Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang cam go và quyết liệt trên toàn cầu. (Nguồn: Getty Images) |
Tính đến tối 4/4, cơ quan y tế Pháp xác nhận 7.560 trường hợp tử vong vì bệnh Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, trong đó 5.532 ca tử vong trong bệnh viện và 2.028 ca tử vong tại các viện dưỡng lão.
Hiện Pháp có 68.605 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm, tăng 4.267 ca trong 24 giờ qua. Trong số 28.143 người phải nhập viện, 6.838 người trong tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt. Đến nay, 15.438 người đã khỏi bệnh và xuất viện.
Tổng cục trưởng Tổng cục y tế Pháp Jérôme Salomon cho rằng nước này đang ở đầu giai đoạn có thể đánh giá được tác động của lệnh hạn chế đi lại. Ông nhấn mạnh rằng có thể một ngày nào đó sẽ “đề nghị tất cả mọi người đeo khẩu trang, nhưng chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn đó”. Vấn đề này đang được thảo luận với các chuyên gia, hội đồng khoa học và các nhà virus học.
Ông cũng khẳng định rằng khẩu trang thay thế bằng vải, hiện đang được các công ty dệt may và thời trang của Pháp gấp rút sản xuất, có thể là “một bổ sung” nhưng nhất định không được tạo ra “cảm giác an toàn giả” trong dư luận khiến cho người dân buông lơi các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác như rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 4/4 thông báo ghi nhận thêm 4.805 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 124.632 trường hợp. Số ca tử vong là 15.362 trường hợp (tăng 681 ca), số ca hồi phục tăng lên 20.996 ca (tăng 1.238 ca).
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borrelli cho biết, trong số các ca nhiễm bệnh hiện tại có 29.010 ca nhập viện, 3.994 ca phải điều trị tích cực (giảm 74 ca so với hôm 3/4), và đây cũng là lần đầu tiên nước này ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Pierpaolo Sileri cho rằng dịch Covid-19 có thể sẽ suy giảm sau lễ Phục sinh, tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo người dân phải quen với việc sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội và sống chung với virus cho tới khi có vaccine.
Hãng tin Reuters ngày 4/4 đưa tin, Nga sẽ điều 11 máy bay quân sự chở theo thiết bị y tế tới Serbia để giúp nước này chống sự bùng phát của dịch Covid-19.
Nguồn tin dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Serbia, ông Alexanderar Vucic kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin viện trợ nhân đạo cho Serbia, nơi đã ghi nhận 1.476 trường hợp mắc Covid-19 và 39 ca tử vong.
Chợ hải sản Vũ Hán, Trung Quốc có thể không phải ổ dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới? TGVN. “Đâu là nơi đầu tiên làm lây lan virus SARS-CoV-2 sang người?”, đây là một trong rất nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời ... |
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 4/4 cho biết, tổng số ca tử vong do bệnh Covid-19 ở nước này đã đạt đỉnh 500 người, trong khi số ca nhiễm đã gần tới 24.000 người. Hầu hết các ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận ở thành phố Istanbul.
Ngày 4/4, Bộ Y tế Ecuador cho biết nước này đã ghi nhận thêm 7 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 172 người, trong đó 122 người là công dân sinh sống tại tỉnh Guayas.
Trong khi đó, số ca dương tính được xác định đến thời điểm hiện tại là 3.465 người, trong đó 2.666 người đang được cách ly tại nhà với tình trạng sức khỏe ổn định và 527 người đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Ngoài ra, cơ quan y tế Ecuador cũng ghi nhận 146 trường hợp khác tử vong với các triệu chứng liên quan tới viêm đường hô hấp cấp và có thể là đã mắc Covid-19 song chưa được xác nhận chính thức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4 đã cảnh báo rằng "tuần cam go nhất" của nước Mỹ sắp đến, và dự báo "sẽ có nhiều ca tử vong" do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu trong cuộc họp báo của lực lương đặc nhiệm chuyên trách phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cam kết sẽ cung cấp cho các điểm nóng của dịch bệnh trên khắp nước Mỹ các vật tư y tế cần thiết nhằm đối phó với đại dịch, đồng thời lưu ý rằng chính phủ liên bang đã lập các bệnh viện dã chiến mới tại một số bang và hiện đã sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân bị lây nhiễm tại một bệnh viện dã chiến ở New York.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, "tuần cam go nhất" của nước Mỹ sắp đến. (Nguồn: CNN) |
"Chúng tôi sẽ vận dụng mọi biện pháp để bảo vệ những công dân Mỹ tuyệt vời của chúng tôi", ông nói.
