Không cầu kì, rực rỡ sắc màu như các trang phục của những ngành nghề khác, một nhà ngoại giao đôi khi chỉ đơn giản mặc một bộ vest sẫm màu nhưng vẫn “chất”. Cái “chất” ở đây có lẽ có được bởi phong thái đĩnh đạc, chỉn chu từ phục trang cho đến cử chỉ, lời nói hay đơn giản chỉ là nụ cười, ánh mắt.
Quan sát và học hỏi từ những nhà ngoại giao đi trước, có thể thấy phong thái của một nhà ngoại giao cũng tựa như một quyền năng riêng, có thể tạo uy lực, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người đó cũng như gây thiện cảm với những người xung quanh.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (giữa) trong buổi gặp mặt cuối năm và giao lưu “Chị em chúng mình” do Ban Nữ công tổ chức ngày 30/12/2020, tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thanh lịch mà không phô trương
Những người phụ nữ làm trong môi trường có phần khô cứng như chính trị ngoại giao luôn trăn trở làm sao để có thể tạo được cho bản thân một phong thái đĩnh đạc, chuyên nghiệp nhưng đồng thời vẫn có bản sắc riêng. Nhìn vào những “bóng cả” trong ngành ngoại giao như bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Nguyễn Ngọc Dung... ngoài thể hiện phong thái lịch sự, đĩnh đạc nhưng không phô trương thì thần thái của họ còn toát lên sự dung dị, cởi mở và ấm áp.
Chất dung dị có lẽ là một bản sắc riêng của một nhà ngoại giao Việt Nam. Chính chất dung dị khiến các nhà ngoại giao Việt Nam luôn gần gũi, ấm áp, không tạo ra vẻ xa cách.
Nhìn lại những bức hình đen trắng trên các bàn đàm phán lịch sử, những nhà ngoại giao Việt Nam dù không ăn vận hàng hiệu cao cấp đắt tiền nhưng vẫn lịch sự, chỉn chu, hiên ngang không hề lép vế, thậm chí có phần nổi bật hơn các nhà ngoại giao nước ngoài.
Lịch sử vẻ vang của Ngành ngoại giao trong 75 năm qua đã ghi dấu những đóng góp xuất sắc của bao thế hệ lãnh đạo và cán bộ ngoại giao nữ. Đặc biệt trong chặng đường đổi mới, các nhà ngoại giao nữ Việt Nam thông minh, sắc sảo, quyết đoán và duyên dáng tiếp tục cùng góp phần làm nên những dấu ấn quan trọng, mở rộng quan hệ đối ngoại, từng bước đưa đất nước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Nhiều tấm gương điển hình qua các thế hệ như bà Hồ Thể Lan, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Hồi, Phan Thúy Thanh, Nguyễn Nguyệt Nga, Nguyễn Phương Nga... cho thấy rõ sự cương quyết và mềm mại đúng lúc đã giúp họ đạt được nhiều thành tích trong đàm phán đối ngoại, cả song phương cũng như đa phương.
Với tỷ lệ 44,23%, cán bộ nữ ngoại giao hiện chiếm một vị trí rất quan trọng trong tất cả các hoạt động của Bộ Ngoại giao. Sự cương quyết và mềm mại đúng lúc đã giúp họ đạt được nhiều thành tích trong đàm phán đối ngoại, cả song phương cũng như đa phương. |
“Thu phục” bằng lòng nhân ái
Một nhà ngoại giao nữ vừa là một nhà ngoại giao nhưng đồng thời cũng là phụ nữ. Bởi vậy, ngoài kiến thức, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và sự chuyên nghiệp nói chung, họ còn có những phẩm chất khác như sự chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ, luôn cương quyết nhưng vẫn mềm mại. Điều đặc biệt ẩn sau vẻ dịu dàng, khiêm nhường là những người phụ nữ có tinh thần thép. Những phẩm chất này không chỉ được trong nước mà cả bạn bè quốc tế cũng đánh giá rất cao.
Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Phạm Thu Hằng, người vừa kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Washington D.C. (Mỹ), đảm nhận vị trí mà trước đó Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga từng kinh qua cho hay, dù đã lâu nhưng các cán bộ nước bạn vẫn rất ấn tượng với Đại sứ Nguyệt Nga. Khi chị Thu Hằng vừa sang đảm nhận chức vụ đã nhận được lời “hăm dọa” rằng: “Bạn có biết bạn đang ở một vị trí mà có một người đã làm quá tốt để có thể vượt qua không?”.
Câu nói vui này cho thấy Đại sứ Nguyệt Nga đã tạo một ấn tượng khó phai cho cán bộ nước bạn ra sao. Theo chị Thu Hằng, câu nói này vừa tạo áp lực nhưng cũng trở thành động lực giúp chị phấn đấu về mọi mặt nhằm giữ vững phong độ của “đàn chị” đi trước.
Có lẽ không chỉ với chị Thu Hằng, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, người phụ nữ có gần 40 năm gắn bó với ngành ngoại giao, cũng là hình mẫu nhà ngoại giao nữ hiện đại trong lòng rất nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ. Có thể nói, ở Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga hội tụ đầy đủ những yếu tố cần có của một nhà ngoại giao nữ hiện đại: thanh lịch trong trang phục, sắc sảo từ trí tuệ và nhân hậu ở thần thái.
