Trung Quốc đã cáo buộc Anh thông đồng với Washington để “đánh” Huawei và “phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc”. (Nguồn: Getty Images) |
Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại
Trong ngày 19/7, Anh và Trung Quốc lại tiếp tục chỉ trích lẫn nhau, trong đó Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngoài việc đe dọa hủy bỏ các thỏa thuận dẫn độ với đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), còn cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương thuộc phía Tây Trung Quốc.
Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh cảnh báo, Trung Quốc sẽ đưa ra “một sự đáp trả cương quyết” đối với bất cứ động thái nào của Anh nhằm trừng phạt các quan chức liên quan đến các cáo buộc lạm dụng nhân quyền.
Việc hai bên “lời qua tiếng lại” là tín hiệu mới nhất thể hiện sự căng thẳng ngày càng gia tăng. Trước đó, việc Anh quyết định cấm Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia cung cấp trang thiết bị cho hệ thống di động siêu nhanh 5G của Anh đã khiến mâu thuẫn song phương trở nên gay gắt hơn.
Trước đó, một phát ngôn viên của Chính phủ Trung Quốc cũng đã cáo buộc Anh thông đồng với Washington để “đánh” Huawei và “phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc”.
Có thể nói, động thái mới của Anh khi quyết định cấm tập đoàn Huawei tham gia hệ thống 5G tại quốc gia này, được nhận định sẽ là một "đòn" giáng mạnh vào “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Anh-Trung Quốc.
Tờ Global Times mới đây cũng đăng bài nhấn mạnh các hành động vừa qua của Anh đã làm suy yếu mối quan hệ Anh-Trung Quốc, đồng thời thách thức các lợi ích kinh tế, an ninh và phát triển của Trung Quốc.
Sự ủng hộ ngầm từ Washington
Bài viết đăng trên tờ Global Times cũng nhận định rằng các hành động của London dường như đang tuân theo các chính sách ngoại giao của Mỹ, đi ngược lại xu hướng hợp tác giữa Trung Quốc và Anh.
Tờ Global Times dẫn nguồn một bài xã luận đăng trên tờ Finalcial Times cho rằng những căng thẳng gần đây trong quan hệ Anh-Trung Quốc khiến người ta thắc mắc về mức độ can thiệp của Mỹ vào chính sách ngoại giao hiện nay của Anh.
Bề ngoài, Anh là đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Kể từ khi hai nước ký Hiến chương Đại Tây Dương trong Thế chiến II, Mỹ và Anh vẫn luôn duy trì một mối quan hệ đặc biệt.
Các mối quan hệ lịch sử, văn hóa và quân sự sâu sắc giữa hai nước chứng tỏ họ có những quan điểm và hành động nhất quán hơn trong hầu hết các vấn đề so với bất cứ mối quan hệ đồng minh nào khác.
Robert O’Brien, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, đã đến châu Âu vào ngày 13/7 trong một chuyến công du kéo dài 3 ngày để gặp gỡ những người đồng cấp Anh, Pháp, Mỹ và Italy. Nhiệm vụ chính của ông là tập hợp được thêm các nước châu Âu để thiết lập một mặt trận đoàn kết phương Tây chống lại Trung Quốc.
Trong bối cảnh chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ đang tiếp diễn, Anh, 1 trong 5 Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một thành viên của liên minh tình báo Five Eyes, và là một thành phần nòng cốt của NATO, đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ.
Điều này đặc biệt đúng trong vấn đề Huawei.
Do Mỹ coi vấn đề Huawei là một quân bài chiến lược để đối phó với Trung Quốc, họ chắc chắn không để cho công ty Trung Quốc làm ăn dễ dàng tại Anh. Trước và sau khi Anh quyết định cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G của mình, Mỹ đã nhiều lần thúc ép Anh loại Huawei ra khỏi thị trường của Anh.
Theo bài viết, việc Anh có ủng hộ Mỹ trong các vấn đề như Huawei hay không có những ngụ ý chiến lược. Nhìn từ quan điểm rộng hơn, Mỹ nhận thức rõ rằng chính sách của Anh với Trung Quốc là một chỉ dấu cho các nước châu Âu khác. Nếu Anh cưỡng lại được sức ép từ Mỹ thì các nước châu Âu khác khả năng sẽ áp dụng một chính sách Trung Quốc độc lập hơn.
Tác giả bài viết cho rằng, ngành ngoại giao Anh nên được dựa trên nền tảng tầm nhìn của nước này để đưa quốc gia châu Âu trở thành một bên trung dung giữa các siêu cường, đồng thời nhận định Anh sẽ phải trả giá đắt nếu đi theo một sự hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ do Mỹ dẫn đầu, và giao lưu nhân dân giữa Anh và Trung Quốc cũng sẽ bị tổn hại nặng nề.