Số liệu do Trung tâm Hệ thống Khoa học và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học John Hopkins cập nhật lúc 18h30 GMT (1h30 giờ Việt Nam ngày 5/4) cho thấy, tổng số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở Mỹ đã vượt mốc 8.000 người.
New York là bang có số người tử vong cao nhất ở Mỹ, với 3.565 ca. Trong số các bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 ở Mỹ còn có New Jersey với 846 người chết và Michigan với 479 người chết.
Thống đốc bang Arizona Doug Ducey ngày 4/4 cho biết bang này đã đạt được một thỏa thuận với công ty Honeywell để sản xuất 6 triệu khẩu trang N95 trong năm 2021. Thỏa thuận nói trên đạt được trong bối cảnh các bang tại Mỹ đang nỗ lực duy trì khả năng đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện và trung tâm y tế về các trang bị bảo hộ cá nhân thiết yếu nhằm đối phó sự bùng phát của dịch bệnh.
Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ ngày 4/4 cho biết, hầu hết số người nhiễm Covid-19 ở nước này là dưới 60 tuổi.
Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ, khoảng 42% số ca dương tính với SARS-CoV-2 được báo cáo ở Ấn Độ thuộc độ tuổi 21-40, tiếp theo là nhóm tuổi 41-60 chiếm gần 33%, nhóm tuổi trên 60 chiếm 17% và còn lại thuộc nhóm tuổi 0-20 tuổi.
Tin liên quan |
Đại dịch Covid-19: Ấn Độ đã thực thi lệnh phong tỏa với 1,3 tỷ dân như thế nào? |
Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã ghi nhận 3.082 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 86 ca tử vong. Tuy nhiên, theo số liệu mà trang The Hindu tổng hợp từ các bang thì các con số này lần lượt là 3.588 và 103.
Chính phủ Ấn Độ đã tái khẳng định rằng tất cả mọi người phải thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa để phá vỡ chuỗi lây nhiễm của virus. Một bước đi sai của một cá nhân có thể làm hỏng tất cả những nỗ lực phòng ngừa.
Sự xuất hiện của các điểm nóng virus trên khắp đất nước đang là một nguyên nhân gây lo ngại cho Chính phủ Ấn Độ. Khu vực Nizamuddin của Delhi đã chứng kiến một đợt bùng phát quy mô lớn của SARS-CoV-2. Trong tổng số hơn 3.000 ca nhiễm trên cả nước, 1.023 ca liên quan đến địa điểm tôn giáo của tổ chức Tablighi Jamaat tại Nizamuddin. Đến nay Chính phủ đã xác định được 22.000 thành viên của Tablighi Jamaat và những người tiếp xúc với họ ở 17 bang. Tất cả những người này đều đã bị cách ly.
Trong khi đó, Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) cho biết đến nay đã xét nghiệm cho khoảng 75.000 người và Bộ Y tế nước này đã mở rộng quy mô xét nghiệm lên 10.000 xét nghiệm/ngày, so với con số 5.000-6.000 hồi đầu tuần.
Ngày 4/4, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của Bộ Y tế cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 85 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 ở Ai Cập lên thành 1.070 người, trong đó có 71 trường hợp tử vong sau khi có thêm 5 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 4/4.
Trước đó, Quốc hội Ai Cập cho biết đang theo sát tình hình dịch Covid-19 ở nước này cũng như các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ đã và đang triển khai cho đến nay nhằm khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.
