Chuyến công du Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5-10/5 là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm năm qua.
Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tham dự cuộc họp ba bên tại Điện Elysee, Paris ngày 6/5. (Nguồn: AP) |
Phân tách khỏi Trung Quốc là phi logic
Ngay khi đặt chân đến Pháp ngày 6/5, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi quan hệ Trung - Pháp là “hình mẫu cho cộng đồng quốc tế chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia có hệ thống xã hội khác nhau”, dựa trên tuyên bố năm ngoái về một “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu” Trung Quốc - Pháp.
Hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, hai bên nhất trí xây dựng đồng thuận về hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, duỵ trì đa dạng sinh học và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Về vấn đề quốc tế, hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên nỗ lực đạt lệnh ngừng bắn tức thời, toàn diện ở Dải Gaza; thúc đẩy đàm phán hòa bình về tình hình Ukraine và tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân Iran. Nhân dịp này, hai nước đã ký 18 thỏa thuận hợp tác liên ngành về hàng không, nông nghiệp, phát triển xanh, hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng một số lĩnh vực khác.
Đặc biệt, ông Tập Cận Bình đã hội đàm ba bên với ông Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Tại đây, hai nhà lãnh đạo châu Âu mong muốn Trung Quốc phối hợp, tìm giải pháp về Ukraine. Đề nghị này được họ đưa ra trong bối cảnh từ khi xung đột bùng phát năm 2022, Bắc Kinh vẫn duy trì thái độ thận trọng về vấn đề này, song song với củng cố quan hệ với Moscow.
Đáng chú ý, dù quan hệ Trung Quốc - châu Âu không còn như năm năm trước, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vẫn nhận được sự tiếp đón đặc biệt của Pháp. Tổng thống Macron đã mời vị khách từ Bắc Kinh tới dãy núi Pyrenees, quê nhà bà ngoại của ông, để tận hưởng bầu không khí tại đây cùng một số món ăn địa phương. Đồng thời, phát biểu trước Hội đồng Doanh nghiệp Pháp - Trung, nhà lãnh đạo nhấn mạnh: “Mục tiêu chung của chúng tôi là duy trì quan hệ. Phân tách khỏi Trung Quốc là một điều phi logic. Đó là mong muốn duy trì an ninh quốc gia, là duy trì sự tôn trọng, thấu hiểu lẫn nhau”.
Song, dù tiếp tục mở rộng hợp tác thương mại, Pháp mong điều này sẽ được thực hiện trên cơ sở “bình đẳng ở mọi khía cạnh, dù là thuế quan, hỗ trợ hay quyền tiếp cận thị trường”. Tuyên bố này nhắm tới quan ngại của Liên minh châu Âu (EU) trước cáo buộc Trung Quốc bảo trợ xe điện, hạn chế quyền tiếp cận thị trường với doanh nghiệp nước ngoài và tiếp tục sản xuất dư thừa.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký thỏa thuận hợp tác ở thủ đô Belgrade, ngày 8/5. (Nguồn: Reuters) |
Không giới hạn ở kinh tế
Kết thúc hai ngày tại Pháp, ông Tập Cận Bình thăm Serbia và Hungary, hai đối tác chiến lược của Trung Quốc và là các nước đi đầu về quan hệ kinh tế, xã hội và ngoại giao, trong khuôn khổ sáng kiến “16+1” trước đây.
Chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Serbia lần thứ hai trong 8 năm qua sẽ mang một thông điệp chính trị mạnh mẽ. Nó diễn ra vào dịp kỷ niệm 25 năm vụ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade khi khối này can thiệp vào Nam Tư cũ. Đối với Tổng thống Serbia Alexander Vucic, chuyến thăm là kết quả lớn khi xét đến chỉ trích của phương Tây về quan hệ của Serbia với vùng Kosovo. Về phần mình, ông Tập Cận Bình sẽ có cơ hội nhắc lại lập trường ủng sự toàn vẹn lãnh thổ của Serbia và sự liên kết chính trị rõ ràng với Belgrade về Kosovo.
