TIN LIÊN QUAN | |
Cần thay đổi tư duy thông tin đối ngoại | |
Đối ngoại nhân dân cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại |
“Người ta cứ nói phát triển nông nghiệp toàn diện, cá nhân tôi không tán thành. Phải phát triển nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh”. Tại Hội nghị Hội nhập quốc tế khu vực trung du Bắc Bộ đầu tháng Sáu vừa qua, ý kiến này của ông Trương Đình Tuyển đã gây chú ý của các đại biểu chín tỉnh.
Tác giả (ngoài cùng bên phải) trong Ban giám khảo giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, thể loại phát thanh. |
Từ chuyện cá nhân…
“Không có hội nhập văn hóa bởi đặc trưng của văn hóa là đa dạng, giá trị của văn hóa là khác biệt”. Nghe ông Tuyển nói, tôi càng khâm phục bởi một người từng đứng đầu Bộ Công Thương lại có những kiến giải rất thú vị về văn hóa. Có thể tôi chú ý hơn đến ý kiến của ông Tuyển bởi bài đầu tiên tôi viết cho Báo Thế giới và Việt Nam cũng đề cập câu chuyện văn hóa trong thế giới phẳng (“Tiếp cận văn hóa - tiếp cận khác biệt”, đăng ngày 10/2/2017). Khi được điều động từ Đài truyền hình tỉnh sang Sở Ngoại vụ Phú Thọ, tôi đã nghĩ ngay đến việc phải cộng tác viết bài cho tờ báo của Bộ Ngoại giao. Đến thời điểm suy nghĩ về chuyện đó, tôi đã có 20 năm làm truyền hình, nhưng chỉ 20 ngày làm đối ngoại địa phương, vì vậy, rất cần phải học hỏi. Kinh nghiệm mách bảo tôi rằng: viết báo chính là một cách tự học hiệu quả.
Nằm ở vùng đất giữa, hoạt động đối ngoại của Phú Thọ không nhộn nhịp như một số tỉnh thành có đường biên và cửa khẩu quốc tế. Bởi vậy, tiếp cận vấn đề gì và đưa thông tin như thế nào là câu hỏi tôi luôn trăn trở. Báo Phú Thọ đã ủng hộ sáng kiến của tôi để mở chuyên mục “Ô cửa hội nhập” trên báo cuối tuần. Bài nào tuy ở phạm vi địa phương nhưng có tầm nhìn toàn quốc, thậm chí toàn cầu, tôi mạnh dạn biên tập để gửi cho Báo Thế giới và Việt Nam. Mới đây vào Đà Nẵng dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc, tôi rất ấn tượng về sự cởi mở, thật thà, tử tế của người dân thành phố. Cảm nhận của riêng tôi có lẽ cũng không khác với suy nghĩ của nhiều người, điều đó khiến tôi quyết định viết một bài báo. Sau khi kể chuyện ứng xử với du khách của những người dân bình dị ở Đà Nẵng, đoạn kết bài “Mỗi người dân một vị đại sứ”, tôi viết như sau: “Năm 2017 nước ta sẽ đón tiếp hàng chục nghìn đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên từ các nền kinh tế thành viên APEC. Việc ứng xử văn minh, đón chào thân thiện của từng người dân sẽ giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được nét đẹp của nền văn hiến và con người Việt Nam. Một anh chạy xe ôm, một chị bán chíp chíp, một người bán phở, một công chức, những người tha thiết yêu Đà Nẵng, biết vun vén cho thành phố bằng những công việc bình dị của mình, họ chính là những đại sứ của du lịch Đà Nẵng và cũng là đại sứ của đất nước Việt Nam đang hội nhập và phát triển”. Khi tôi gửi bài này, Ban biên tập Báo Thế giới và Việt Nam đã sử dụng (số ra ngày 17/5/2017), và cho dịch sang tiếng Anh “Ambassador in each citizen” để làm tài liệu thông tin tuyên truyền chính thức cho Hội nghị SOM 2 APEC.
