Theo các nhà khoa học Đức, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đang tăng lên, gây ra biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Do đó, Tiến sĩ sinh học Tobias Erb (Viện Vi sinh học Max Planck, Đức) cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã lấy cảm hứng từ chính thiên nhiên khi sử dụng thực vật biến đổi gene để chống biến đổi khí hậu.
Thực vật có thể giúp làm giảm lượng khí CO2 do con người phát thải ra khí quyển Trái Đất. (Nguồn: CSM) |
Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science (Mỹ), thực vật và các sinh vật quang hợp khác có thể biến khí CO2 thành nhiên liệu sinh học. Do vậy, TS. Erb và nhóm của ông đang nghiên cứu phương thức để làm điều đó một cách hiệu quả hơn.
Theo nghiên cứu này, thời cổ đại, bầu khí quyển Trái Đất ngập tràn CO2. Khoảng 2,5 tỷ năm trước, những sinh vật cực nhỏ đầu tiên giải quyết được vấn đề biến carbon dioxide trong khí quyển thành oxy chính là loài vi khuẩn quang hợp, chúng “hít vào” khí carbon dioxide (CO2), “khóa” giữ lại carbon (C) trong cơ thể chúng và "thở ra" khí oxy (O2).
Mặc dù những sinh vật cổ đại đã làm khí quyển Trái Đất trong lành hơn và giúp các sinh vật có thể thở được, nhưng chính con người hiện đại đang "bơm" CO2 trở lại không khí, nhanh hơn nhiều so với bất kỳ loài sinh vật quang hợp nào hiện nay có thể hút loại khí này trở lại.
Hiện các sinh vật quang hợp chỉ chuyển đổi được 25% lượng khí CO2 mà con người thải ra mỗi năm. Nguyên nhân chính của vấn đề là các enzyme thực vật liên quan đến việc hấp thu CO2. Vì vậy, Erb và nhóm của ông đã quyết định biến đổi gene cho các loại cây trồng.
"Thực tế, có rất nhiều vi khuẩn và các vi sinh vật cũng có thể hút CO2. Chúng sử dụng các cơ chế khác nhau. Vấn đề là chúng ta cần tìm cách để giúp cây cối tăng mạnh quá trình hấp thụ lượng CO2" - TS. Erb nói.
Cụ thể, trong thí nghiệm của mình, Erb và nhóm của ông đã cấy vào các loài thực vật 17 loại enzyme khác nhau, được lấy ra từ nhiều nguồn sinh vật khác nhau như vi khuẩn, thực vật hay cả con người... Sau khi họ ghép tất cả các mảnh enzyme này lại với nhau và cấy vào các thực vật thí nghiệm, kết quả cho thấy tốc độ hấp thu CO2 của chúng đã nhanh hơn đáng kể.
"Đây là một kết quả thú vị, chứng minh rằng việc biến đổi gene thực vật để giúp chúng hấp thu CO2 nhanh hơn thực sự khả thi", bà Lisa Ainsworth - nhà thực vật học tại Đại học Illinois (Mỹ) nhận xét.