Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và phu nhân Emine vẫy tay chào người ủng hộ tại thủ đô Ankara. (Nguồn: Reuters) |
Sự ra đi của "người quan trọng"
Theo trang mạng Eurasia Review, những thay đổi chính trị trong nước ở Thổ Nhĩ Kỳ đã có được động lực mới sau khi cựu Bộ trưởng Kinh tế nước này, ông Ali Babacan rút khỏi khỏi đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền hồi tuần trước. Ông Babacan đã đóng vai trò là người điều hành kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong vài năm qua. Ông cũng từng giữ chức ngoại trưởng, người đứng đầu đoàn đàm phán với Liên minh châu Âu (EU).
Ông Babacan được coi là một nhân vật có đóng góp thực chất nhất cho sự hồi phục kinh tế thành công của Ankara trong những năm đầu AKP lên nắm quyền điều hành chính phủ. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên trước mối bất hòa lớn giữa ông với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan liên quan đến chính sách kinh tế.
Tổng thống Erdogan đã phản đối chính sách lãi suất cao mà ông Babacan đưa ra, có lẽ vì lãi suất là vấn đề cấm kỵ trong thế giới Hồi giáo. Nhưng ông Babacan cho rằng, nền kinh tế cần phải được quản lý theo những quy luật riêng của nó, chứ không phải sử dụng những giáo huấn tôn giáo làm cơ sở. Mặc dù Tổng thống Erdogan đã nỗ lực thuyết phục ông Babacan ở lại trong đảng cầm quyền khi ông này đệ đơn từ chức, song nỗ lực đó bất thành.
Cái thuận cho ông Babacan là sự ra đi của ông diễn ra trong bối cảnh một trong những vấn đề chính mà Thổ Nhĩ Kỳ đang vướng mắc hiện nay là tình trạng yếu kém của nền kinh tế, kèm theo đó là những khó khăn kinh tế khác sẽ trở nên nổi cộm trong thời gian tới. Một trong những khó khăn này được cho là bắt nguồn từ Mỹ khi hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất đã được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/7 vừa qua.
Washington đã không ngừng lên tiếng đe dọa sẽ áp đặt một vài đòn trừng phạt đối với Ankara nếu hệ thống tên lửa này được triển khai đến Thổ Nhĩ Kỳ. Một loạt biện pháp khác cũng sẽ đến từ EU trước hoạt động khai thác dầu khí của Ankara ở khu vực Trung Đông.
Trong bối cảnh những đòn trừng phạt của Mỹ và EU bắt đầu phát huy tác dụng, nhu cầu cần một năng lực quản lý phù hợp đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày một gia tăng và mọi con mắt của người dân trong nước sẽ đổ dồn về một nhân vật vốn từng dẫn dắt thành công nền kinh tế đến bến đỗ an toàn trong quá khứ.
Khó có bầu cử sớm
Trong vài tháng qua, tin đồn về đơn rút khỏi AKP của ông Babacan chưa được phê duyệt đã "rôm rả" trên các mặt báo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tên tuổi của một số nghị sĩ quốc hội thuộc đảng AKP cũng được nhắc đến là những nhân vật có khả năng sẽ theo ông Babacan sang một đảng chính trị mới do ông này thành lập. Thế nhưng, vẫn còn quá sớm để công nhận điều này. Bởi lẽ, Tổng thống Erdogan sẽ làm mọi thứ có thể để sự ra đi của ông Babacan “nhẹ như lông hồng”.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan. (Nguồn: Hurriyet Daily News) |
Ngoài ra, bản thân ông Babacan cũng chưa chính thức tuyên bố ông sẽ thành lập một đảng chính trị mới dù đã từ chức. Tổng thống Erdogan đã chỉ trích cách hành xử của ông Babacan khi viện dẫn những lập luận và quy định Hồi giáo đồng thời cho rằng ông Babacan đang có mưu đồ chia rẽ cộng đồng Hồi giáo (hay Ummah theo cách nói của Tổng thống Erdogan).
Tổng thống Erdogan đã nói với ông Babacan một câu chứa đựng ý nghĩa quan trọng. “Nếu ông có kế hoạch thành lập một đảng chính trị thì hãy làm điều đó ngay lập tức”. Một số nhà phân tích ở Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng Tổng thống Erdogan đã khích lệ ông Babacan thành lập đảng của mình càng nhanh càng tốt để Tổng thống Erdogan có thể trung lập đảng này ngay lập tức, vì nếu không, việc trung lập đảng này sẽ khó thực hiện hơn nếu để lâu đến thời điểm gần với các cuộc bầu cử tiếp theo. Trong khi đó, các ý kiến khác cho rằng câu nói đó của Tổng thống Erdogan có nghĩa rằng “hãy làm bất kỳ điều gì ông muốn” hoặc “tôi không quan tâm”.
Trước đó, một nhân vật nổi bật khác của AKP là ông Ahmet Davutoglu, người từng là Ngoại trưởng và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, cũng từ chức khỏi đảng AKP. Tuy nhiên, khác với ông Babacan, ông Davutoglu lại “khua chiêng gõ trống” khi tổ chức các cuộc họp để tuyên bố ông sẽ thành lập một đảng chính trị mới.
Do không có bất kỳ sự tương đồng nào trong học thuyết chính trị của hai nhân vật chính trị nổi bật này, nên họ có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri thuộc hai nền tảng khác nhau. Ông Babacan sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của những lực lượng cử tri bất bình với sự khó khăn kinh tế hiện tại. Trong khi đó, ông Davutoglu lại nhận được sự ủng hộ của những người mơ về một Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh có thể đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực.
Việc thành lập các đảng phái chính trị mới sẽ không làm thay đổi nhiều cục diện chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nếu không có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ lực lượng cử tri ủng hộ AKP sang các đảng mới thành lập. Để đạt được thế đa số trong Quốc hội, ít nhất 45 thành viên thuộc lực lượng điều hành chính phủ gồm AKP và Đảng Phong trào dân tộc chủ nghĩa cực hữu cần phải gia nhập các đảng mới này. Ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng tất cả các đảng đối lập sẽ “chung tay” hành động.
Để tiến hành bầu cử sớm với mong muốn làm thay đổi tương quan lực lượng trong Quốc hội lại là việc làm không hề dễ dàng. Để tổ chức bầu cử sớm cần sự thông qua của một thế đa số gồm 3/5 nghị sĩ quốc hội có đủ tư cách, đồng nghĩa với việc 104 nghị sĩ thuộc lực lượng điều hành chính phủ cần phải “chạy sang” phe đối lập, vốn là một nhiệm vụ không dễ gì đạt được.
Bầu cử sớm chỉ có thể thực sự được tiến hành nếu tình trạng suy thoái kinh tế trong nước trầm trọng đến mức buộc ông Erdogan phải kêu gọi tiến hành bầu cử sớm. Nói cách khác, việc lập các đảng chính trị mới có thể thay đổi sự phân bổ số ghế trong quốc hội song không làm thay đổi lực lượng đa số có quyền ra quyết định ở Thổ Nhĩ Kỳ.