Trước khi nghe ông Tuyển phát biểu, tôi đã rất tâm đắc với câu “giá trị của văn hóa là khác biệt”. Khi chuẩn bị tài liệu giúp tỉnh Phú Thọ tham dự Hội nghị Chính quyền địa phương khu vực Đông Á lần thứ 8 tại Thành Đô, Trung Quốc (tháng 5/2017), tôi đã đề nghị các cơ quan chuyên môn chọn chủ đề “Phát huy nét đặc trưng địa phương trong liên kết phát triển du lịch”. Trong thế giới hội nhập ngày nay, sự khác biệt và độc đáo luôn thu hút du khách khám phá và trải nghiệm. Vùng đất Tổ cội nguồn với hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan - là nét đặc trưng và niềm tự hào của người Phú Thọ. Bài tham luận của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ được in kỷ yếu Hội nghị bằng bốn thứ tiếng, được chọn phát biểu trong phần khai mạc Hội nghị trước khi đại diện các nước khu vực Đông Á thảo luận chuyên đề. Tuy nhiên, không thể gửi bài này để đăng như một bài báo vì tham luận và bài báo là hai chuyện khác nhau.
Đặc tính của thông tin cũng giống như nước và không khí, cứ ở đâu có khoảng trống là tràn vào lấp chỗ trống. Thông tin báo chí và thông tin trên mạng cùng song hành, vì vậy, báo chí không thể vì chậm hoặc vì lý do này khác mà bỏ trống trận địa truyền thông. |
…đến việc xử lý thông tin báo chí
Có nhiều tiêu chí để đánh giá một bài báo hay nhưng trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi xin kể lại kỷ niệm khi làm giám khảo phim phóng sự tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc (Vinh, Nghệ An - 2012). Trong báo cáo gửi Trưởng Ban Giám khảo để nhận xét, đánh giá tác phẩm dự thi, tôi đã nêu vấn đề: “Người ta không thể ăn được “khái niệm hoa quả” mà chỉ có thể ăn được các loại quả cụ thể. Ớt cay, cam ngọt, chanh chua,… đó là hương vị của đời thực, dễ dàng cảm nhận được. Thế nhưng, có không ít nhà báo muốn ép khán giả phải nếm những ý tưởng to tát và trừu tượng. Tác phẩm của họ có thể chính xác về số liệu và đầy đủ về tư liệu nhưng thiếu đi một điều quan trọng nhất của phóng sự là phải hay. Tác phẩm hay bởi được xây dựng bằng những chi tiết hay trong đời thực. Không có chi tiết hay đồng nghĩa với việc ép khán giả ăn các khái niệm trừu tượng, xơ cứng, nhạt nhẽo và vô vị”.
Tháng Năm vừa qua, khi tham gia trong Ban Giám khảo Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, thêm một lần nữa tôi tin vào nhận xét trên. Bạn có thể đọc, xem, nghe rất nhiều rồi quên cũng rất nhiều. Nhưng có những chi tiết chỉ gặp một lần là nhớ mãi. Biết lựa chọn và sử dụng chi tiết một cách tinh tế góp phần quan trọng tạo nên sự khác biệt, ghi dấu sự thành công của tác giả. Nhiều bạn đọc mến mộ các cây viết phóng sự Đỗ Doãn Hoàng, Huỳnh Dũng Nhân… bởi vẫn câu chuyện ấy, đề tài ấy, nhưng họ khác biệt với các nhà báo khác ở việc chọn lựa và sử dụng chi tiết đắc địa, khiến tác phẩm của họ "đóng đinh" vào tâm trí và tình cảm của độc giả.
