📞

Chương mới trong quan hệ quốc phòng Australia-Indonesia

Xuân Sơn 13:36 | 28/02/2024
Chuyến thăm Indonesia của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles hứa hẹn mở ra tương lai tốt đẹp trong quan hệ hợp tác an ninh giữa hai nước, nhằm duy trì an ninh hàng hải và tháo gỡ bất đồng trong quá khứ.

Ngày 23/2 tại thủ đô Jakarta, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto (giữa) có cuộc đàm phán cùng người đồng cấp Australia Richard Marles (trái) về ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương. (Nguồn: AP)

Thỏa thuận lịch sử

Cuối tuần trước, ngày 23/2, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, người sắp kế nhiệm ông Joko Widodo trong cương vị Tổng thống nước này, và người đồng cấp Australia Richard Marles đã thảo luận về cách duy trì và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia tại Jakarta.

Ông Subianto cho biết, Indonesia và Australia sẽ ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng “rất quan trọng” trong vòng hai hoặc ba tháng, song không cung cấp chi tiết về thỏa thuận.

Quan chức này nói thêm, hai nước được định sẵn là những người hàng xóm thân thiết và đều quyết tâm trở thành những láng giềng tốt. Trong lịch sử có thăng trầm, nhưng Jakarta coi Canberra là người bạn thân thiết, Australia luôn đứng về phía Indonesia trong nhiều trường hợp quan trọng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marles mô tả đây là “thỏa thuận hợp tác quốc phòng sâu sắc và quan trọng nhất” trong lịch sử hai nước. Khẳng định hiện là thời điểm rất quan trọng trong quan hệ song phương, theo ông, Canberra và Jakarta có cùng vận mệnh về an ninh và đó là cơ sở để hai nước tiến tới kế hoạch phòng thủ chung.

Bộ trưởng Marles chúc mừng người đồng cấp Subianto đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, đồng thời cho biết Australia theo dõi sát sao cuộc bầu cử.

Về vấn đề ly khai tại khu vực Papua của Indonesia, quan chức quốc phòng Australia bày tỏ quan ngại, đồng thời khẳng định Canberra ủng hộ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc gặp trên diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Tư lệnh Lực lượng phòng vệ Australia, Tướng Angus Campbell, gặp ông Subianto ngày 20/2. Các chuyến thăm liên tiếp của hai quan chức an ninh hàng đầu Australia phản ánh tầm quan trọng của Jakarta với Canberra trên mặt trận quốc phòng, đảm bảo an ninh hàng hải và trật tự quốc tế.

Đầu tháng 2 này, Australia cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 11,1 tỷ AUD (7,25 tỷ USD) trong thập niên tới nhằm tăng gấp đôi đội tàu sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, ông Prabowo cũng hứa hẹn tăng chi tiêu quốc phòng nếu được bầu làm nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước vạn đảo. Đây là các động thái cho thấy nhu cầu tăng cường nội lực và hợp tác an ninh của hai nước với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định của quốc gia, khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto (phải) và người đồng cấp Australia Richard Marles nhất trí đẩy mạnh hợp tác an ninh chung trong bối cảnh khu vực ẩn chứa nhiều biến động khó lường. (Nguồn: AP)

Bất đồng quá khứ

Với hơn 270 triệu dân, quốc đảo Indonesia vốn được xem là nước láng giềng có quan hệ an ninh chiến lược quan trọng của Australia, song mối quan hệ này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.

Những bất đồng lớn bao gồm cáo buộc về việc Tổng cục Tín hiệu Australia theo dõi và nghe lén điện thoại riêng của Tổng thống Indonesia khi đó là ông Susilo Bambang Yudhoyono, vợ ông và các quan chức cấp cao năm 2013.

Bất đồng còn phát sinh từ việc Jakarta quyết định áp dụng hình phạt tử hình đối với những kẻ buôn lậu ma túy từ Australia bất chấp phản đối kịch liệt từ nước láng giềng vào năm 2015.

Năm 2017, một thành viên của Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) được cho là xúc phạm hệ tư tưởng nhà nước Pancasila vốn đề cao tín ngưỡng tôn giáo và tinh thần đoàn kết dân tộc của Indonesia, do đó Jakarta quyết định tạm thời đình chỉ hợp tác quân sự Canberra, bao gồm giáo dục, đào tạo chung và trao đổi sĩ quan. Điều này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Australia khi đó là bà Marise Payne phải lên tiếng xin lỗi Indonesia.

Tháng 9/2021, Indonesia đệ đơn phản đối việc Australia chậm cung cấp thông tin về các hoạt động của Canberra trong hiệp ước ba bên AUKUS và kế hoạch mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này xuất phát từ lo ngại của Jakarta về việc chương trình tàu ngầm có thể kích động chạy đua vũ trang trong khu vực, làm gia tăng căng thẳng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Indonesia sau đó lên tiếng nhắc nhở Australia thực hiện nhất quán nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và các biện pháp bảo vệ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Như vậy, trong khuôn khổ chuyến công du Indonesia của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marles mới nhất, Jakarta và Canberra đã đưa ra các tuyên bố ngoại giao quan trọng về lịch sử và triển vọng hợp tác quốc phòng song phương, đồng thời nhấn mạnh việc ký kết một trong những thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ an ninh giữa hai nước trong vòng vài tháng tới. Sự kiện này được kỳ vọng góp phần xóa nhòa những bất đồng và tranh cãi trong quá khứ vốn gây không ít rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước láng giềng.

(theo AP)