Nhỏ Bình thường Lớn

Châu Á-Thái Bình Dương trước Covid-19: Trong khó ló khôn (Kỳ cuối)

TGVN. Đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức với các cơ chế đa phương, song cũng khiến vai trò của một số cơ chế, diễn đàn đa phương nổi bật hơn bao giờ hết.
Châu Á-Thái Bình Dương trước Covid-19: Định hình ba xu thế lớn (Kỳ 4)

Châu Á-Thái Bình Dương trước Covid-19: Định hình ba xu thế lớn (Kỳ 4)

Năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động bao trùm tới mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội toàn cầu; các diễn đàn, thể chế đa phương không phải là ngoại lệ. Song mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng khiến vai trò của một số cơ chế, diễn đàn đa phương nổi bật hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao Đông Á ngày 14/11/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao Đông Á ngày 14/11/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Khó khăn giăng lối

Đầu tiên, đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh đã để lại thiệt hại nghiêm trọng về sinh mạng, tác động tiêu cực tới nền kinh tế, khơi mào cho nhiều bất ổn chính trị - xã hội, đe dọa tới hòa bình, ổn định và phát triển toàn cầu.

Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu đang tiệm cận con số 100 triệu người, trong đó hơn 2,1 triệu người đã thiệt mạng. Về kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 4,4% trong năm nay; nghiên cứu của nền tảng trực tuyến IG cho rằng con số này có thể lên tới 5,2%.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã làm sâu sắc thêm một số vấn đề chính trị-xã hội như bất bình đẳng giới, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng thu nhập hay người nhập cư, đe dọa trực tiếp tới hòa bình, ổn định và phát triển toàn cầu.

Thứ hai, đại dịch đã khiến chính phủ nhiều quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội diện rộng, tác động đáng kể tới hoạt động tổ chức, hợp tác của các diễn đàn, cơ chế đa phương lớn.

Năm 2020, hầu hết các sự kiện lớn trên thế giới, trong đó có châu Á-Thái Bình Dương đều phải tổ chức trực tuyến. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tương tác, thảo luận trực tiếp giữa các quốc gia, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Công cụ hữu hiệu

Song đại dịch Covid-19 cũng tạo động lực để chủ nghĩa đa phương trở lại mạnh mẽ hơn. Năm 2019, chủ nghĩa đa phương đứng trước thách thức đáng kể từ chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ thương mại.

Với quy mô và ảnh hưởng chưa từng có, đại dịch Covid-19 đã ít nhiều mang tới thay đổi khi không quốc gia đơn lẻ nào đủ sức giải quyết vấn đề này. Trong bối cảnh đó, các cơ chế, diễn đàn đa phương là công cụ hữu hiệu để các quốc gia thảo luận, tìm kiếm và triển khai giải pháp tháo gỡ khúc mắc chung là đại dịch Covid-19.

Ở cấp độ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác được duy trì và đẩy mạnh dưới vai trò trung tâm của ASEAN. Bất chấp tình hình đại dịch Covid-19, các hội nghị cấp Bộ trưởng như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) lần thứ 14 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về Covid-19 ngày 14/4, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 37 cùng hội nghị liên quan đã được tổ chức thành công.

Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19, Tuyên bố tại các hội nghị trên đều kêu gọi thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia khu vực, đặc biệt trong kiểm soát biên giới và nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Sáng kiến của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN về thành lập quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 của đã được các quốc gia khu vực và đối tác hưởng ứng nhiệt liệt.

Quan trọng hơn, đại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác, thúc đẩy quá trình cải cách toàn diện của WHO.

Ở cấp độ toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật vai trò trung tâm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với tư cách cơ quan hỗ trợ các quốc gia và hợp tác đa phương trong phòng, chống dịch, tìm hiểu nguồn gốc của SARS-CoV-2 và tìm kiếm vaccine cho loại virus chết người này.

Ủy ban độc lập, được thiết lập để đánh giá phản ứng toàn cầu đối với dịch Covid-19, nhấn mạnh rằng WHO đang thiếu năng lượng, tài trợ và cần cải cách cơ bản để tiếp cận nguồn lực, ứng phó hiệu quả hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19.

Theo báo cáo của ủy ban, hệ thống cảnh báo và phản ứng quốc tế chưa phù hợp với mục đích, cũng như thời đại kỹ thuật số hiện nay. Theo cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, đồng chủ tịch ủy ban, đại dịch cho thấy tầm quan trọng của cơ chế hợp tác đa phương trong ngăn ngừa, ứng phó dịch bệnh.

Phát biểu thay mặt cho Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 19/1 Đặc phái viên của Anh cho rằng bất kỳ cải cách nào của WHO đều cần phải “tham vọng và có cơ sở chắc chắn”.

Đáng chú ý, nó có thể khơi mào cho làn sóng cải tổ tại các cơ quan khác của Liên hợp quốc, điều mà Mỹ cùng một số quốc gia khác đã nhiều lần thúc đẩy, song chưa đạt được kết quả.

Vì thế, đại dịch Covid-19 không chỉ mang lại thách thức, mà còn tạo ra những cơ hội mà các quốc gia, các cơ chế, diễn đàn đa phương cần nắm bắt để trở lại mạnh mẽ, vững chắc hơn bao giờ hết.

TIN LIÊN QUAN
EIU: Việt Nam là một trong những địa điểm sản xuất cạnh tranh nhất châu Á - Thái Bình Dương
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trỗi dậy mạnh mẽ và năng động hơn trong giai đoạn hậu Covid-19
Châu Á-Thái Bình Dương trước Covid-19: Đại dịch - từ của năm 2020 (Kỳ 1)
Tầm nhìn APEC đến năm 2040 - Xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình
RCEP khẳng định cam kết hội nhập kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương

Minh Vương