Chia sẻ nghề nghiệp với tôi, các biên tập viên một số tờ báo bảo rằng họ ngán nhất khi phải xử lý những bài báo cáo để thành bài báo. Một bài báo toàn số liệu khô cứng, thông tin chung chung chẳng khác gì một bài báo cáo dài dòng, khó mà thu hút người đọc, người xem. Điều này đúng cho tất cả báo in, báo nói, báo hình, báo mạng. Chúng tôi đã phỏng vấn nhà báo Lê Bình khi chị còn làm Trưởng phòng Kinh tế (thuộc Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam), rằng làm bản tin kinh tế có khó hấp dẫn không, chị khẳng định: “Kinh tế không phải là những con số khô khan, những khái niệm GDP, PCI,… những thứ mà nói ra người dân thường rất khó hiểu. Kinh tế đó chính là miếng cơm manh áo hàng ngày, là thân phận con người. Nếu làm bản tin như thế, tôi tin rằng người dân sẽ thích xem”.
Thông tin trong môi trường truyền thông mới
Một vấn đề nữa cần đề cập là làm báo trong bối cảnh mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. Trước đây, người dân phải chờ đến giờ đài phát, đợi đến lúc báo đăng để tiếp nhận thông tin. Bây giờ nếu muốn, họ có thể tìm kiếm thông tin mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện. Với chiếc điện thoại cầm tay, người dân không chỉ ở vị trí khán giả mà còn là tác giả, tự họ đăng phát thông tin hoặc chia sẻ thông tin trên mạng với mọi người. Trước đây, truyền hình trực tiếp là công việc riêng của nhà đài. Là đạo diễn trực tiếp trên chiếc xe truyền hình lưu động to kềnh càng, tôi từng rất tự hào mình là người đầu tiên ở Đài được học, được cấp chứng chỉ, được làm và làm được. Nhưng bây giờ, với chiếc điện thoại nhỏ xíu, mỗi người dân bình thường đều có thể tự ghi hình, phát hình trực tiếp trực tuyến (live streaming) cho mọi người xem trên khắp thế giới.
Mạng xã hội là phát kiến tuyệt vời của loài người, nó góp phần thúc đẩy công khai và tiến bộ xã hội. Cá nhân tôi cứ nghĩ, thông tin mạng xã hội có mấy cái nhất: nhanh nhất, gần gũi nhất, tương tác cao nhất, dễ dãi nhất và vì thế, có lúc cũng... ít đáng tin cậy nhất. Thông tin của báo chí có độ tin cậy vì phải qua xác minh, thẩm định của nhà báo, nhà đài, nhưng không vì thế mà chậm chắc quá. Đặc tính của thông tin cũng giống như nước và không khí, cứ ở đâu có khoảng trống là tràn vào lấp chỗ trống. Thông tin báo chí và thông tin trên mạng cùng song hành, vì vậy, báo chí không thể vì chậm hoặc vì lí do này khác mà bỏ trống trận địa truyền thông. Công chúng muốn biết thông tin, đó là nhu cầu thiết yếu, họ sẽ tìm kiếm và tìm được. Nếu không tìm được trên báo chính thống, họ sẽ tìm trên mạng (hoặc mạng sẽ tự tìm đến họ). Cho nên, tôi nghĩ, tốt nhất là báo chí phải chủ động thông tin nhanh, chính xác, trung thực và cân bằng để người dân biết bản chất của sự kiện, vấn đề, tránh hiểu lầm hoặc bị lợi dụng, xuyên tạc. Thông tin “nhanh - đúng - trúng - hay”, tôi cứ nghĩ đó là việc phải làm của Báo chí Cách mạng, xin chia sẻ với các bạn nhân dịp 21/6 năm nay.
Báo Thế giới & Việt Nam đoạt giải Ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2016 Ngày 31/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về ... |
Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật Hôm nay (19/1), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương ... |
Tác phẩm về chiến tranh Việt Nam đoạt giải Nhất thông tin đối ngoại Tối 28/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức lễ trao Giải Nhất - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ... |