Bài phát biểu tại Quỹ Di sản ngày 14/12 của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton được coi là “kim chỉ nam” cho chiến lược này. Về lĩnh vực kinh tế, người ta có thể kỳ vọng vào một số thay đổi tích cực trong quan hệ thương mại song phương. Nhưng trên khía cạnh chiến lược, hầu hết những gì ông Bolton nêu cho thấy Mỹ chưa “thức thời” khi đánh giá tiềm năng và triển vọng của châu Phi.
Cách tiếp cận của Washington với lục địa đen mang màu sắc Chiến tranh Lạnh, khi các lục địa trở thành chiến trường của siêu cường. Trong bài phát biểu, ông Bolton đã mô tả vai trò của châu Phi đối với Mỹ như một quân cờ trên bàn cờ địa chiến lược, hơn là một đối tác tiềm năng và sòng phẳng.
Châu Phi ở đâu trong chính sách của Mỹ? (Nguồn: Shutterstock) |
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng tận dụng tốt điều này sẽ giúp Mỹ giành lợi thế trước những chính sách “thù địch” của Nga và Trung Quốc: “Những thế lực cạnh tranh lớn, cụ thể là Nga và Trung Quốc, đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị khắp châu Phi. Họ đang đầu tư một cách nhanh chóng và có chủ đích vào khu vực nhằm giành ưu thế thượng phong.” Song người châu Phi khó có thể hào hứng trước việc Mỹ đem tư tưởng “chọn một trong hai” trở lại đây.
Quan trọng hơn, dường như ông Bolton đang có cách nhìn một chiều về vai trò của Trung Quốc tại châu Phi. Trong khi Washington đang bận bịu với những vấn đề khác, Bắc Kinh đã thiết lập tầm nhìn dài hạn về tiềm năng của lục địa đen và tiến hành những bước đi của riêng mình, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tại đây để đổi lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên và các thị trường mới. Mỹ hay Nga đều đã chậm hơn Trung Quốc và Washington cần có bước đi táo bạo nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ngoài ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng các khoản viện trợ phát triển trước đó của Mỹ là “không mang lại tác dụng” và lãng phí tiền thuế. Điều này là không đúng khi sáng kiến hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân châu Phi, vốn được khởi xướng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và đã cứu sống rất nhiều người. Thêm vào đó, việc siết chặt điều kiện cung cấp viện trợ, nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược của Mỹ được duy trì tại châu Phi tỏ ra mờ nhạt trước khoản đầu tư phi điều kiện lên tới hàng tỷ USD của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ít nhất Washington đã nhận ra sự cần thiết trong việc xây dựng lại ảnh hưởng tại châu Phi. Song nó cần được chuyển hoá thông qua kết nối kinh tế, thay vì các khoản viện trợ có điều kiện. Tăng gấp đôi ngân sách của dự luật Các Hoạt động Đầu tư Hợp tác tại Nước ngoài là một trong số đó. Washington cũng đã xem xét mở rộng vai trò của các cơ quan phụ trách hoạt động đầu tư, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp Mỹ và châu Phi.
Song, ông Bolton lại cho rằng đây đơn thuần chỉ là cách Washington xây dựng và cân bằng ảnh hưởng với các “thế lực” khác, thay vì thiết lập quan hệ đối tác. Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh đã qua và áp dụng tư duy cũ để cho một quan hệ mới không phải là lý tưởng. Đây là điều Mỹ cần thay đổi, nếu nước này thực sự muốn trở thành đối tác của châu Phi và tối đa hóa lợi ích quốc gia tại lục địa đen.