Chống "dịch" tin giả giữa đại dịch Covid-19 là trách nhiệm từng cá nhân. (Nguồn: Tuổi trẻ cười) |
Kể từ ngày 23/7 phát hiện bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở giai đoạn mới (BN 416), hàng loạt tin sai sự thật đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội (MXH), thậm chí là trên các trang tin không chính thống, nào là bệnh nhân 416 tử vong, Bệnh viện Đà Nẵng đã có tới mấy chục ca nhiễm, nào là chỉ thị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về giãn cách xã hội toàn quốc…
Trong bối cảnh việc tiếp cận thông tin trên mạng vô cùng dễ dàng, với sự phổ biến của các trang MXH cũng như các trang tìm kiếm, chia sẻ thông tin mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng, không ít người còn hạn chế nhận thức cũng như thiếu kinh nghiệm cần thiết để nhận định nguồn tin nên đã đăng tải, chia sẻ, bình luận một cách tùy tiện, vô trách nhiệm..., trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những tin giả càng lan truyền nhanh chóng.
Mặc dù Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, tự do Internet nói chung và MXH nói riêng, song, việc sử dụng, chia sẻ thông tin một cách vô tội vạ, không kiểm soát sẽ gây nên hệ quả vô cùng tai hại, ảnh hưởng đến chính bản thân người dùng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, thậm chí đến an ninh quốc gia.
Hoạt động trên không gian mạng - Cần cảnh giác
Đánh giá về hệ thống luật pháp nhằm đảm bảo quyền công dân trong sử dụng không gian mạng ở Việt Nam, PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Với hành lang pháp lý hiện nay, cá nhân, công dân có quyền tự do được sử dụng không gian mạng vì lợi ích cá nhân…và chủ động tự thực hiện/thực hành quyền tự do cá nhân trên không gian mạng”.
Như vậy, bất cứ ai cũng có quyền tự do chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội…
Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 cho đến những ngày đầu của giai đoạn 2 hồi giữa tháng 3, theo thống kê của lực lượng công an, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn. Gần 600.000 tin, bài, video, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội.
Mặc dù vậy, bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực, lan tỏa tinh thần chủ động trong phòng chống đại dịch, có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế): “Hiện nay, ai cũng có thể đăng tải thông tin trên MXH. Chính vì thế, chỉ cần một tin giả được phát tán là MXH có thể “hô biến” nhiều nơi thành ổ dịch”.
Quả thật, trên MXH, nhiều khi chỉ một nút bấm enter, một share, một comment trên mạng xã hội có thể gây ra những tin đồn vô căn cứ lan nhanh hơn cả virus, gây hoang mang dư luận.
Theo thống kê, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến khoảng tháng 4; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người.
Riêng tại Hà Nội, từ 31/1-14/3, Công an Thành phố đã lập hồ sơ xử lý 44 cá nhân đăng tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên trang Facebook cá nhân và YouTube gây hoang mang dư luận.
Nguy hiểm hơn, sau mỗi trường hợp tuyên truyền tin giả bị xử lý, các thế lực thù địch, phản động lại “lu loa” rằng, “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm tự do Internet”...
Chính vì vậy, hoạt động trên không gian mạng, người dùng cần phải thực sự tỉnh táo và cảnh giác.
Quyền đi cùng nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, quốc gia
Theo PGS. TS Tường Duy Kiên: “Mỗi cá nhân, công dân trong khi sử dụng, thực hiện các quyền và tự do của mình thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, đối với quốc gia, dân tộc mà mình đang sống phù hợp với chuẩn mực quốc tế”.
Điều này có nghĩa là khi sử dụng và thực hiện quyền và tự do cá nhân không được ảnh hưởng/xâm phạm an ninh quốc gia; trật tự công cộng, đạo đức xã hội; quyền và tự do của người khác. Những điều nay hay còn gọi là “hạn chế quyền con người” theo chuẩn mực quốc tế.
Luật An ninh mạng, được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực vào 1/1/2019, chính là sự cụ thể hóa "hạn chế quyền con người” trong không gian mạng theo chuẩn mực quốc tế, thể hiện rõ nét tính chất ưu việt của Luật trong bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Trong Luật An ninh mạng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng không gian mạng, trong đó có sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để đăng tải các thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng cũng như nhiều luật khác đã quy định rất rõ mức phạt đối với các hành vi đưa tin giả, tin xấu.
“Có thể nói, muốn chống dịch bệnh hiệu quả thì cần chống tin giả, tin xấu trên MXH. Điều quan trọng là người dân cần tẩy chay tin giả, không cho tin giả có đất sống”, ông Nguyễn Đình Anh nhấn mạnh.
“Chúng ta phải lấy tin tốt, tin chính xác có kiểm chứng để đẩy lùi tin giả. Đó là cách lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối”.