📞

Cập nhật Covid-19 ngày 1/10: Ấn Độ có thể ‘qua mặt’ Mỹ, Brazil mua 46 triệu liều vaccine của Trung Quốc

Thế Việt 11:00 | 01/10/2020
TGVN. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 10h30 ngày 1/10, toàn thế giới ghi nhận gần 34.156.587 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.018.789 ca tử vong; 25.427.160 người bình phục. Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 7,5 triệu ca mắc, 211.713 ca tử vong.

Mỹ Latinh là khu vực khó kiểm soát Covid-19 nhất thế giới

Sau gần 7 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ Latinh, khu vực này chiếm tới 33,8% số ca tử vong và 27% số ca mắc trên toàn cầu.

Đây là kết luận được đưa ra trong cuộc họp lần thứ 58 của Hội đồng quản trị Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) - nhánh châu lục của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó tổng kết Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 338.000 ca tử vong và 9,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

PAHO cảnh báo trong số 10 quốc gia có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới, đã có 5 nước Mỹ Latinh, gồm Brazil đứng thứ 3 (4,7 triệu ca), Colombia thứ 5 (hơn 818.000), Peru thứ 6 (805.000 ca), Mexico thứ 8 (733.000 ca) và Argentina thứ 9 (723.000 ca).

Trong 5 quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới, khu vực này cũng đóng góp 2 “đại diện” là Brazil thứ 2 (142.000) và Mexico thứ 4 (76.000), vượt trên cả các nước từng bùng phát dịch trước và có lúc đứng hàng đầu danh sách như Anh, Italy, Pháp và Tây Ban Nha.

Giám đốc PAHO Carissa Etiene kêu gọi các nước trong châu lục đề cao tinh thần đoàn kết, phối hợp trong nhiệm vụ đấu tranh chống dịch Covid-19, đồng thời thích nghi, đổi mới và tái định hướng hoạt động y tế công cộng của mình trong bối cảnh mới.

Hội nghị cũng bầu ra Brazil, Suriname và Cuba vào Ủy ban điều hành của tổ chức châu lục này theo nhiệm kỳ 3 năm.

Cũng theo thống kê, tính tới hết tháng 9, dịch bệnh Covid-19 đã khiến 34 triệu người trong khu vực này mất việc làm, trong đó lao động nữ và trẻ tuổi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất trong lịch sử này sẽ làm trầm trọng hơn nữa tình trạng bất bình đẳng vốn đã ảnh hưởng tới hầu hết các nước trong khu vực.

Ấn Độ có khả năng vượt Mỹ

Sau Mỹ, nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới là Ấn Độ với hơn 6,3 triệu ca mắc Covid-19, 98.708 ca tử vong. Với số ca mắc mới liên tục duy trì ở mức 80.000-90.000 mỗi ngày, dự đoán số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Nam Á có thể vượt Mỹ trong những ngày tới.

Iran Iraq cũng là những điểm nóng trong khu vực châu Á, với số ca mắc mới trong 24 giờ qua lần lượt là 3.582 ca và 4.691 ca, nâng tổng số ca mắc tại Iran lên 457.219 ca, trong đó có 26.169 ca tử vong; và Iraq với 362.981 ca mắc, 9.181 ca tử vong.

Dịch căng thẳng tại châu Âu

Tại châu Âu, Nga có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất, với 1.176.286 ca trong đó 20.722 ca tử vong, gần 8.500 ca mắc mới trong 24 giờ qua.

PhápTây Ban Nha có số ca mắc mới Covid-19 cao nhất châu lục trong ngày qua, lần lượt là 12.845 và 11.016 ca. Theo đó, tổng số ca mắc tại Tây Ban Nha tăng lên 769.188 với 31.791 ca tử vong và Pháp là 563.535 ca mắc với 31.956 ca tử vong.

Tại Czech, số ca mắc tăng cao đột biến khiến nước này quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực từ 0h ngày 5/10 (theo giờ địa phương) và sẽ kéo dài trong 30 ngày. Ngoài lệnh trên, một số biện pháp hạn chế mới để ứng phó với Covid-19 cũng được triển khai.

Số ca mắc mới gia tăng tại Anh cũng khiến Thủ tướng Boris Johnson đưa ra cảnh báo có thể áp đặt thêm các biện pháp để kiềm chế đại dịch Covid-19 lây lan nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Israel cảnh báo nguy cơ kéo dài 1 năm lệnh phong tỏa

Trong cuộc họp tối 30/9 với các bộ trưởng trong Nội các, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng "chiến lược lối thoát của chúng ta (nhằm dỡ bỏ phong tỏa) lần này sẽ triển khai chậm rãi và có thể phải mất nửa năm tới một năm".

Thời gian qua, chính phủ Israel bị phản đối do dỡ bỏ các quy định hạn chế quá nhanh chóng sau lệnh phong tỏa lần thứ nhất hồi tháng 3-4, cũng như việc chậm chạp trong việc tái áp đặt các quy định khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng cao trong tháng 7.

Tình hình dịch Covid-19 tại Israel hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, với hàng nghìn bệnh nhân mới mỗi ngày. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Israel đã có 243.895 ca mắc, với 1.552 trường hợp tử vong, 174.232 người đã bình phục.

Brazil mua 46 triệu liều vaccine của Trung Quốc

Ngày 30/9, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil ký một hợp đồng mua 46 triệu liều vaccine ngừa bệnh Covid-19 trị giá 90 triệu USD của phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc và dự kiến bắt đầu chương trình tiêm chủng cho người dân từ ngày 15/12.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria cho biết, hợp đồng trên bao gồm cả kế hoạch chuyển giao công nghệ cho Viện nghiên cứu Butatan của Brazil, đơn vị đang phối hợp với đối tác Trung Quốc trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Brazil.

Được biết, số vaccine trên tương đương với dân số của Sao Paolo, song phía Trung Quốc cũng đã nhất trí sẽ cung cấp thêm khoảng 14 triệu liều vào tháng 2/2021.

Dự kiến, trong giai đoạn đầu, tất cả những người làm trong ngành y của bang Sao Paolo sẽ được tiêm loại vaccine ngừa Covid-19 và Sao Paolo sẽ trở thành một trong những địa điểm đầu tiên trên thế giới tiêm loại vaccine này cho người dân.

Trong khi đó, Giám đốc Viện Butatan Dimas Covas thông báo hiện đã có 7.000 tình nguyện viên được tiêm vaccine của phòng thí nghiệm Sinovac trong tổng số 13.000 tình nguyện viên được lựa chọn cho giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng dự kiến kết thúc vào giữa tháng 10 tới.

Liên quan tình hình vaccine ngừa Covid-19, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 30/9 kêu gọi các nước đóng góp ngay 15 tỷ USD cho quỹ chung toàn cầu nhằm đảm bảo việc mua và phân phối vaccine ngừa Covid-19.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, những khoản đóng góp này hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo mua, sản xuất và dự trữ vaccine, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và giúp các nước tối ưu hóa lợi ích của vaccine khi những sản phẩm này được đưa ra thị trường.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết nước này đã cam kết đóng góp 250 triệu Bảng (320 triệu USD). Thụy Điển cam kết đóng góp 10 triệu USD và Canada thông báo đóng góp khoảng 440 triệu USD.

Cùng phát biểu tại phiên họp, tỷ phú Bill Gates tuyên bố quỹ của ông đã ký thỏa thuận với 16 công ty công nghệ sinh học nhằm đảm bảo mở rộng quyền tiếp cận vaccine, chẩn đoán và trị liệu cho người dân.

(tổng hợp)