Ông Biden bày tỏ quyết tâm xây dựng lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm đầy chông gai dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: AP) |
Nỗ lực của ông Biden
Chỉ trong 8 ngày thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, Tổng thống Joe Biden đã gặp khoảng 45 quốc vương, tổng thống và thủ tướng châu Âu và ở đâu ông cũng phải chật vật để “vỗ về” châu Âu.
Ông Biden đã ca ngợi mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu như một “liên minh các nền dân chủ”. Ông tâng bốc châu Âu khi đánh giá họ có vai trò quan trọng trong việc khôi phục trật tự thế giới đa phương và khôi phục cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo ở châu Âu.
Tất cả những điều này nhằm mục đích "chữa lành" những tổn thương sâu sắc mà Chính quyền Donald Trump đã gây ra cho châu Âu.
Và ở một cấp độ nào đó, nỗ lực “gây cảm tình” của Biden với châu Âu đã thành công, thậm chí từ trước chuyến công du của ông.
Trung tâm nghiên cứu Pew, một tổ chức tư vấn của Mỹ thường xuyên tiến hành thăm dò dư luận, cho biết 2/3 người châu Âu có quan điểm ủng hộ Mỹ, gần như gấp đôi con số được ghi nhận vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Chẳng hạn, hiện nay ở Pháp, tỷ lệ người có quan điểm tích cực về Mỹ đã tăng lên 65% so với mức chỉ 31% vào năm 2020.
Theo phát hiện mới nhất của Pew vừa được công bố trong tháng 6/2021, không khu vực nào trên thế giới có quan hệ nồng ấm với Mỹ bằng châu Âu.
Tuy nhiên, liệu ông Biden có hoàn thành được nhiệm vụ chính của mình - thúc đẩy châu Âu giúp đỡ Washington thực hiện những mục đích chiến lược toàn cầu của Mỹ - hay không?
Câu trả lời là không, ít nhất là vào thời điểm hiện nay. Và rủi ro là khi gạt tình cảm hữu nghị nồng ấm sang một bên, thì những nỗ lực của Tổng thống Mỹ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của châu Âu có thể không bao giờ mang lại kết quả như Washington mong đợi. Vì như mọi nhà điều hành doanh nghiệp đều biết, việc xây dựng lại thương hiệu luôn có những giới hạn.
Những động thái tích cực
Trong 5 tháng đầu tiên nắm quyền, ông Biden đã nhắm tới việc đạt được những mục tiêu dễ dàng và nhanh chóng khi cải thiện quan hệ với châu Âu. Đã qua rồi cái thời những dòng tweet xuất hiện vào lúc nửa đêm của ông Trump khiến châu Âu phẫn nộ hay những ý tưởng kỳ lạ như đề xuất việc Mỹ mua Greenland.
Thay vào đó, Mỹ và các thủ đô của châu Âu trao đổi những thông điệp theo trật tự. Tất cả các chính phủ châu Âu đều được tham vấn. Và mỗi bức hình sự kiện đều là cơ hội để nhắc lại tình đoàn kết giữa Mỹ với châu Âu.
Tháng 8/2020, máy bay chiến đấu của Mỹ đã bay qua không phận của 28 nước thành viên NATO, một lời nhắc nhở mang tính biểu tượng về chiếc ô phòng thủ của Mỹ trên lục địa này.
Chiến thuật này có tác dụng xoa dịu những lời chỉ trích ở châu Âu và thậm chí còn tạo dựng một hình ảnh bất thường về ông Biden như một tổng thống có vẻ táo bạo và cấp tiến hơn trong việc ủng hộ cải cách kinh tế và chính trị toàn cầu so với các nhà lãnh đạo châu Âu, những người vốn thường nhận hết điều này về mình.
Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) thông qua đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sau một thời gian dài tranh cãi. Hơn nữa, Tổng thống Mỹ đương nhiệm thậm chí còn khiến châu Âu cảm thấy hổ thẹn khi đề nghị bỏ quyền sở hữu vaccine Covid-19 để đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine này.
Lần đầu tiên, châu Âu dường như trở thành “kẻ theo sau”. Và Mỹ đã nhận được lời khen ngợi từ một số thành phần chính trị cực tả ở châu Âu, cũng là một sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử.
Mỹ cũng đưa ra một số nhượng bộ thực sự đối với châu Âu. Chẳng hạn, Chính quyền Biden đã từ bỏ một số đòi hỏi của những người tiền nhiệm – kể cả của êkíp dưới thời Barack Obama – liên quan đến việc yêu cầu châu Âu phải cam kết dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng.