Đây cũng là những phẩm chất mà Đại sứ Nguyệt Nga mong muốn các thế hệ cán bộ ngoại giao nữ trẻ có thể đạt được. Theo Đại sứ Nguyệt Nga, một nhà ngoại giao nữ ngoài bản lĩnh, trí tuệ sắc bén, sự chuyên nghiệp, duyên dáng, chân thành thì đặc biệt phải có lòng nhân ái mới có thể chạm đến trái tim người đối diện.
Thật vậy, nhiều lần “diện kiến” Đại sứ Nguyệt Nga tại các hội thảo, ngoài ngưỡng mộ về tri thức, bản lĩnh và nét thanh lịch của bà, các cán bộ ngoại giao trẻ còn bày tỏ ấn tượng với những cử chỉ quan tâm, nhân ái của nữ Đại sứ với mọi người xung quanh.
Khi kết thúc hội thảo đến giờ nghỉ trưa, mặc dù bản thân vẫn miệt mài trao đổi công việc với đồng nghiệp nhưng bà vẫn không quên hỏi thăm từ phóng viên đến những nhân viên phục vụ hội thảo rằng: “Các cháu vẫn chưa nghỉ à?”. Có thể thấy, lòng nhân ái không đến từ những thứ gì to tát mà đôi khi chỉ một câu hỏi, một cử chỉ quan tâm nhỏ cũng có thể dễ dàng “thu phục” được mọi người.
Các chị em phụ nữ dự buổi gặp mặt. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Vũ khí bí mật”
Trong cuộc đời một cán bộ ngoại giao nữ ít nhiều sẽ phải trải qua công tác nhiệm kỳ. Bàn luận về vấn đề này, Đại sứ Luận Thùy Dương, người vừa kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Myanmar, đánh giá phong thái của một nhà ngoại giao nữ cần có sự tự tin và thái độ vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng, linh hoạt trong từng vấn đề, đặc biệt trước bạn bè quốc tế càng phải chú trọng, vẹn toàn “từ trong ra ngoài”.
“Cán bộ ngoại giao cũng như một nhà chính khách, trước tiên phải trau dồi kiến thức toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tuyệt đối không thể hỏi gì cũng không biết, cái gì cũng lơ mơ”, Đại sứ Luận Thùy Dương nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Luận Thùy Dương, yếu tố “nữ” với sự mềm mỏng, linh hoạt, khéo léo chính là lợi thế quan trọng của các cán bộ ngoại giao nữ so với đấng mày râu. Trong công tác đối nội và đối ngoại, Đại sứ cho rằng các cán bộ ngoại giao nữ nên vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là có thái độ gần gũi, thân thiện nhưng vẫn phải cứng rắn trong những vấn đề mang tính chất nguyên tắc.
Bên cạnh đó, nữ Đại sứ cũng chia sẻ “vũ khí bí mật” của mình và cũng là của người phụ nữ Việt Nam, làm bật lên phong thái sang trọng, lịch thiệp, ấn tượng và hiệu nghiệm trong hầu hết hoàn cảnh, đó là chiếc áo dài.
Với kinh nghiệm lựa chọn, may đo áo dài lâu năm, Đại sứ Luận Thùy Dương đưa ra lời khuyên cho các chị em làm ngoại giao nên “dắt lưng” ít nhất 3-4 bộ áo dài để có thể thay đổi sử dụng trong nhiều sự kiện.
Theo nữ Đại sứ, một bộ áo dài đẹp không nhất thiết phải đắt tiền, bởi áo dài cũng như váy vóc, lụa là chỉ là thứ bổ trợ làm tôn lên cốt cách, trí tuệ và đẳng cấp của người phụ nữ chứ không nên chạy đua, phụ thuộc vào nó.
Thích ứng với kỷ nguyên số
Trong bối cảnh hiện nay khi thời đại công nghệ số đã và đang làm thay đổi căn bản phương thức phát triển, kết nối và tương tác trong xã hội, cán bộ nữ ngành ngoại giao ngoài trau dồi tri thức, rèn luyện nhân cách còn phải chủ động nắm bắt các công nghệ mới, thích ứng với kỷ nguyên số, tăng cường khả năng quản lý, chủ động học hỏi nâng cao kiến thức, các kỹ năng cần thiết trong công việc như kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo…
Theo Đại sứ Nguyệt Nga, bản thân bà cũng luôn luôn phải học hỏi, tích lũy những công nghệ mới để không bị tụt hậu. Bà lấy ví dụ từ việc dùng Twitter để cập nhật thông tin của các nhà lãnh đạo nước ngoài cho đến phương thức tổ chức họp trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19,… tất cả đều cần sự học hỏi và thích ứng không ngừng.
Trong bối cảnh đó, bà kỳ vọng thế hệ cán bộ nữ trẻ phải có tốc độ nhanh nhạy, sự gắn kết đa phương diện, tính chuyên nghiệp, sáng tạo và đa năng, có thể làm việc trong bất kỳ môi trường nào. Đại sứ kết luận động lực để rèn luyện những kỹ năng, phẩm chất như vậy suy cho cùng xuất phát từ lòng yêu nghề của mỗi cán bộ ngoại giao nữ.
“Muốn làm bất cứ việc gì trước tiên chúng ta phải lạc quan, sự lạc quan đó xuất phát từ lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, thấy rằng nghề ngoại giao là một nghề cao quý, một nghề có cơ hội chứng kiến những giây phút lịch sử”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh.