Ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Mỹ chủ trì theo lời mời của Tổng thống Joe Biden. Ông Biden đã mời hàng chục nhà lãnh đạo thế giới tham dự sự kiện diễn ra từ ngày 22-23/4 theo hình thức trực tuyến này.
Theo báo Sankei (Nhật Bản), rất nhiều lãnh đạo quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, song tâm điểm chú ý là cuộc đua giành vị trí chủ đạo trong lĩnh vực này giữa các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Từ cuộc gặp Mỹ-Trung tại Alaska tháng 3/2021, có thể thấy vấn đề biến đổi khí hậu là lĩnh vực hiếm hoi hai nước có triển vọng hợp tác. (Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, tháng 12/2013). (Nguồn: AP) |
Mỹ sẽ gây áp lực lên Trung Quốc?
Mỹ dự kiến sẽ sớm đưa ra cam kết mới về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính sau khi tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nước này đặt ra tham vọng lớn khi nâng mức cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (NDC).
Chính quyền của Tổng thống Biden được cho là sẽ tận dụng cơ hội này để gây áp lực lên Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật ngày 16/4, Tổng thống Biden đã nhắc đến vấn đề này khi cho rằng Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sẽ tập trung nhiều quốc gia lớn và buộc họ phải cam kết các chính sách đầy tham vọng về kiểm soát lượng khí thải nhà kính.
Cũng tại cuộc gặp thượng đỉnh này, Mỹ và Nhật Bản được cho là đã đạt được thống nhất sẽ nâng NDC vào năm 2030. Dư luận cho rằng điều đó đã thổi một luồng gió mới, thúc đẩy các nước lớn nỗ lực tăng cường các giải pháp hơn nữa trong lĩnh vực này, trong đó có Trung Quốc.
Ngay từ tháng 1/2021, khi Chính quyền của ông Biden tuyên bố sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã tích cực đi thăm các nước để kêu gọi sự ủng hộ đối với Mỹ. Ngay tuần trước, ông John Kerry cũng đã đến thăm Trung Quốc và nhận được cam kết tăng cường hợp tác Mỹ-Trung trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, dự kiến chính quyền của Tổng thống Biden sẽ cam kết giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030, con số vượt xa mức giảm 26-28% mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng cam kết vào năm 2025.
Cơ sở để Tổng thống Biden đưa ra cam kết này là một kế hoạch nhằm tăng cường mở rộng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng Mặt trời, tạo điều kiện cho các hãng sản xuất xe hơi tập trung vào xe điện (EV), tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã công bố một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lên tới hơn 2.000 tỷ USD, bao gồm cả đầu tư cho môi trường. Bằng việc xác định mục tiêu cụ thể và thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng ít tác động tiêu cực đến môi trường, Mỹ kỳ vọng sẽ tăng thêm năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp nước này đủ sức đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, thách thức đối với kế hoạch này là không nhỏ. Ở trong nước, Chính quyền Mỹ sẽ phải đối diện với tiếng nói phản đối của đảng đối lập và của các khu vực đang “ăn nên làm ra” với việc khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Ở ngoài nước, Mỹ sẽ phải chiếm được niềm tin của các nước hoặc các tổ chức quốc tế, để họ ủng hộ vai trò dẫn dắt của Mỹ trong vấn đề này.
Trung Quốc tìm cách kiềm chế ý đồ của Mỹ
Về phía Bắc Kinh, tháng 9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 công bố mục tiêu phát thải khí CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060.
Trung Quốc nhận thấy, với việc nhấn mạnh nhiều vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, chính quyền của ông Biden sẽ gia tăng áp lực lên Trung Quốc buộc phải nâng mức NDC, ít nhất trong trung hạn.
Theo tính toán của tổ chức phân tích TransitionZero, chuyên nghiên cứu các vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong vòng 10 năm, Trung Quốc cần đóng cửa 588 nhà máy nhiệt điện than mới đạt đỉnh phát thải.
Trong khi đó, hiện tại, số lượng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than ở Trung Quốc là hơn 1.000 nhà máy, tương đương gần một nửa công suất phát điện bằng than trên thế giới. Vì vậy, bản thân kế hoạch đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 đã là một nhiệm vụ khó khăn.
Trên thực tế, biến đổi khí hậu vốn đã trở thành chủ đề tranh cãi giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển cho rằng các nước phát triển đã đạt được mục tiêu phát triển kinh tế thì cũng phải có trách nhiệm tăng mức NDC. Trung Quốc cũng mở rộng ảnh hưởng quốc tế thông qua làm đại diện cho các nước đang phát triển về vấn đề này.
Do đó, cùng với việc tổ chức hội đàm với Đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu tại Thượng Hải, lãnh đạo Trung Quốc còn tổ chức họp trực tuyến với Đức và Pháp, các nước châu Âu đi đầu về vấn đề này để thăm dò quan điểm, tìm cách kiềm chế ý đồ đơn phương của Mỹ.
Dù vậy, Trung Quốc cũng chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng của việc kiểm soát sự nóng lên của Trái đất và xác nhận “chống biến đổi khí hậu là lĩnh vực có thể hợp tác được với Mỹ”.
Bắt tay hợp tác?
Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) ngày 20/4 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu bật tầm quan trọng của việc cải thiện hợp tác quốc tế trong vấn đề khí hậu và tăng cường hành động để triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Giới chuyên gia nhận định, mục tiêu đã cam kết vào tháng 9/2020 là một rào cản rất lớn đối với Trung Quốc nhưng không phải bất khả thi.
Trên thực tế, giới chính trị và giới kinh doanh của Trung Quốc đã thảo luận về giải pháp ngăn chặn Trái đất nóng lên. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã hoạch định một cách chi tiết các kế hoạch để không những không làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn trở thành động lực phát triển cho Trung Quốc.
Trong đó, kể từ mùa Thu năm ngoái, Trung Quốc đã xây dựng quy hoạch đến năm 2035 đối với phát triển các nhà máy điện hạt nhân và dự án thay thế các loại xe ô tô chạy nhiên liệu xăng bằng xe điện (EV). Nhìn từ cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tại Alaska, có thể thấy vấn đề biến đổi khí hậu là lĩnh vực hiếm hoi hai nước này có triển vọng hợp tác, nhưng yếu tố cạnh tranh là vẫn không thể tránh khỏi.
Theo Sputnik, Mỹ và Trung Quốc là những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải toàn cầu - hơn 10 tỷ tấn CO2 mỗi năm, Mỹ chiếm 15% tổng lượng khí thải toàn cầu. Rõ ràng là nếu không có sự phối hợp của hai nước, các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sẽ không đạt được nhiều hiệu quả.
Giáo sư Zhang Jiadong tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Fudan nhận định rằng tuyên bố chung của Trung Quốc và Mỹ cho thấy cả hai bên đều cam kết hợp tác, và vấn đề khí hậu là một trong số ít các vấn đề mà lập trường của hai nước trùng khớp với nhau.
Tuy nhiên, hợp tác khí hậu không nhất thiết chỉ liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung. Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, không nên trộn lẫn các vấn đề khí hậu với các yếu tố địa chính trị.
Trên khía cạnh này, Mỹ đồng ý với Trung Quốc, vì ông Kerry đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các vấn đề khí hậu cần được xem xét một cách tách biệt với các vấn đề khác trong sự tương tác giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong mọi trường hợp, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy các nước vẫn sẵn sàng hợp tác ở những mảng có lợi cho mình. Có lẽ đã tới lúc Trung Quốc và Mỹ có thể đi đến một mô hình quan hệ song phương mới. Mặc dù giữa hai bên vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, song trong những lĩnh vực cụ thể, hai bên không loại trừ hợp tác và đây đã là tiến bộ lớn.