Trên khía cạnh kinh tế, Trung Quốc bị thu hút bởi Tây Balkan và Serbia vì vị trí địa chiến lược và sự gần gũi với các thị trường EU. Hiện cường quốc châu Á có 61 dự án, trị giá hơn 21 tỷ USD ở Balkan. Thương mại giữa Trung Quốc và Serbia đã tăng từ dưới 450 triệu USD (2012) lên hơn 4 tỷ USD (2023). Tất nhiên, quan hệ giữa Belgrade và Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở kinh tế. Serbia đã ký gói hỗ trợ kinh tế và mua sắm quân sự trị giá 3 tỷ USD với Trung Quốc. Theo thống kê, 85% người dân Serbia có thiện cảm với Trung Quốc.
Kết quả thực chất thể hiện ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống nước chủ nhà Aleksandar Vucic đã ký thỏa thuận chung về việc nâng cao quan hệ đối tác chiến lược song phương và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Serbia trong kỷ nguyên mới, đánh dấu Serbia là nước phương Tây đầu tiên tham gia mô hình này.
Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Serbia nêu rõ hai nước đã quyết định làm sâu sắc và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Serbia là nước đầu tiên tại khu vực Trung và Đông Âu trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc cách đây 8 năm.
Hai bên cũng đã trao đổi hơn 20 văn kiện về hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thúc đẩy hợp tác pháp lý, quy định quản lý và kinh tế, cùng với việc Serbia sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc trong nhiều năm.
Tổng thống Hungary Tamas Sulyok đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lâu đài Buda, thủ đô Budapest ngày 9/5. (Nguồn: Reuters) |
Hướng tới tương lai tươi sáng hơn
Sau Serbia, ông Tập Cận Bình tới Hungary. Trong một tuyên bố khi đặt chân tới Budapest, nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu: "Chúng ta sẽ nỗ lực mạnh mẽ và kiên quyết, cùng nhau nỗ lực xây dựng nhân loại vì một tương lai chung, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trên toàn thế giới".
Ông bày tỏ tin tưởng rằng thông qua nỗ lực phối hợp của cả hai bên, chuyến thăm quốc gia được ví là "viên ngọc bên dòng Danube" sẽ "thành công trọn vẹn và mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ" song phương.
Bắc Kinh mong muốn đưa quan hệ với Budapest lên một tầm cao hơn về mặt chất lượng. Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết ông nhìn thấy "những cơ hội rộng lớn" để tăng cường quan hệ song phương với Hungary và mong được gặp lãnh đạo nước này.
Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết vị khách từ quốc gia Đông Bắc Á có kế hoạch hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Tamas Sulyok và Thủ tướng Viktor Orban, dự kiến ký kết 16 thỏa thuận.
Hungary ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vào năm 2017 và là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI). Thương mại hai nước tăng gần gấp đôi trong 10 năm, từ 7 tỷ USD (2012) lên 13 tỷ USD (2022), song thâm hụt thương mại của Hungary với Trung Quốc cũng tăng từ 3,6 tỷ USD lên 8,5 tỷ USD. Đáng chú ý, Hungary duy trì lập trường độc lập với EU trong các vấn đề về Trung Quốc. Nước này từng chặn tuyên bố của khối về phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông, về vấn đề Hong Kong (Trung Quốc) hay hợp tác BRI.
***
Chuyến công du 3 nước châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy bên cạnh quan hệ với EU, Trung Quốc có xu hướng “song phương hóa” quan hệ với từng thành viên. Thực tế cho thấy, châu Âu vẫn chưa thực sự thống nhất khi đề cập các chiến lược tương lai với Trung Quốc. Tìm kiếm sự cân bằng giữa “quan hệ đối tác đàm phán”, “cạnh tranh kinh tế để giành vị trí dẫn đầu về công nghệ” và “sự cạnh tranh có hệ thống của các mô hình quản trị” trong quan hệ với Trung Quốc như phương châm được EC nêu ra hồi tháng 3/2019 sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản cho các quốc gia châu Âu.