Chủ tịch Quốc hội Ali Abdel-Aal đã chỉ thị cho chủ nhiệm các ủy ban thuộc Quốc hội hạn chế tối đa việc tổ chức các cuộc họp. Đây được coi là một trong những biện phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, Quốc hội Ai Cập cũng kêu gọi toàn thể người dân nước này thể hiện tinh thần trách nhiệm và tuân thủ nghiêm túc tất cả các khuyến cáo và hướng dẫn về y tế và phòng chống dịch bệnh như thực hiện giãn cách xã hội và ở trong nhà để hạn chế lây lan SARS-CoV-2.
Ngày 4/4, Algeria đã ghi nhận thêm 80 ca mắc Covid-19,nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này lên 1.251 người và 130 ca tử vong, tăng 25 ca so với trước đó một ngày.
Theo Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch Covid-19, dịch Covid-19 đã lây lan ra 43/48 tỉnh/thành phố tại quốc gia này. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua có giảm hơn 50% so với một ngày trước đó (185 ca), thế nhưng số ca tử vong lại cao hơn 3 người.
Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria xếp thứ 2 ở châu Phi về tổng số người mắc Covid-19, chỉ sau Nam Phi, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục, với tỷ lệ trên 10% (130 ca tử vong/1.251 người mắc bệnh). 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất tại châu Phi theo thứ tự gồm Nam Phi, Algeria, Ai Cập, Morocco và Tunisia.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu lục (ACDC) - cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh châu Phi (AU) - cho biết khoảng 44 quốc gia thành viên AU đã ban bố lệnh cấm tụ tập đông người, cũng như đóng cửa các địa điểm công cộng để ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Khoảng 12 nước cũng đã thực hiện giới nghiêm hoàn toàn nhằm hạn chế sự di chuyển không cần thiết trên toàn quốc. Trong khi đó, 17 nước mới chỉ áp dụng lệnh giới nghiêm một phần (vào ban đêm).
Ngày 4/4, Bệnh viện Pok Oi ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố một ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không rõ nguồn lây từ bệnh viện.
Nam bệnh nhân 93 tuổi, hôm 10/3 do bị đột quỵ nên đã được đưa đến điều trị tại khoa nội và lão khoa của bệnh viện Pok Oi, và đến ngày 1/4 thì được xuất viện. Ngày 3/4 do bị sốt và nôn nên bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Pok Oi. Do khi nhập viện bệnh nhân có triệu chứng nhiễm khuẩn ở phổi nên đã được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện Tuen Mun trong tình trạng nghiêm trọng.
Do bệnh nhân nằm viện trong hầu hết thời gian ủ bệnh nên bệnh viện Pok Oi đang cùng với Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hong Kong tiến hành theo dõi ca bệnh này và truy tìm nguồn lây nhiễm.
Tính đến thời điểm này Hong Kong có thêm 17 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó có 10 ca từ nước ngoài về, nâng tổng số ca được xác nhận mắc bệnh ở đặc khu này lên 863 người.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, tính đến 6h sáng ngày 5/4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc mới. Tổng số ca mắc ở Việt Nam là 240 trường hợp (149 từ nước ngoài chiếm 62,1%; 91 người lây nhiễm thứ phát, trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa). |
Cập nhật 7h ngày 4/4: Ghi nhận số ca nhiễm mới toàn cầu cao nhất trong 24 giờ, hơn 100.000 người mắc Covid-19 New York cầu cứu TGVN. Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và 2 phương tiện vận chuyển quốc tế ... |
Cập nhật 7h ngày 3/4: Hơn 1 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, số tử vong tại Pháp tăng vọt, WHO cảnh báo dịch đối với trẻ em TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 7h ngày 3/4 (theo giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm ... |
Cập nhật 7h ngày 2/4: Hơn 935.000 ca nhiễm trên toàn cầu, Mỹ tăng hơn 22.000 ca, số ca tử vong ở Pháp tăng cao kỷ lục, Italy gia hạn phong tỏa TGVN. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 2/4 (giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 935.189 trường hợp mắc bệnh viêm đường ... |