu trách nhiệm” về những căng thẳng gần đây, đồng thời nói thêm là Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia của mình. Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ tăng cường kiểm soát các lực lượng tiền tuyến, kiềm chế các hành động khiêu khích và “tránh cố tình thổi phồng và lan truyền thông tin tiêu cực”.
Tuần trước, hai nước đã cáo buộc lẫn nhau vì có những hành động khiêu khích mới, bao gồm cáo buộc các binh sỹ hai bên xâm phạm lãnh thổ của nhau. Ấn Độ nói rằng binh sỹ của họ đã hai lần ngăn chặn những động thái "khiêu khích" của quân đội Trung Quốc. Ngược lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ vượt qua đường kiểm soát đã được thiết lập và có hành động khiêu khích dọc theo đường biên giới.
Điều không mong muốn có thể xảy ra
Căng thẳng Ấn-Trung nổ ra từ đầu tháng 5 với một cuộc cãi vã ầm ĩ giữa binh lính của hai nước. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào tháng 6, khi hai bên dùng dùi cui, ném đá và dùng nắm đấm để ẩu đả khiến 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Trung Quốc không công bố số thương vong.
Theo Trung tướng Hooda, mặc dù không bên nào mong muốn xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực, song "tai họa thực sự" là sự đổ vỡ của những thỏa thuận và nghị định thư hiện thời.
Wang Lian, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng không chắc sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh công khai bởi cả hai bên đều thể hiện sự kiềm chế trong những xung đột gần đây. Tuy nhiên, New Delhi đang chịu sức ép từ tâm lý chống Trung Quốc ở trong nước và đang được khích lệ bởi những biện pháp chống Bắc Kinh cứng rắn hơn của Mỹ.
Giáo sư Wang Lian nói: "Tôi không cho rằng Ấn Độ sẽ tiến xa tới mức tham gia vào một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn hơn, nhưng tôi tin là cả hai bên đang có một số động thái chuẩn bị cho khả năng đó".
Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.500 km chưa được phân định và còn tranh chấp, được biết đến với tên gọi Đường kiểm soát thực tế (LAC), kéo dài từ vùng Ladakh ở phía Bắc tới bang Sikkim của Ấn Độ.
Hai nước từng xảy ra chiến tranh biên giới năm 1962, tràn sang cả vùng Ladakh và chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn mong manh. Kể từ đó, quân đội hai bên đã tiến hành tuần tra và canh gác khu vực biên giới chưa được phân định này, theo các thỏa thuận được hai nước nhất trí, bao gồm việc không bắn súng vào nhau.
Các thành viên của cộng đồng nghiên cứu chiến lược Ấn Độ, bao gồm các nhà phân tích quốc phòng và các tướng đã nghỉ hưu, nói rằng quân đội Trung Quốc đang mở ra các mặt trận mới, làm sâu sắc thêm sự nghi kỵ và trì hoãn việc rút quân ngay lập tức trước mùa Đông, khi nhiệt độ tại khu vực biên giới có thể giảm xuống âm 50 độ C. Họ cũng lập luận rằng phí tổn để tiếp tục triển khai quân trong suốt mùa Đông sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế Ấn Độ vốn đã đang lao đao vì dịch Covid-19.