Nhật Bản và Trung Quốc vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/2022, trong bối cảnh tình hình thế giới nói chung và quan hệ song phương nói riêng tiếp tục có nhiều biến động phức tạp. (Nguồn: VCG) |
Đã có thời, giới chức Tokyo từng lo ngại rằng Washington đã quá thờ ơ trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Cách đây một thập kỷ, khi các tàu Trung Quốc và Nhật Bản đụng độ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, lãnh đạo Mỹ vẫn theo đuổi chính sách đối thoại. Một cựu Đại sứ Nhật Bản từng nói: “Khi đó, chúng tôi đã cảnh báo Mỹ”.
Khi gió xoay chiều
Giờ đây, cục diện đã thay đổi hoàn toàn. Các chính trị gia của Mỹ đang “đua nhau” xem ai có thái độ gay gắt hơn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản rõ ràng không lấy đó làm vui mừng. Trong phỏng vấn với The Economist ngày 20/4, khi được hỏi về kế hoạch của Nhật Bản đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Thủ tướng Kishida Fumio chỉ khẳng định rằng Tokyo đang củng cố khả năng phòng thủ của mình, đồng thời nhấn mạnh “điều chúng ta cần ưu tiên hàng đầu là ngoại giao chủ động”.
Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại quê nhà Hiroshima tháng tới, ông tái khẳng định rằng Nhật Bản muốn xây dựng mối quan hệ “mang tính xây dựng và ổn định” với Trung Quốc. Cụm từ này từng xuất hiện trong phát biểu của nhà lãnh đạo này tại Washington hồi tháng Giêng. Ông cũng nhấn mạnh Nhật Bản sẽ “làm điều cần phải làm”, “khuyến khích hành động có trách nhiệm”, duy trì các cuộc đối thoại về nhiều vấn đề khác nhau và hợp tác trước thách thức chung.
Trên thực tế, nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản tin rằng đối đầu Mỹ-Trung đang “nóng” hơn cần thiết. Tokyo thường xuyên kêu gọi các bên tích cực đối thoại hơn với Bắc Kinh. Hoạt động ngoại giao Trung-Nhật đã âm thầm nối lại từ cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Kishida Fumio và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 17/11/2022, bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan.
Hơn ba tháng sau, các quan chức ngoại giao và quốc phòng hai nước đã gặp nhau. Lực lượng vũ trang hai bên cũng thiết lập đường dây nóng. Ngày 2/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Bắc Kinh sau 3 năm.
Quốc hội Nhật Bản cũng cho thấy sự kiềm chế nhất định. Cuối tháng Tư, Hiệp hội Hữu nghị nghị sĩ Nhật Bản-Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Nikai Toshihiro làm Chủ tịch. Chính trị gia lão làng từng đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) là người có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/11/2022. (Nguồn: Reuters) |
Thận trọng là then chốt
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nhật Bản bớt cảnh giác với Trung Quốc. Ông Kishida liên tục kêu gọi giữ “hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan” và khẳng định Nhật Bản không sẵn sàng chấp nhận “những thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực”, ám chỉ phản đối những động thái gần đây của Bắc Kinh đối với Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài ra, kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới là cách chính quyền Nhật Bản cho thấy rằng xứ sở mặt trời mọc sẽ không dễ dàng bị đe dọa.
Ở chiều ngược lại, phạm vi của thách thức từ Bắc Kinh khiến Tokyo thận trọng hơn bao giờ hết. Trong trường hợp một xung đột nổ ra tại eo biển Đài Loan, đó chỉ là câu chuyện cách nửa vòng trái đất với xứ cờ hoa. Tuy nhiên, với người dân Nhật Bản, thứ mà họ tìm kiếm sẽ là những hầm trú ẩn gần nhất. Đó là lý do tại sao các quan chức nước này, khác với những “cái đầu nóng” ở Điện Capitol, lại muốn kiểm soát chặt chẽ căng thẳng tại eo biển Đài Loan và quan hệ Mỹ-Trung nói chung.
Thông điệp của Tokyo đang dần được lắng nghe. Với nỗ lực của nước chủ nhà, Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng G7 ngày 16-18/4 vừa qua tại Nagano đã kêu gọi các nước trao đổi “thẳng thắn” và “cùng làm việc” với Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa tăng cường tiếp xúc ngoại giao với cường quốc châu Á.
Trong khi đó, phát biểu ngày 20/4 tại Tokyo, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã trấn an các đối tác ở xứ Phù Tang rằng Washington không có ý định phân tách khỏi Bắc Kinh. Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính nước này Janet Yellen cũng khẳng định Mỹ tìm kiếm mối quan hệ “mang tính xây dựng và công bằng” với Trung Quốc.
“Một quan hệ Mỹ-Trung ổn định là vô cùng quan trọng với cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng Kishida Fumio nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên kết giữa hai cường quốc hàng đầu tới sự ổn định của thế giới. |
Tuy nhiên, việc kiểm soát tình hình sẽ ngày càng khó khăn hơn. Mùa bầu cử tổng thống của Mỹ đang đến và quan hệ với Trung Quốc sẽ là vấn đề các ứng viên có thể khai thác để thu thập lá phiếu.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng thường xuyên bị thách thức: Tháng trước, một nhân viên công ty dược phẩm Nhật Bản đã bị bắt giữ tại Bắc Kinh với cáo buộc gián điệp. Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đối thoại với Tokyo, song điều này có thể tác động tới quan hệ giữa đất nước mặt trời mọc và đồng minh thân thiết là Mỹ.
Khi đó, nỗ lực kiểm soát căng thẳng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nếu thành công, sẽ là đóng góp lớn nhất về địa chính trị của ông Kishida trong nhiệm kỳ của mình.