EU có thể giúp giảm nhiệt căng thẳng Mỹ - Iran. (Nguồn: News-intrest) |
Nếu không có EU...
Trong 15 tháng qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động chung Toàn diện - JCPOA) và tiếp tục cuộc xung đột với Tehran, EU đã đóng vai trò hòa giải, dù không phải lúc nào cũng thể hiện sự sẵn sàng.
Tuy nhiên, bằng cách giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại, EU tin rằng, họ có thể tạo ra một hướng giải quyết ít đối kháng hơn, bằng cách cung cấp cho Iran một giải pháp trước áp lực kinh tế của Mỹ. Dù sao, đó cũng là một ý tưởng không tồi cho bối cảnh hiện tại. Tháng 5 vừa qua, Iran nói rằng, trừ phi các lệnh trừng phạt được nới lỏng, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lại lời hứa liên quan đến sản xuất hạt nhân.
Ngay sau đó, vào ngày 7/7, Tehran thông báo họ đã tăng cường làm giàu urani vượt ngưỡng cho phép của thỏa thuận. Điều này, cùng với một loạt giao tranh “ăn miếng trả miếng” với Mỹ, đã dẫn đến một cuộc đối đầu mà ngay cả các đối thủ khu vực lớn nhất của Iran cũng phải thừa nhận là không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân chính của sự thất bại trong việc giải bài toán mâu thuẫn Washington - Tehran là cho đến nay, chưa bên nào có thể cung cấp cho Iran một giải pháp, khi nước này đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Công cụ Hỗ trợ Trao đổi Thương mại (INSTEX) do Pháp, Đức và Anh thiết lập có mục tiêu thúc đẩy thương mại với Iran bằng cách tạo điều kiện thanh toán bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD. Tuy nhiên, cơ chế này thời gian qua hầu như không được sử dụng, bởi các nước châu Âu lo sợ bị cắt khỏi thị trường Mỹ. Tuần trước, các quan chức Bộ tài chính Mỹ đã cảnh báo các đồng minh châu Âu, nên từ bỏ hoàn toàn INSTEX, nếu không sẽ phải trả giá.
Mặc dù có nhiều lý do để bi quan về vai trò của EU, nhưng nếu không có EU, có lẽ mọi việc sẽ tồi tệ hơn. Iran kích động bằng các hành động hiếu chiến, từ tấn công các tàu chở dầu cho đến các vụ thử tên lửa đạn đạo mới, điều đó cho thấy "đám mây đen" xung đột ngày càng trở nên đáng ngại hơn.
Chỉ có châu Âu mới có thể giữ cho tất cả các bên bình tĩnh. Bà Federica Mogherini, một trong những nhà hoạch định chính sách đối ngoại của EU cho rằng, sau khi Iran bị cáo buộc bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ và Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch trả đũa bằng các cuộc không kích, châu Âu đã đứng giữa và “đảm bảo căng thẳng không leo thang”.
Thêm nữa, bà Federica Mogherini dẫn ví dụ về Anh (vẫn là thành viên EU cho tới thời điểm hiện tại) trong những phản ứng của London đối với một loạt vụ bắt giữ tàu chở dầu. Tháng 6 vừa qua, Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh đã bắt giữ một tàu chở dầu có gắn cờ Panama ở ngoài khơi bờ biển Gibraltar với tuyên bố rằng, lô hàng này - dầu của Iran đưa đến nhà máy lọc dầu của Syria ở Banias đã vi phạm các lệnh cấm vận của EU. Khi đó, Iran cho hành động này của Anh là tuân theo mệnh lệnh của Mỹ. Nhưng hai tuần sau, khi Iran bắt giữ một con tàu mang cờ Anh ở Eo biển Hormuz, Anh đã "quay lưng" lại với Washington. Thay vì gia nhập lực lượng an ninh hàng hải do Mỹ đứng đầu ở vịnh Persian, Anh cho biết, họ sẽ chỉ làm việc với châu Âu để đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải. Rõ ràng, Anh đã không bị cuốn vào một cuộc chiến với Iran do Mỹ dẫn đầu, mà hành động theo chính sách của mình.
Anh đã thể hiện rõ chính sách của mình thông qua các vụ tàu chở dầu. (Nguồn: Politico) |
Châu Âu phải tiếp tục đi đầu
Có lẽ, châu Âu đã đúng khi giữ JCPOA tồn tại. Các cuộc thương lượng hôm 28/7 vừa qua ở Vienna được các nhà đám phán Iran đánh giá là “mang tính xây dựng”. Tuy nhiên, vấn đề níu giữ JCPOA có thể trở nên phức tạp hơn khi nước Anh dưới thời Thủ tướng mới đang quan tâm đến một Brexit “không thỏa thuận” và EU cũng đang bận rộn với việc thay đổi lại bộ máy nhân sự mới.
Hiện nay, giữa rất nhiều mớ hỗn độn đó, điều mà châu Âu nên làm là kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của các bên ký kết JCPOA như Nga và Trung Quốc. Nếu Moscow và Bắc Kinh đồng lòng hỗ trợ thương mại thông qua INSTEX và các biện pháp khác, những nước ủng hộ thỏa thuận hạt nhân còn lại có thể tạo điều kiện về kinh tế để Iran đủ sức vượt qua sức ép của Mỹ.
Các nước láng giềng của Iran cũng có thể làm nhiều hơn. Trong khi Iraq tìm cách làm trung gian hòa giải giữa Iran và Mỹ, các quốc gia Ả rập vùng Vịnh lại ít công khai chính sách ngoại giao của họ hơn. Điều đó cần phải thay đổi. Mặc dù các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia ủng hộ Mỹ trong việc phá vỡ thỏa thuận hạt nhân ngay từ đầu, nhưng không quốc gia nào được hưởng lợi từ một cuộc xung đột ngay trước "cửa ngõ nhà mình". Để tránh được điều đó, UAE và Saudi Arabia nên thúc giục chính quyền Tổng thống Trump từ bỏ những lời lẽ gây chiến và theo đuổi một giải pháp chính trị.
Tuy nhiên, để bất kỳ giải pháp nào đạt hiệu quả, châu Âu phải tiếp tục đi đầu. Bằng cách cung cấp cho Iran những biện pháp nới lỏng cấm vận khả thi và giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại cho đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới, châu Âu có thể đưa ra một giải pháp thay thế những lời đe dọa của Mỹ.