Mặc dù đây vẫn là mục tiêu chính thức, nhưng nó đã không được đề cập đến trong thông cáo được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây.
Và quan trọng hơn, ông Biden đã chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại giữa Mỹ và châu Âu về các khoản trợ cấp của hai bên dành cho hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu của họ, lần lượt là Boeing và Airbus.
Cuộc tranh chấp kéo dài 17 năm này đã dẫn đến các đợt áp thuế và biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với rượu champagne, rượu Cognac và đồ da của châu Âu; mặt khác, châu Âu cũng áp thuế đối với máy kéo, trò chơi điện tử và máy móc xây dựng của Mỹ.
Giờ đây, tất cả những điều này đã kết thúc nhờ một giải pháp kỳ diệu. Tuy nhiên, dù những bước đi này thể hiện thiện chí rất lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là châu Âu sẵn sàng can dự sâu rộng hơn với Washington.
Mỹ và EU tìm được giải pháp cho xung đột lợi ích giữa 2 tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus. (Nguồn: Getty) |
Châu Âu còn lo ngại điều gì?
Trước hết, châu Âu tiếp tục tự hỏi liệu ông Trump có phải là một ngoại lệ trong số các Tổng thống Mỹ truyền thống hay chính ông Biden mới là một ngoại lệ mà tiếp đến sẽ là sự trở lại của một Tổng thống Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập khác.
Điều thú vị là chính ông Biden lại khiến châu Âu thêm lo lắng khi trong chuyến công du đến châu lục này vừa qua lại công khai chỉ trích các đối thủ của mình ở đảng Cộng hòa vì họ vẫn ủng hộ ông Trump.
Khi châu Âu lắng nghe bài phát biểu của ông Biden, họ nhanh chóng nhớ lại rằng quyền kiểm soát của ông Biden với Thượng viện Mỹ rất yếu ớt và điều đó nhiều khả năng sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.
Chính quyền Biden cũng phát hiện ra một thói quen cũ khác của châu Âu, đó là bất kể Mỹ có tham vấn họ bao nhiêu, thì châu Âu vẫn luôn không hài lòng và đòi hỏi nhiều hơn.
Chẳng hạn, Ba Lan bày tỏ thái độ không hài lòng về cuộc tham vấn của Washington với châu Âu trước khi ông Biden gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, mặc dù cuộc đối thoại này giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu là một trong những cuộc đối thoại sâu rộng nhất trong thời gian gần đây.
Các tranh chấp thương mại cũng không còn. Châu Âu mong muốn khôi phục Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hiện hoạt động không hiệu quả vì ông Trump đã cản trở việc bổ nhiệm các thẩm phán mới và không có dấu hiệu nào cho thấy ông Biden, vốn là người công khai ủng hộ chủ nghĩa đa phương, có ý định hành động khác với người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, khó khăn đối với nhà lãnh đạo Mỹ là việc ông lấy lòng châu Âu không chỉ nhằm mục đích khôi phục liên minh xuyên Đại Tây Dương của Mỹ, mà còn nhằm thay đổi và định vị lại liên minh này, một bài toán hóc búa hơn nhiều.
Theo quan điểm của Nhà Trắng, Nga – vốn lâu nay vẫn bị châu Âu coi là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất – đã là câu chuyện của ngày hôm qua. Ông Biden hoàn toàn thừa nhận vị thế hạt nhân của Nga và khả năng của Moscow trong việc gây ra mối nguy hại nhưng cách tiếp cận của ông là tìm cách xử lý vấn đề Nga một cách ít gây ồn ào và tiêu tốn ít nguồn lực nhất có thể, đồng thời "lợi dụng" châu Âu để giải quyết điều mà Mỹ coi là thách thức lớn nhất: Trung Quốc.
Và vấn đề đối với châu Âu là, dù mỗi nước ở lục địa này có quan điểm khác nhau, nhưng tất cả đều miễn cưỡng tham gia vào kế hoạch này của Mỹ.
Các nước thương mại lớn như Đức lo lắng và không muốn gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ với Trung Quốc. Pháp phản đối việc châu Âu liên kết với Mỹ chống lại Trung Quốc và coi đây là một vấn đề về mặt nguyên tắc. Thậm chí, các nước Đông Âu – vốn là những người tha thiết tin tưởng Mỹ nhất - cũng lo ngại về điều mà họ coi là nỗi ám ảnh của Washington đối với Bắc Kinh, vì họ sợ rằng điều này sẽ khiến số phận của khu vực Đông Âu sẽ do Nga định đoạt.