Xuất phát từ ga Dorasan (Hàn Quốc), đoàn tàu dài 12 toa chở vật liệu xây dựng được trang hoàng rực rỡ này đã vượt qua khu phi quân sự được kiểm soát chặt chẽ tới ga Panmun ở thành phố Kaesong (CHDCND Triều Tiên) rồi trở về Hàn Quốc ngay trong chiều cùng ngày. Mặc dù chỉ dài 16,5km, song tuyến đường sắt qua biên giới này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của khu công nghiệp Kaesong vốn được coi là điểm sáng đầy ấn tượng trong chính sách Ánh dương của Hàn Quốc tăng cường hợp tác và hiện đang có 64 công ty của Hàn Quốc với 21.600 công nhân Triều Tiên hoạt động tại khu công nghiệp nằm sát biên giới này. Theo thỏa thuận song phương, các chuyến tàu chở hàng khứ hồi sẽ hoạt động tất cả các ngày làm việc trong tuần để vận chuyển nguyên vật liệu tới Kaesong và mang hàng hóa xuất khẩu từ khu công nghiệp này về Hàn Quốc. Lee Chul, quan chức phụ trách ngành đường sắt Hàn Quốc, còn nghĩ đến viễn cảnh đoàn vận động viên hai miền sẽ cùng nhau đi trên chuyến tàu liên vận để tới tham dự Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Theo ông Lee, bước khởi đầu là tàu chở hàng, tiến tới sẽ có tàu khách và tàu liên lục địa nối bán đảo Triều Tiên với châu Á và châu Âu. Các quan chức Hàn Quốc cho biết mục tiêu dài hạn của tuyến đường sắt này là vận tải hành khách và họ hy vọng rằng sự giao lưu qua lại giữa người dân hai miền sẽ thúc đẩy nhanh chóng tiến trình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Rõ ràng, nền kinh tế hai miền Triều Tiên sẽ hưởng lợi rất nhiều từ quyết định khôi phục tuyến đường sắt liên vận này. Các nhà sản xuất và xuất khẩu Hàn Quốc sẽ giảm đáng kể chi phí nếu họ có thể vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc, Nga và châu Âu bằng tuyến đường sắt xuyên qua Triều Tiên. Tổng thống Roo Moo-hyun đã rất đúng khi gọi sự kiện này là bước đột phá cả về chính trị và kinh tế trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình thống nhất hai miền. Chưa kể nó còn giúp đảng của ông ghi điểm trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.
Chưa bao giờ hy vọng về hòa bình và thống nhất lại mạnh mẽ như thời điểm hiện nay. Một năm sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, quan hệ giữa nước này và Mỹ đã được cải thiện đáng kể mà động thái gần đây nhất là lá thư của Tổng thống Bush gửi ông Kim Jong-Il - lá thư đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo. Mỹ cũng mời các quan chức Triều Tiên tới dự một hội thảo về tài chính, trong khi Dàn nhạc giao hưởng New York sẽ có buổi biểu diễn ở Bình Nhưỡng vào tháng 2/2008. Mặc dù xuất phát từ những lợi ích và tính toán khác nhau, song rõ ràng các động thái tích cực kể trên thể hiện một xu thế tất yếu trên bán đảo Triều Tiên, đó là hòa bình, hợp tác, cùng phát triển và hướng tới mục tiêu thống nhất hai miền. Tính tất yếu bắt nguồn từ nguyện vọng thiết tha và cháy bỏng suốt mấy chục năm qua của người dân hai miền, của cả dân tộc Triều Tiên. Không còn là những hàng hóa, nguyên vật liệu đơn thuần, chuyến tàu vừa qua đã chở những ước vọng về hòa bình và thống nhất của người Triều Tiên, như cánh én báo mùa Xuân tới trên bán đảo vốn bị chia cắt kéo dài này.Lê Phương