Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un được đón ở ga Khasan. (Nguồn: Reuters) |
Liên quan nhiều đến vũ khí
Ngày 12/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Nga cùng với các quan chức quân sự hàng đầu phụ trách các nhà máy sản xuất đạn dược và vũ khí có khả năng hạt nhân. Đã xuất hiện nhiều đồn đoán về một cuộc gặp dự kiến giữa nhà lãnh đạo này và Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, ông Kim Jong Un đã lên tàu rời Bình Nhưỡng vào chiều 10/9. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha Gyu thông tin trong một cuộc họp báo rằng,quân đội nước này đánh giá đoàn tàu của Triều Tiên đã vào lãnh thổ Nga vào khoảng sáng 12/9.
Phái đoàn của ông Kim Jong Un có thể bao gồm Ngoại trưởng Choe Sun Hui và 2 quan chức quân sự hàng đầu - Nguyên soái Ri Pyong Chol và Nguyên soái Pak Jong Chon của Quân đội Nhân dân Triều Tiên cùng nhiều quan chức cấp cao khác.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc - cơ quan phân tích các bức ảnh được Triều Tiên công bố, ông Kim Jong Un dường như cũng đưa theo ông Jo Chun Ryong, một quan chức đảng cầm quyền phụ trách chính sách đạn dược, người đã tháp tùng nhà lãnh đạo trong chuyến công du gần đây tới các nhà máy sản xuất đạn pháo và tên lửa của Triều Tiên.
Theo hãng tin TASS của Nga, một địa điểm khả thi mà ông Kim Jong Un và ông Putin có thể gặp nhau là thành phố Vladivostok ở phía Đông nước Nga, nơi Tổng thống Putin đến vào ngày 11/9 để tham dự một diễn đàn kinh tế quốc tế kéo dài đến ngày 13/9.
Cuộc gặp đầu tiên của ông Putin với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được tổ chức vào năm 2019 tại chính thành phố này, nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 680 km về phía Bắc. Các hãng thông tấn Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin và Chủ tịch Kim Jong Un sẽ gặp nhau sau diễn đàn Vladivostok, nhưng các báo cáo không nêu rõ thời gian và địa điểm.
Như vậy, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19. Các quan chức Mỹ tuần trước công bố thông tin tình báo cho rằng, Bình Nhưỡng và Moscow đang sắp xếp một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo.
Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Putin có thể tập trung vào việc đảm bảo sẽ nhận được nguồn cung cấp pháo binh và các loại đạn dược khác của Triều Tiên để bổ sung vào lượng dự trữ vũ khí đang suy giảm.
Điều đó có thể gây thêm áp lực cho Washington và các đối tác để theo đuổi đàm phán khi mối lo ngại về cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài ngày càng gia tăng, bất chấp những chuyến hàng viện trợ vũ khí khổng lồ của họ tới Kiev trong 17 tháng qua.
Mỹ đưa ra lời cảnh báo
Theo Reuters, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson nói: “Các cuộc thảo luận về vũ khí giữa Nga và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên dự kiến sẽ tiếp tục trong chuyến đi của ông Kim Jong Un tới Nga. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các cam kết công khai mà Bình Nhưỡng đã đưa ra về việc không cung cấp hoặc bán vũ khí cho Nga”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc gặp Nga-Triều, nhắc nhở cả hai nước rằng “bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí nào từ Triều Tiên sang Nga sẽ vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc” và rằng Mỹ “sẽ không ngần ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt mới”.
Các nhà phân tích nhận định, đổi lại, ông Kim Jong Un có thể tìm kiếm viện trợ năng lượng, lương thực và công nghệ vũ khí tiên tiến, bao gồm cả những công nghệ liên quan đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân và vệ tinh trinh sát quân sự.
Có những lo ngại rằng việc chuyển giao công nghệ tiềm năng của Moscow sẽ làm tăng mối đe dọa từ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa ngày càng phát triển của Bình Nhưỡng.
Sau nhiều thập niên có mối quan hệ phức tạp, "lúc nóng lúc lạnh", Nga và Triều Tiên đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine đầu năm 2022. Mối quan hệ này được thúc đẩy bởi nhu cầu từ cả hai phía nhằm tìm kiếm đồng minh đối trọng lại phương Tây và Mỹ.
Washington đã cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Moscow, trong khi giới chức Nga và Triều Tiên đều phủ nhận những tuyên bố như vậy.
Tuy nhiên, những đồn đoán về hợp tác quân sự giữa hai nước ngày càng gia tăng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu có chuyến thăm hiếm hoi tới Triều Tiên vào tháng 7 vừa qua, và ông Kim Jong Un đã mời ông Shoigu tới dự một cuộc triển lãm vũ khí và một cuộc duyệt binh lớn ở thủ đô, nơi "trình làng" các tên lửa xuyên lục địa (ICBM).
Sau chuyến thăm đó, Chủ tịch Kim Jong Un đã đi tham quan các nhà máy vũ khí của Triều Tiên, bao gồm một cơ sở sản xuất hệ thống pháo, đồng thời kêu gọi công nhân tăng tốc phát triển và sản xuất quy mô lớn các loại đạn dược mới.
Các chuyên gia cho rằng, chuyến thăm của ông Kim Jong Un tới các nhà máy này có thể có mục tiêu kép là khuyến khích hiện đại hóa vũ khí của Triều Tiên và kiểm tra pháo binh cũng như các vật tư khác có thể xuất khẩu sang Nga.
Trong nhiều năm qua, Nga và Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp như vậy được nới lỏng.
Cho dù kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều ra sao, bản thân sự kiện này đã là một dấu hiệu thể hiện sự hỗ trợ cho mỗi quốc gia khi họ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và áp lực quốc tế.