Ngày 16/9, ông Suga Yoshihide chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, thay thế người tiền nhiệm Abe Shinzo - người vừa từ chức vì lý do sức khỏe.
Ông Suga phải đối mặt với một trật tự thế giới đã thay đổi đáng kể. Quá trình toàn cầu hóa chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đối đầu Mỹ-Trung và sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy. Đại dịch Covid-19 làm chao đảo nền kinh tế thế giới. Thủ tướng Suga đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ kiềm chế đại dịch Covid-19, hồi phục nền kinh tế Nhật Bản, cho đến khôi phục sự hợp tác trong cộng đồng quốc tế, vốn đã mờ nhạt đi trong đại dịch.
Bên ngoài Nhật Bản, các lãnh đạo trên thế giới cũng thiếu kinh nghiệm ứng phó với những khó khăn chưa từng có như hiện nay. Tuy nhiên, hình mẫu lãnh đạo cần có trong thời kỳ khủng hoảng là những người thực dụng, thay vì lý tưởng.
Ông Yoshihide Suga trong vòng vây những người ủng hộ sau chiến thắng ngày 14/9. (Nguồn: AP) |
Kinh nghiệm đem lại sự ổn định
Theo tiêu chí này, Thủ tướng Suga là người phù hợp. Trong Chính phủ Nhật Bản, vị trí Chánh Văn phòng Nội các có vai trò quan trọng. Được coi như “tháp điều khiển”, Chánh Văn phòng Nội các là nhân vật có quyền tiếp cận mọi thông tin và quản lý mọi lĩnh vực, từ điều phối chính sách đến xử lý khủng hoảng.
Ông Suga từng giữ chức vụ này tới 8 năm, điều mà không chính trị gia Nhật Bản nào từng làm. Ông có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý các quan chức dưới quyền, cũng như có quan hệ tốt với Đảng Công Minh (NKP), đối tác của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong liên minh cầm quyền.
Không giống như người tiền nhiệm, Thủ tướng Suga không được hậu thuẫn bởi một phe phái trong đảng, do đó, nhiều khả năng cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ được tổ chức để tăng cường tính chính danh nhờ sự ủng hộ của cử tri.
Về mặt đối nội, Thủ tướng Suga cam kết cải tổ hệ thống hành chính, quản lý chuyển đổi số và gia tăng năng suất lao động qua việc cấu trúc lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ít ai nghi ngờ năng lực của ông về mặt đối nội, nhưng nhiều dấu hỏi đã được đặt ra về chính sách đối ngoại của ông, ngay từ trước khi ông đắc cử.
Trong vấn đề này, Thủ tướng Suga đã xây dựng cho mình vị thế nhất định nhờ tham khảo ý kiến từ các cố vấn. Tân Thủ tướng 71 tuổi có sự hiểu biết sâu sắc đối với những mối quan tâm chính của chính sách đối ngoại Nhật Bản, bao gồm duy trì liên minh Mỹ - Nhật, đi đầu trong việc thiết lập các quy tắc toàn cầu, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khi đối phó với Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại ít thay đổi
Khác với người tiền nhiệm Abe Shinzo, người đã tạo dựng mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump và thường xuyên phát biểu hướng tới cộng đồng quốc tế, giới phân tích vẫn đang cố gắng để hiểu bản sắc ngoại giao của tân Thủ tướng Suga.
Chuyến thăm của ông Suga với tư cách Chánh Văn phòng Nội các tới Mỹ năm 2019 thể hiện ông đặt ưu tiên vào mối quan hệ Nhật-Mỹ. Ông Suga cũng không muốn để “vấn đề lịch sử” làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với các nước láng giềng. Trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ-Trung đang gia tăng, ông sẽ khéo léo giữ gìn mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc. Đồng thời, Thủ tướng Suga được coi là có lập trường cứng rắn với Hàn Quốc, khiến giới phân tích bi quan về việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước.
Tầm nhìn “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Nhật Bản sẽ được duy trì, khi Chính phủ Nhật Bản đồng thuận cao về việc củng cố quan hệ với Australia, Ấn Độ và các nước ASEAN. Thủ tướng Suga cũng sẽ duy trì trật tự thế giới hiện tại bằng việc gia tăng quan hệ với Anh, Pháp và Đức, đưa các nước này vào khuôn khổ FOIP.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Nhật-Anh đã đạt được đồng thuận về hầu hết các điều khoản và sẽ được phê chuẩn trong tương lai gần. Nhật Bản cũng có thể sẽ nỗ lực để mở rộng hợp tác với liên minh tình báo Five Eyes. Thay vì đặt kỳ vọng đàm phán với các quốc gia có ít cơ hội thành công, Thủ tướng Suga sẽ cố gắng củng cố những mối quan hệ sẵn có với Mỹ và các quốc gia có nhiều điểm chung. ngoài ra, chính trị gia 71 tuổi được cho là sẽ tiếp tục ủng hộ những sáng kiến toàn cầu nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.
Về vấn đề an ninh, Thủ tướng Suga có thể sẽ cẩn trọng trong cuộc tranh luận về khả năng tấn công của Nhật Bản. Thay vào đó, ông sẽ lặng lẽ ban hành những hạn chế nhằm ngăn chặn dòng chảy công nghệ ra ngoài và các khoản đầu tư vào Nhật Bản như một cách đề phòng trước Trung Quốc.
Thách thức hiện tại đối với Thủ tướng Suga là làm cách nào để tìm ra điểm chung đối với các đối tác trong bối cảnh Mỹ đang ngày càng cứng rắn với Trung Quốc. Cũng chưa rõ rằng, xu thế toàn cầu hóa có quay lại khi đại dịch Covid-19 chấm dứt. Những vấn đề Nhật Bản đang phải đối mặt cũng tương tự các quốc gia châu Á và châu Âu khác. Tuy vậy, ở thời kỳ này, Nhật Bản cần một nhà lãnh đạo thực dụng, giàu kinh nghiệm như Thủ tướng Suga.